Cầu xin một tấm chồng Churu!

KHÁNH LY| 21/11/2013 08:38

Tục thách cưới là một nét văn hóa lâu đời gắn với dân tộc Churu. Thế nhưng, khi những mùa cà phê trúng đậm, dân bản giàu lên, muốn có thêm nhiều vàng, nhiều vòng cườm... thì tục lệ này trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của riêng những cô gái đến tuổi lấy chồng.

Cầu xin một tấm chồng Churu!

Tục thách cưới là một nét văn hóa lâu đời gắn với dân tộc Churu. Thế nhưng, khi những mùa cà phê trúng đậm, dân bản giàu lên, muốn có thêm nhiều vàng, nhiều vòng cườm... thì tục lệ này trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của riêng những cô gái đến tuổi lấy chồng.

Đọc E-paper

Chị Ma Manh bên những sợi cườm ba mẹ dành dụm để hai con gái cưới chồng, giá trung bình mỗi sợi 1 triệu đồng

Thách cưới phiên bản 2013

Xã Tà Năng, Đức Trọng, điểm cực đông của tỉnh Lâm Đồng, chỉ cách ranh giới với Ninh Thuận 3 cây số. Theo số liệu của UBND xã Tà Năng, ở đây có hơn 1.200 hộ, gần 80% là người dân tộc Churu và cũng chừng ấy dân số vẫn duy trì tục thách cưới.

Già làng thôn KLong Bong, cụ Ya Tê, năm nay 81 tuổi, vẫn giữ được dáng người nhanh nhẹn, lội rẫy làm đồng rất khỏe, kể: "Gốc gác ngày xưa, gia đình trai chỉ thách ché rượu cần, mâm cơm cộng với tấm khăn Dơla của người Cơ Ho Đan với ý nghĩa gắn kết đôi bạn trẻ về chung sống dưới một mái nhà như chồng vợ. Bây giờ thì khác xa rồi!".

Nguyên nhân sự thay đổi, theo ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Năng, trước đây tục thách cưới chỉ là nghi thức nhỏ, nhưng từ những năm 90, khi kinh tế khá hơn, nhất là sau những vụ cà phê trúng đậm ở Di Linh, bà con dân tộc ở đây hét giá cưới lên cao ngất ngưởng, thậm chí có nơi thách đến 3, 4 cây vàng, 4 con trâu, 100 chiếc khăn Dơla.

Tục "thét giá thách cưới" nhanh chóng lan sang những vùng bà con Chu Ru ở trong sâu nhất như Tà Hine, Tà Năng. Những "kỷ lục" mới liên tục bị xô đổ, có gia đình đạt mốc thách cưới 4 cây vàng, 100 sợi cườm, giá trung bình mỗi sợi là 400.000 đồng, loại đắt có thể tiền triệu...

Chị Ma Manh, 32 tuổi, nhà ở đầu thôn Tà Nhiên, chỉ cho chúng tôi những sợi cườm và khăn thách cưới theo đúng nghi lễ của người Churu: "Ba thứ này quý lắm, ít khi đem cho xem, ba mẹ tôi mua để dành cho con gái, hai chị tôi không bắt chồng nên vẫn còn, chứ nhà đông con gái thì hết lâu rồi".

Số cườm thách cưới sẽ tương ứng với số họ hàng nhà trai. Chưa kể tiền thách cưới, số cườm trên tay chị Ma Manh cũng có giá cả mấy chục triệu đồng.

Già làng Ya Tê tiết lộ thêm: "Ngày nay, mức thách cưới phụ thuộc nhiều vào mức độ ăn học của các chàng rể tương lai". Theo đó, con trai học tới lớp 12 thì thách cưới 2 đến 2,5 cây vàng. Các chàng trai ít học hơn, chỉ lớp 5 hay 6 hoặc không biết chữ thì trên dưới 1 cây vàng cộng thêm các loại khăn, cườm...

Sở dĩ chàng trai có học thức càng cao càng đắt giá bởi họ có chữ, có thể bàn tính công việc, đồng thời là "cách trả công gia đình chồng đã bỏ rất nhiều tiền của để nuôi chàng rể được như hôm nay".

Lại có trường hợp chàng trai vì học cao nên khó có cô nào dám hỏi vì sợ mức thách cưới "trên trời". Ya Hiếu ở thôn Masara năm nay 37 tuổi, học hết lớp 11, khỏe mạnh, xốc vác và chưa bị "bắt" lần nào.

Nguyên do là mấy năm trước cũng có đám nhưng ba mẹ Ya Hiếu thách giá chót vót, gia đình cô gái đành bỏ cuộc, từ đó "tai tiếng" vì thét giá cao nên không đám nào dám tới nữa. Bà con xung quanh khen Ya Hiếu tuy sống một mình nhưng mẫu mực và chăm chỉ.

Bà Ma Phia khắc khổ

Thao thức những số phận Churu

Trưởng Ban Văn hóa xã Tà Năng cho biết: "Ngày xưa, thách cưới vốn là một phong tục đẹp, thể hiện rõ nét quan hệ mẫu hệ trong gia đình Churu. Đến nay, khi số tiền thách vượt quá khả năng chi trả của gia đình nhà gái, vốn cũng là những gia đình trồng ngô, làm lúa, miếng ăn còn chật vật thì đó là một áp lực đối với không riêng gia đình nào".

Nhà Gia Ba Na, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Năng, có đến bảy cô con gái, cả hai vợ chồng quanh năm chăm chỉ làm nươi, nuôi trâu, quần quật mấy chục năm trời mới lo hôn sự được cho bốn cô.

"Tiền lo thách cưới nhiều lắm, không nhớ hết bao nhiêu! Lo gầy rạc cả người, tiền của trong nhà dần đội nón ra đi, lần lấy chồng cho con gần đây nhất, cả nhà phải dành dụm mấy năm trời, lo gần trăm triệu đồng, may mà trình bày hoàn cảnh với nhà trai, giá thách cưới mới nhẹ chút đỉnh", ông than vãn.

Nói về ba cô con gái chưa bắt chồng, ông lại than tiếp: "Hai vợ chồng già lắm rồi, cũng mệt rồi nhưng kiểu gì cũng phải lo cho nó. Tôi có trồng cà phê rồi, ba năm nữa thu hoạch chắc đủ cho một đứa làm đám cưới".

Đến đầu thôn KLong Bong, chúng tôi gặp một gia cảnh tương tự. Bà Ma Phia, năm nay 62 tuổi, sự khổ cực in hằn lên dáng đi. Tiếp chúng tôi đầu ngạch cửa, bà nói ngay: "Nó (con trai bà) bị gia đình nhà vợ đuổi về, không biết có bị bùa ngải chi không! Nhà gái qua đòi lại tiền thách cưới mà cả nhà đã xài từ xa lắc".

Thế là một mẫu đất không cánh mà bay, giấy tờ, sổ đỏ người ta giữ cả. Mười sào ruộng bán dần bán mòn hết 9, giờ chẳng có đất mà trồng cây lúa cây ngô nên bà phải đi làm thuê để lấy tiền mua gạo.

Không có đất, nợ nần treo chênh vênh như muốn đổ ụp xuống đầu không biết lúc nào. Buổi chiều bà vào bếp với một nắm gạo nấu cháo thật loãng cho cả nhà. Cậu con út Ya Sê vừa chăn bò thuê về cứ thế ngồi vét đến những muỗng cuối cùng dưới ánh sáng lập lòe, hắt lên nửa khuôn mặt đầy nhọ nồi.

Có những cô gái cố gắng thì vẫn lấy nổi tấm chồng nhưng lại bị ám ảnh về cuộc sống với người chồng mà "tốn cả gia tài cưới về” lại chẳng mảy may hạnh phúc. Đó là những câu chuyện chẳng chút cá biệt ở xã Tà Năng. Chị Ma Thúy, 42 tuổi, bật khóc làm mềm trái tim những người đối diện.

Cô bé Ma Nhúy đi chăn bò thuê với bà ngoại nuôi Ma Chét về nhà

Chị mồ côi từ nhỏ, ngày ngày đi chăn bò thuê rồi lớn lên như bông hoa dại giữa rừng. "Phận mình nghèo rớt, có yêu cũng tự làm khổ mình chứ làm sao mà thách cưới ai được. Nhiều lúc nghĩ tủi phận, tại sao cũng là phụ nữ nhưng mình lại không được làm dâu, làm vợ, làm mẹ như người ta?", chị than.

Thế rồi năm gần 30 tuổi, chị gặp và làm vợ một người từng có hai đời vợ, không cần thách cưới. Tưởng chừng cuộc đời sang trang mới nhưng anh chồng lại suốt ngày uống rượu, đánh đập chị.

May mắn nhất với chị là hai đứa con, một trai, một gái. Nhưng bất hạnh thay, anh chồng say xỉn rồi bệnh tật mất lúc cô bé Ma Nhúy vừa tròn 5 tuổi.

Cuộc sống của ba mẹ con cứ xoay vòng, nhưng chẳng khá hơn, trong căn nhà tình thương của Nhà nước xây tặng chẳng có vật dụng gì đáng giá hơn cái nồi cơm điện. Chị chỉ mong ông trời cho cái sức khỏe để kiếm tiền ít bữa thách cưới cho con, không thách được thì để nó ở với chị...

Trong khi đó, Ma Nhiên cũng là cô gái đẹp mặn mà, làm say đắm ánh nhìn người đối diện, năm nay đã 28 tuổi nhưng mắc bệnh "sợ lấy chồng". Viễn cảnh người chồng của chị cộng với hủ tục cưới xin nặng nề làm chị hoang mang.

Ma Nhiên bảo: "Mình bây giờ có cưới cũng là tiền thách mà ba mẹ dành dụm nửa đời. Ghét thật! Tục lệ gì mà bắt bán đất, vay ngân hàng để cưới chồng. Cưới được nhau về, gù lưng đi trả nợ, đất thì bán rồi, chỉ có nước làm thuê thôi", Ma Nhiên nhìn xa xăm về nơi đầu làng khi ánh chiều đã nhập nhoạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cầu xin một tấm chồng Churu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO