Đón rồng

Con lân không thể thiếu trong Tết Việt

Kim Ngọc 12/02/2024 06:00

Những con lân với nhiều màu sắc không chỉ là biểu tượng của sự phồn thịnh, may mắn mà còn là nét đẹp văn hóa góp phần làm nên vẻ độc đáo của Tết cổ truyền.

Con đường Lương Nhữ Học - nơi được mệnh danh là “Phố lồng đèn” là khu vực nhộn nhịp nhất tại quận 5 mỗi dịp Tết Trung thu và Tết Nguyên đán. Chạy theo thứ ánh sáng phát ra từ những cặp lồng đèn treo rực rỡ dọc hai bên vệ đường sẽ thấy các nghệ nhân tạo hình một linh vật mà dân gian thường truyền tụng “Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”. Họ không chỉ tạo ra những con lân có hình dáng sống động, tinh xảo mà còn mang ý nghĩa tinh thần ở sự kế thừa, tiếp nối truyền thống và phát triển nghệ thuật từ những người đi trước.

thumbnail-xuan-tr82.jpg

Ông Lê Văn Tâm - một trong những nghệ nhân tự hào nói về sứ mệnh của mình: "Chúng tôi không chỉ là người làm nghề mà còn gìn giữ và truyền đạt những giá trị văn hóa đặc sắc qua từng đường nét trên con lân".

Theo dòng chảy thời gian, lân vẫn giữ nguyên hình ảnh và giá trị tinh thần trong mỗi dịp Tết. Tuy nhiên, về mẫu mã thì con lân ngày nay có phần khác trước, do ngày xưa không đủ phụ liệu nên lân làm ra vẫn còn thô sơ, nặng và độ bền không cao. Con lân bây giờ đẹp, gọn nhẹ, tinh xảo và bền hơn ngày trước, giá từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng để người mua lựa chọn.

Nếu trước đây chỉ có giới nhà giàu “chơi lân” thì hiện nay hình ảnh con lân xuất hiện bình dị và đi vào đời sống của không ít người Việt. Lân xuất hiện trong các sự kiện khai trương, khánh thành, trong các buổi lễ động thổ hay các dịp đặc biệt như Tết, Lễ hội.

Tương truyền, lân là thần thú của thánh thần, đứng thứ nhì trong bộ tứ linh: long (rồng) - lân (kỳ lân) - qui (rùa) - phụng (chim phụng hoàng). Những con vật thuộc bộ tứ linh luôn mang lại điềm lành cho con người, tạo bước khởi đầu tốt đẹp, thuận lợi.

Mặc dù giá thành đầu lân nhập khẩu từ Trung Quốc và lân Việt Nam tương đương nhau, nhưng vì mẫu mã đẹp, người Việt thường ưa chuộng con lân nhập khẩu. Tuy có vẻ đẹp bề ngoài nhưng chất lượng và độ bền của lân Việt vẫn nổi trội, với khả năng sử dụng lên vài năm, trong khi lân Trung Quốc thường chỉ năm bảy ngày.

Làm ra con lân, công đoạn quan trọng không kém là sơn, vẽ để “thổi hồn” cho sản phẩm, từng nét vẽ được thực hiện tỉ mỉ nhưng dứt khoát. Phải chú ý đến cách phối màu, tạo đường nét nhằm làm nổi bật thần thái - chủ yếu là đôi mắt của đầu lân và thần thái từng đầu lân phải khác nhau. Qua nét vẽ sẽ toát lên hình ảnh lân hung dữ, hiền lành hay mạnh mẽ. Để làm được điều này, ngoài sự khéo léo, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo và cảm nhận tinh tế.

Ông Lâm Văn Ky - nghệ nhân làm lân gần 60 năm tại phố lồng đèn Lương Nhữ Học chia sẻ: “Tới thời điểm hiện tại thì nghề làm đầu lân vẫn còn giữ được nét đẹp và ý nghĩa truyền thống, chưa bị mai một. Với sự tận tâm của mỗi nghệ nhân, làng lân là nơi gìn giữ văn hóa và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ. Tôi rất tự hào khi thấy nghề lân vẫn giữ được bản sắc riêng và không ngừng tìm kiếm cách làm mới để phù hợp trong bối cảnh hiện đại. Số lượng lân vào mỗi dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán được tiêu thụ rất lớn. Có những ngày đông khách, bán được hơn 3.000 đầu lân. Nhưng chúng tôi vẫn có nỗi lo không ai tiếp nối nghề này. Làm đầu lân phải chịu khó, kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ, phải nhiều công đoạn mới có thành phẩm mà thu nhập lại không được cao, thành ra không nhiều người muốn làm công việc này”.

82-lan-2.jpg

Làm đầu lân là nghề cha truyền con nối, sư truyền đệ nhận để ngọn lửa nghề luôn được tiếp nối. Tuy nghề lân mang lại niềm vui và sự phấn khích trong mỗi dịp Tết, nhưng việc kế thừa lại đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là với thế hệ trẻ ngày nay. Trong xã hội hiện đại, người trẻ chỉ thích học qua loa để nhanh chóng tham gia múa lân vì mục đích kiếm tiền hoặc xem đây là một thú chơi cho biết rồi nhanh chóng “hòa tan” vào không gian náo nhiệt của lễ hội mà ít ai muốn tìm tòi và có đam mê để làm nghề.

Nghề làm đầu lân hay bất kỳ một làng nghề truyền thống nào cũng dễ dàng bị “khai tử” và thay thế bởi một mặt hàng khác nếu chính người dân không nhìn thấy nét đẹp của văn hóa truyền thống đằng sau mỗi sản phẩm.

Xuân đến nếu chỉ có mai vàng, bánh tét, mứt kẹo mà không có tiếng trống thùng thình của múa lân sẽ thiếu đi cái không khí vui tươi, rộn ràng của ngày Tết. Tết Việt Nam, múa lân không chỉ là biểu tượng may mắn mà còn là một phần quan trọng tạo nên “bản giao hưởng văn hóa” độc đáo.

Dù cho cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, múa lân vẫn là một nét đẹp truyền thống cần được gìn giữ và phát huy. Những đội múa lân tại các làng nghề truyền thống không ngừng nỗ lực duy trì sự tinh tế và nghệ thuật trong từng động tác. Việc này không chỉ giữ vững giá trị văn hóa mà còn là một sự kết nối các thế hệ.

Mỗi năm, tiếng trống múa lân là điểm nhấn không thể thiếu trong không khí Tết. Múa lân không thể tách rời ngày Tết Việt, thể hiện sự đoàn kết và phồn thịnh của cả một dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con lân không thể thiếu trong Tết Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO