Đề xuất bổ sung quy định xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ
Bộ Công Thương vừa đề xuất bổ sung nội dung mục 4 quy định xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Theo đó, các dự án nguồn điện chậm tiến độ có thể xem xét giao nhà đầu tư khác.
Bộ Công thương nhận định, việc bổ sung nội dung mục 4 quy định xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ nhằm quy định chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án đầu tư xây dựng công trình điện, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, Trung ương để quản lý tiến độ các dự án điện, đưa ra biện pháp xử lý các dự án điện chậm tiến độ, đề xuất thu hồi dự án theo Luật Đầu tư, Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ, tiến độ đưa vào vận hành của dự án nguồn điện trong quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư phải phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực, trừ trường hợp dự án nguồn điện được phép điều chỉnh tiến độ theo quy định pháp luật về đầu tư.
Cam kết tiến độ của nhà đầu tư dự án nguồn điện phải được thể hiện trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh được ký giữa Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư được lựa chọn để thực hiện dự án. Trường hợp các nhà đầu tư được lựa chọn không thông qua đấu thầu thì cam kết tiến độ của nhà đầu tư được thể hiện trong hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư.
Trong đó, cam kết tiến độ của nhà đầu tư các dự án nguồn điện bao gồm tối thiểu các mốc tiến độ sau: Thời điểm phê duyệt dự án đầu tư; thời điểm ký Hợp đồng mua bán điện và thu xếp xong tài chính; thời điểm khởi công dự án nguồn điện; thời điểm đưa dự án vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ 4 trường hợp được điều chỉnh tiến độ dự án: Bị chậm do xảy ra sự kiện bất khả kháng được quy định trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh; dự án không đạt được mốc tiến độ cam kết do hành vi của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với hạng mục công việc tại mốc tiến độ đó; chậm tiến độ do bên thứ ba liên quan trực tiếp đến các hạng mục công việc tại mốc tiến độ phát triển dự án; do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi dự án, thu hồi chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để lựa chọn nhà đầu tư mới.
Trong trường hợp việc điều chỉnh các mốc tiến độ phát triển dự án dẫn đến thay đổi tiến độ đưa dự án vào vận hành so Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực thì thực hiện theo điểm a khoản 7 Điều 13 Luật này.
Đối với việc xem xét giao nhà đầu tư khác nếu để dự án chậm tiến độ, UBND cấp tỉnh nơi có dự án nguồn điện chịu trách nhiệm được yêu cầu theo dõi, đánh giá các dự án nguồn điện chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Theo đó, định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, UBND cấp tỉnh nơi có dự án nguồn điện có trách nhiệm gửi thông báo đến các nhà đầu tư về kết quả đánh giá tiến độ dự án nguồn điện.
Đối với mỗi lần chậm quá 60 ngày làm việc so với mỗi mốc tiến độ đã cam kết trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh, UBND cấp tỉnh nơi có dự án yêu cầu nhà đầu tư dự án khẩn trương hoàn thành hạng mục công việc bị chậm và đảm bảo không ảnh hưởng tới mốc tiến độ tiếp theo.
Sau 30 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu lần thứ nhất, trường hợp nhà đầu tư dự án vẫn chưa hoàn thành mốc tiến độ chậm trước đó, UBND cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo lần thứ hai. Tổng số lần thông báo đối với mỗi mốc tiến độ tối đa không quá 02 lần.
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày UBND cấp tỉnh nơi có dự án có văn bản thông báo lần thứ nhất về việc chậm mốc tiến độ, trường hợp nhà đầu tư không hoàn thành mốc tiến độ đã bị chậm và tiến độ tổng thể của dự án bị chậm lũy kế lên tới 12 tháng so với tiến độ cam kết trong Hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh nơi có dự án phải có văn bản thông báo ý định chấm dứt hoạt động dự án để xem xét giao nhà đầu tư khác thực hiện.
Liên quan đến cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, dự thảo nêu rõ: UBND cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dự án nguồn điện chậm tiến độ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan về chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.
Sau khi nhà đầu tư bị xử lý theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các quy định khác có liên quan, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án lựa chọn nhà đầu tư thay thế hoặc thay thế dự án trong Quy hoạch phát triển điện lực.