![]() |
Câu chuyện xảy ra trong giảng đường của sinh viên năm cuối!
Nhân vật nữ vào lớp, lấy từ cặp ra một ly trà sữa, cắm cái ống hút vào định uống. Nhân vật nam là bạn học, ngồi bàn trên, quay xuống nói: "Cho uống với!". Cô bạn đưa cái ly. Cậu bạn uống, uống một hơi đến gần hết trà, bẽn lẽn trả lại: "Xin lỗi nha, tao khát nước quá!".
Nhân vật nữ nhẹ nhàng tháo miếng nylon bọc miệng ly, rồi đột ngột hắt toàn bộ chỗ trà còn lại lên mặt bạn nam. Những hạt trân châu từ từ chảy dọc theo sống mũi, rơi trên vạt áo và đám sách vở!
Giảng viên đã vào lớp, đã thấy hết màn "hành động" và hậu quả. Nhưng ông không nói gì! Bọn trẻ lớn rồi và chúng sẽ tự giải quyết. Xung quanh cũng không ai nói gì. Không ai can ngăn hay vào hùa. Vài đứa rút điện thoại ra chớp vài tấm hình hai nhân vật chính. Nhân vật nam lặng lẽ bước ra.
Tôi quan sát diễn biến ấy và tự nhận ra những người trẻ này hình như đã khác đi rất nhiều. Chưa bước chân vào môi trường cạnh tranh, họ thẳng cánh bày tỏ thái độ thật cảm tính mà không nghĩ đến hậu quả, hay cả hai là một sản phẩm của sự giáo dục khiếm khuyết, thiếu hết những kỹ năng ứng xử cơ bản?
Câu chuyện ấy được kể lại trong bữa cơm gia đình nhiều thế hệ của tôi, gây ra cuộc tranh luận lớn. Thế hệ trên 70 ủng hộ tâm thế biết cho đi, biết tha thứ. Thế hệ U50 lo âu bày tỏ, làm quá tay như thế, mai mốt đi làm hở chút cũng "nhảy lên" vậy thì làm sao ở đâu lâu dài.
Lứa tuổi U50 dường như cảm thông, hay đã quen với hành vi "uống quá đà” của cậu con trai, hành vi quá quen thuộc của những người đã trải qua khó khăn thời hậu chiến. Điều mà người U50 lo lắng là ở sự bày tỏ thái độ quyết liệt và sòng phẳng, điều mà thế hệ U50 không đồng tình, sống không tính toán ứng xử nhiều chuyện phiền hà, mệt lắm!
Thậm chí một U50 còn đặt vấn đề: "Biết đâu nhân vật nam là người nhạy cảm, vết thương này sẽ giày vò cậu ấy rất lâu. Nghĩ đến thấy tội quá!". Chỉ có các thành viên trẻ rất nhiều ý kiến, và đa số ủng hộ "dạy cho một bài học" về ứng xử, và theo phong cách "lấy thô lỗ trừng trị thô lỗ”!
Câu chuyện này làm tôi nhớ một diễn đàn "Bảo vệ động vật" của những người rất trẻ. Một hôm, có một thành viên kể chuyện con mèo của bạn ấy bị chó hàng xóm cắn, và ông hàng xóm vụt cho chú chó một gậy.
Thật không ngờ, hàng chục ý kiến phản hồi phẫn nộ đòi "đánh" cho người hàng xóm một trận vì tội ngược đãi động vật. Thái độ của những thành viên "yêu động vật" là trừng trị thích đáng ông chủ, chứ không động chạm đến vật nuôi với lời lẽ hết sức cứng rắn, thô lỗ.
Sống cảm tính đang lan tràn, được nuôi dưỡng trong giới trẻ nhờ trạng thái "ẩn danh" trên các mạng xã hội, nên bây giờ chúng ta mới có thêm những động từ mới "ném đá” kết án thoải mái một ai đó rất vô trách nhiệm.
Tất cả những hiện tượng này trong người trẻ không thể cho là hiện tượng cá biệt của từng cá nhân, bởi hiện nay đã có những cá nhân đang dẫn dắt một phần dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống của một "đám đông" thông qua các diễn đàn và Facebook.
Với lối dùng nickname ẩn danh, những cuộc chiến với vũ khí "cảm tính" đang lan tràn và gây nhiễu loạn đời sống một bộ phận thanh niên, làm cho họ như con thiêu thân lao vào những chuyện ảo mà quên hẳn đời sống thật cần quá nhiều kỹ năng ứng xử, đến mức "cầm cục đá” trên mạng mà ném thẳng vào bạn bè trong đời thường rất dễ dàng, tựa như họ chỉ là trẻ lớp mẫu giáo chứ không phải những thanh niên đã trưởng thành.