Dấu ấn Thủ tướng Phan Văn Khải với doanh nhân
Đã qua 20 năm kể từ khi Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 chính thức ra đời và 6 năm kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải qua đời nhưng những dấu ấn mà ông để lại trong sự phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam là vô cùng sâu đậm.
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Hành trình từ khát vọng đến tôn vinh
Ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10 là một cột mốc quan trọng, ghi nhận những đóng góp của doanh nhân trong sự phát triển kinh tế đất nước. Việc chính thức công nhận ngày này vào năm 2004 không chỉ là kết quả của sự kiên trì vận động từ Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nay là Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn) mà còn là chiến thắng của tinh thần không ngừng nghỉ từ đội ngũ của báo, đặc biệt là Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền.
Lúc sinh thời, Thủ tướng Phan Văn Khải được các chuyên gia đánh giá là lãnh đạo có tâm, có tầm, mang tư duy cải cách và luôn hết lòng vì sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân
Vào thời điểm Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 1997, số doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn rất thấp (năm 1996, số DN tư nhân đăng ký theo Luật Doanh nghiệp tư nhân là khoảng 17.000, đăng ký theo Luật Công ty gần 7.000). Vào thời điểm đó, hình ảnh và vị thế của DN tư nhân còn rất kém trong mắt công chúng.
Nhưng chính vào thời điểm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhận thấy rõ mối quan hệ hợp tác giữa Nhà nước và DN và trách nhiệm của cộng đồng doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Và chính vì thế, ông muốn phá vỡ rào cản giữa cơ quan nhà nước với DN vì sự nghiệp chung của đất nước và nhân dân. Chính tư tưởng này đã tạo nên những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải và cộng đồng DN tư nhân và góp phần tạo nên Luật Doanh nghiệp để từ đó trở thành khung pháp lý quan trọng khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân.
Những cuộc gặp gỡ đó dần trở thành hoạt động thường niên của Thủ tướng Phan Văn Khải, giữa Nhà nước và DN, đồng thời nhận được sự mong chờ rất lớn từ cộng đồng DN tư nhân. Từ những cuộc gặp gỡ đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nghe, đã chia sẻ và đồng hành cùng DN trước những khó khăn của kinh tế Việt Nam.
Những lần gặp gỡ, những cuộc đối thoại mà Thủ tướng Phan Văn Khải đã lắng nghe, đã cảm nhận được cùng với DN góp phần làm nên những quyết sách mang tính cách mạng trong sự phát triển của cộng đồng DN và kinh tế đất nước những năm sau đó.
Muốn kinh doanh, người dân chỉ cần đăng ký, không phải xin phép
Việc nghiên cứu quy định thành lập DN theo hướng người dân muốn hành nghề chỉ cần đăng ký kinh doanh, không phải xin phép; nghiên cứu quy định cấm cơ quan công quyền lập tổ chức kinh doanh dịch vụ về các thủ tục và nội dung thuộc những lĩnh vực mà cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết, như về đất đai, xây dựng, đầu tư... Đó là việc xem xét, bãi bỏ giấy phép xuất khẩu với phần lớn hàng hóa. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu, đổi mới cơ chế cấp hạn ngạch; kiểm tra và xử lý kịp thời trường hợp gây phiền hà trong cấp phép xuất nhập khẩu, tiêu cực trong phân bổ hạn ngạch…
Những thành tựu trên đều có sự tham gia chỉ đạo từ Thủ tướng Phan Văn Khải và chỉ trong vòng vài năm sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, cộng đồng DN Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong năm 2000, số DN thành lập mới đã lên tới 31.000. Đồng thời đã có nhiều doanh nhân Việt Nam thành danh bắt đầu khởi nghiệp trong chính giai đoạn này.
Mặc dù cộng đồng DN đã từng bước phát triển mạnh mẽ nhưng Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn mang trong lòng một nỗi trăn trở về việc “trả lại tên” cho cộng đồng DN Việt Nam. Chính nỗi trăn trở đó và với đề xuất của Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã dẫn đến việc ký quyết định cho ra đời Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 của Thủ tướng Phan Văn Khải. Ngày Doanh nhân Việt Nam đã có tác động rất lớn đối với kinh tế và xã hội Việt Nam bởi khi ấy mặc dù cộng đồng DN tư nhân đã có những thành công nhất định trong sản xuất, kinh doanh nhưng hình ảnh và vị thế của DN tư nhân trong mắt công chúng vẫn chưa công bằng. Hình ảnh doanh nhân vẫn bị gắn với việc buôn gian, bán lận và bị gọi là tư thương trong mắt công chúng.
Nhưng những điều đó đã thay đổi kể từ khi Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Kể từ ngày đó, đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính thức đươc gọi tên và khẳng định được vị thế cũng như vai trò trong sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.