Nhận diện khó khăn quý IV/2022
Từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động linh hoạt vượt qua khó khăn, phục hồi và mở rộng sản xuất. Nhờ vậy, từ tháng 2-9/2022, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã lấy lại đà tăng trưởng. Đơn cử, 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9,3%/tháng.
Riêng DN thủy sản xuất khẩu vào khối CPTPP cũng tăng mạnh nhờ tận dụng tốt lợi thế để phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra. Trong đó, tôm xuất khẩu tăng 51% và nhanh chóng phủ sóng các thị trường như Úc với tốc độ tăng trưởng gần 60%, Canada tăng 56%... Đối với sản phẩm cá tra cũng có sự tăng trưởng rất ấn tượng tại Mexico với mức tăng trưởng 70%.
Tuy nhiên, từ quý III/2022, các DN phải đối mặt với khó khăn, thách thức khiến cho sản xuất - xuất khẩu tăng trưởng chậm lại so với nửa đầu năm do nhiều yếu tố.
Trong đó, có tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho DN do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động; việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của DN.
Thêm vào đó là biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.
Ngoài ra, còn một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm; các quy chuẩn về môi trường trong sản xuất chế biến thủy sản, quy định về phát hành trái phiếu DN đang còn nhiều bất cập...
Đặc biệt, do hạn chế vốn, các DN còn gặp khó trong duy trì sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm sau cũng như việc làm cho người lao động.
Cụ thể, lãnh đạo một công ty thành viên của Tổng công ty Viglacera cho biết, ngành vật liệu xây dựng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm mạnh. Để có dòng tiền hoạt động trong lúc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn (vì ngân hàng đã cạn room), nhiều DN đã phải chấp nhận bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40%. Đặc biệt, việc thu hồi vốn giai đoạn này cũng rất khó khăn.
Theo đại diện Tổng công ty Xi măng (Vicem), kế hoạch tiêu thụ 70 triệu tấn xi măng trong năm 2022 chưa thể thành hiện thực. Đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam cũng cho hay, việc tỷ giá tăng cũng khiến các DN thành viên của công ty tăng chi phí từ vài chục tỷ đồng lên tới 70-80 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hay với ngành nông nghiệp, thiếu vốn khiến DN gặp khó khăn trong thu mua khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) có kỳ thu mua tập trung ở các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng DN Việt lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các DN có vốn FDI.
Dự báo năm 2023 vẫn còn khó
Theo các chuyên gia, năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn nhiều thách thức, nhất là các đơn hàng xuất khẩu sẽ giảm nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN sẽ còn chịu tác động của yếu tố bên ngoài như diễn biến căng thẳng Nga - Ukraine, giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tiếp tục tăng gây khó khăn cho giá cả sản xuất đầu vào của Việt Nam, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng do Trung Quốc tiếp tục đóng cửa...
Theo các DN ngành vật liệu xây dựng, từ nay đến cuối năm 2023, xuất khẩu xi măng vẫn dự báo tiếp tục giảm, do sức cầu vật liệu xây dựng sụt giảm và những rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu dựng lên để bảo vệ hàng hóa trong nước. Từ đó, buộc các DN xi măng phải khó khăn hơn để tìm kiếm thị trường.
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đưa ra nhận định, các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng như dệt may, da giày, nhôm công nghiệp, xi măng, nội thất, sắt thép, xi măng... Một số DN cho biết, khách đặt hàng quốc tế với số lượng lớn cho năm 2023 nhưng chỉ đưa ra mức giá chỉ bằng 30-50% so với giá bình thường.
Tháo khó... dòng tiền
Trước nhu cầu vốn của DN tăng cao cuối năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước với khoản vay của DN. Với quy mô gói hỗ trợ này, ước tính 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được hưởng lợi. Trong đó, các ngân hàng ước tính dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho DN. Song, vẫn còn nhiều điểm nghẽn khiến gói này chỉ giải ngân nhỏ giọt.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, nhiều DN vẫn chưa thể "với" được gói hỗ trợ lãi suất 2% vì nhiều lý do, trong đó có lý do từ phía Ngân hàng Nhà nước không nới room vì dư địa cho vay không còn nhiều trong hai tháng cuối năm.
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết thêm, việc các tổ chức thực hiện cho vay vẫn còn "dè dặt", chưa thực sự quyết liệt tạo điều kiện khiến DN nhỏ và vừa vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn khó tiếp cận vốn, dù khung pháp lý đã mở, đã có luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, luật tín dụng...
Thực tế có khá nhiều công ty, đặc biệt DN nhỏ và vừa vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ các rào cản như cán bộ thẩm định, những ràng buộc pháp lý, quy trình, trách nhiệm. DN vừa và nhỏ thường không có kế hoạch kinh doanh cụ thể, rõ ràng, không tính toán được đầu ra - đầu vào khiến ngân hàng gặp rủi ro cao nếu cho vay, không có tài sản đảm bảo...
Đề xuất giải pháp, bà Phí Thị Hương Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp - Xây dựng cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành ngoài việc đảm bảo điều kiện sản xuất kinh doanh bằng cách ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là nguồn cung nguyên liệu, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh, cần quan tâm tháo gỡ khó khăn về dòng tiền và cắt giảm chi phí cho DN thông qua việc cắt giảm thủ tục, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhanh chóng hơn, nhất là DN nhỏ và vừa.
Để giải quyết bài toán này, TS. Huân cho rằng cần sự vào cuộc của các quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, quỹ bảo trợ DN đã hình thành và hoạt động tại các tỉnh. Bản thân DN cũng cần chủ động, xây dựng kế hoạch hoạt động minh bạch để có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể là nâng cao mức độ khả thi tín dụng, chú trọng xây dựng uy tín về mặt tín dụng như minh bạch sổ sách kế toán, hoặc tích cực có những giao dịch qua ngân hàng, từ đó tạo hồ sơ tốt tại các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia cũng kiến nghị phương án gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cái khó hiện nay là làm sao đánh giá được khả năng phục hồi của DN. Do đó, vai trò thẩm định đánh giá của các chuyên viên tín dụng là rất quan trọng.
Đưa ra giải pháp, TS. Huân cho biết: "Có ba giải pháp khơi thông nguồn vốn cho DN. Thứ nhất, cần nới room tín dụng thêm cho ngân hàng để cung vốn cho DN. Thứ hai là ưu tiên gói hỗ trợ lãi suất và gói này không nằm trong room tín dụng để ngân hàng có thể mạnh tay giải ngân tập trung cho các DN sản xuất, nhất là DN xuất khẩu. Bởi việc hỗ trợ DN xuất khẩu sẽ giúp mang lại nguồn ngoại tệ và từ đó cũng giảm áp lực tỷ giá và có dư địa để hạ lãi suất trong tương lai. Thứ ba, phía DN cũng nên đa dạng hóa và tìm kiếm nguồn vốn mới như vay vốn từ các quỹ nước ngoài.
Về lâu dài, TS. Huân cho rằng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nhất định phải xử lý xong vấn đề của trái phiếu và đưa trái phiếu trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế và để hạn chế những cú sốc thanh khoản hiện nay cho DN và giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng".
TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, hiện còn khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công tại hệ thống ngân hàng thương mại, nên trích một nửa trong số đó (khoảng 500.000 tỷ đồng) để lập quỹ bảo lãnh hoặc quỹ bình ổn thị trường trái phiếu DN như Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm.
Để khơi thông điểm nghẽn gói hỗ trợ lãi suất 2%, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất ngành ngân hàng cần cho phép các DN có thể vay vốn thông qua kế hoạch kinh doanh chi tiết khi sử dụng vốn vay, chứng minh dòng tiền thu về trong vòng một năm, thay vì đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo.
Ngoài ra, sau câu chuyện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... tâm lý nhà đầu tư ngại không dám mua trái phiếu DN, dù là trái phiếu DN vững mạnh nên cũng có một số kiến nghị giải pháp bơm vốn cho thị trường bất động sản, nhưng không phải "để cứu" bất động sản mà là tìm cách để các kênh phân bổ vốn như trái phiếu, ngân hàng có thể thuận lợi, đẩy vốn ra cho khu vực sản xuất, cho các nhà phát triển bất động sản có năng lực. Từ đó, gỡ rối dòng vốn cho cả nền kinh tế.