Bình ổn giá có chặn được lạm phát?

HOÀNG ANH MINH| 10/11/2010 08:24

Nhận định khái quát về tình hình kinh tế trong mười tháng đầu năm 2010, mới đây báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam là nhanh chóng nhưng không đồng đều.

Bình ổn giá có chặn được lạm phát?

Nhận định khái quát về tình hình kinh tế trong mười tháng đầu năm 2010, mới đây báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam là nhanh chóng nhưng không đồng đều. Thời điểm này có nhiều vấn đề lo ngại xung quanh vấn đề lãi suất, tỷ giá, lạm phát...

Trong báo cáo về tình hình vật giá tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết: chỉ số giá tiêu dùng trong nước trong tháng Mười vừa qua tăng 1,05% so với tháng Chín. So với cùng thời kỳ năm ngoái, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam tăng 9,66%.

Giới chuyên gia lo ngại lạm phát tại Việt Nam lên tới 10% vào cuối năm. Đây là một mối rủi ro lớn đe dọa tới ổn định kinh tế và xã hội... Vì vậy, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã có chương trình để giữ mức tăng giá tiêu dùng ở mức 8%.

Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu bắt đầu công nhận là tình hình lạm phát tại Việt Nam đã lên tới mức báo động, và mục tiêu duy trì chỉ số giá tiêu dùng ở mức 8% cho toàn năm là “rất khó khăn”.

Ngày 6/11, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2010 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, đề ra giải pháp chỉ đạo điều hành trong những tháng cuối năm. Tại đây, vấn đề lo ngại nhất hiện nay vẫn là lạm phát tăng cao.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2010 tăng 1,05% so với tháng trước, tuy thấp hơn mức tăng của tháng 9/2010 (1,31%) nhưng vẫn cao so với cùng kỳ. Tính bình quân, chỉ số giá mười tháng đầu năm 2010 tăng 8,75% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, chỉ số giá vàng tăng mạnh (ở mức 7,87%); chỉ số giá USD tăng nhẹ (0,6%).

So với tháng 12/2009, chỉ số giá vàng tăng tới 13,47%, mức tăng cao nhất và cũng là mức tăng duy nhất ở 2 con số kể từ đầu năm 2010. Nguyên nhân khiến giá cả tăng cao, Chính phủ nhận định do thiên tai ở miền Trung; tăng giá nhóm hàng giáo dục, do vào đầu năm học mới và tăng học phí.

Mặt khác, việc tăng giá trên thị trường thế giới như giá lương thực, giá một số nguyên vật liệu xây dựng... cũng gây áp lực tăng giá đối với thị trường trong nước.

Nhận định khái quát về tình hình kinh tế trong 10 tháng đầu năm, mới đây báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam là nhanh chóng nhưng không đồng đều. Thời điểm này có nhiều vấn đề lo ngại xung quanh vấn đề lãi suất, tỷ giá, lạm phát...

WB đã đưa ra những dự báo thay đổi xung quanh một số chỉ tiêu kinh tế trong năm 2010. Về chỉ tiêu tăng trưởng GDP, vào tháng 6/2010, WB còn cho rằng Việt Nam sẽ có một năm tương đối thành công với tăng trưởng đạt mức 7%.

Tuy nhiên, với lần cập nhật này, WB cho rằng, GDP chỉ “đang trên đà đạt được mục tiêu 6,5% của năm 2010”. Về lạm phát, WB dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 8%, giảm nhẹ so với con số tính toán trước đó là 9%, được nêu ra vào tháng Sáu năm nay.

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, lạm phát là một trong những rủi ro hàng đầu đe dọa tới ổn định kinh tế và xã hội của Việt Nam. Hiện tượng vật giá leo thang càng đáng quan ngại hơn nữa vào những tháng trước Tết.

Lạm phát trong nước bắt nguồn từ việc Nhà nước bơm tiền để kích thích kinh tế, điều chỉnh tỷ giá đơn vị tiền tệ để khắc phục tình trạng nhập siêu.

Tuy nhiên, trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam giờ đây nên hướng tới những thành phần lao động có thu nhập thấp, vì giới này là những nạn nhân đầu tiên phải đối phó với lạm phát.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến cuối năm là phải tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá, chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các nơi không niêm yết gia, không bán theo giá niêm yết...

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận từ những cảnh báo ngay từ đầu năm rằng: “việc kiềm chế lạm phát đang nằm ở vấn đề kinh tế vĩ mô chứ không phải bình ổn giá cả”.

Yêu cầu kiềm chế lạm phát sẽ luôn là thách thức trong những năm tới và sẽ rất khó để thể thực hiện bởi mặt bằng giá cả trong nước tăng lên nhanh để tiệm cận với mặt bằng giá cả khu vực và thế giới là một tất yếu khách quan.

Gốc rễ của lạm phát năm nay là do không giải quyết được vấn đề nhập siêu; hạn chế nhập siêu cho những dự án lớn, nhưng thực tế chúng ta vẫn đang làm ngược lại. Chính điều này tạo sự mất cân đối cung cầu ngoại tệ và áp lực lên tỷ giá hối đoái, khiến VND mất giá ngay trong nước.

Ngày 8/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó có chỉ tiêu lạm phát 2011 không quá 7%.

Có thể thấy, nếu cố giữ CPI năm 2010 dưới một con số bằng các biện pháp hành chính như bình ổn giá lúc này thì cũng có thể đạt được nhưng khả năng lạm phát leo thang mạnh vào năm sau là điều rất dễ xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bình ổn giá có chặn được lạm phát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO