1. Mấy năm qua, Bảo âm thầm định danh ở mảng truyện ngắn. Chẳng dụng công khoe kỹ thuật lắt léo, trúc trắc; chỉ bằng ngôn từ giản dị dạt dào cảm xúc mang đậm phong cách Nam bộ thể hiện qua lối viết, qua cốt truyện, qua lời ăn tiếng nói của những con người gắn chặt đời mình với miền đất phương Nam.
Bảo đưa ta qua lắm nỗi éo le tình đời để rồi neo lại bến cuối luôn là cái tình tha thiết của một kẻ chưa bao giờ ngừng yêu cuộc đời này, trọn từng khắc mà anh ta đang sống. Văn Bảo khiến người ta khóc đấy rồi lại cười đấy, ray rứt, nuối tiếc mà vẫn chứa chan hi vọng.
Thử hỏi nếu không còn hy vọng, điều gì sẽ neo ta lại cuộc đời này?
Truyện Bảo dẫu vui vẫn chở đầy nỗi niềm. Tản văn của anh cũng thế, nhẹ nhàng mà lắng đọng, đủ khiến ta rưng rưng theo từng con chữ chất chứa lắm nỗi ưu tư.
Này là người cha già chỉ biết tìm niềm vui bé mọn cuối đời nơi mảnh vườn cỏn con trong thành phố chật hẹp. Nhìn cha an nhiên đi qua tuổi già bên cỏ cây, chim chóc, Bảo chiêm nghiệm: “Khi già đi theo năm tháng, ắt người ta sẽ tự trân quý cái thời gian tủn mủn còn sót lại này vì đâu biết chắc rằng còn bao nhiêu ngày chim hót, còn bao nhiêu mùa sử quân tử trổ hoa và còn bao nhiêu sáng an yên ghé ngang đời mình...” (Tiếng chim hót sau rào sử quân tử).
Này là cái nghĩa khí của miền đất hào sảng khiến người xứ khác phải ngỡ ngàng thốt lên rằng “Xứ gì lắm Lục Vân Tiên!” ẩn chứa thứ sức mạnh phi thường đủ khiến người ta dẫu hững hờ đến mấy rồi một ngày bất chợt chuyển từ ghét thành thương (Đừng vội ghét khi chưa kịp thương).
Này là tình người hồn hậu của những kẻ khốn khó bao năm dài vẫn “Lạc một nẻo quê”, có quê đó mà chẳng thể về, đành nuốt ngược nỗi nhớ vào trong, đêm đêm nương nhờ hiên nhà người mà mơ về mái hiên yên bình của riêng mình.
Này là những ngày ta tạm quên thực tại mà tìm về “một mùa gió của ấu thơ đầu trần chân đất, thả cánh diều tung trời với những ước mơ lớn lao” (Con thả trôi mùa gió của mình nơi đâu?).
Này là những ngày dài “quay cuồng để tìm quên” bằng lời thì thầm chỉ ta nói với bóng ta, rằng “Rồi mình sẽ bước qua những ngày mai” mà tận sâu trong tim vẫn không thôi tha thiết “Người còn ở đó đợi tôi ngỏ lời yêu?”; rằng “Bao nhiêu lần mười năm chỉ vì trẻ dại mà người ta lạc mất một tình yêu?
Giá như - là đều không thể thành hiện thực. Nhưng, một lần nào đó, nếu người biết, mười năm rồi, tôi vẫn đăng đẳng một nỗi niềm. Biết đâu đó giữa vô vàn ảnh hình người lướt ngang cái thành phố xáo động này, tôi lại gặp người, vừa hay lúc trời đổ cơn mưa như đêm ấy. Và nếu người còn ở đó, tôi sẽ ngỏ lời thương.
Và ta sẽ chẳng bao giờ lạc nhau lần nữa…”.
Mới hay “Trên đời này chẳng gì là vô nghĩa” cũng như mỗi cuộc gặp trong đời đều xoay quanh chữ “duyên”. Hiểu vậy sẽ không còn dằn vặt, không còn ray rứt trước những hợp - tan của kiếp người.
2. Christian, bạn tôi, dân Paris thứ thiệt, ngày nọ đã quyết định bỏ cả nhà cửa, xe cộ cùng một công việc ổn định, lương cao, nhiều cơ hội thăng tiến ở kinh đô ánh sáng, háo hức tìm đến Sài Gòn mà anh mới chỉ biết đến qua những lời kể. Anh gặp rồi yêu rồi không nỡ rời xa, mới đó đã mười mấy năm… Christian từng tâm sự rằng chưa bao giờ ngờ chuyến đi ấy như định mệnh, gắn chặt anh với miền đất xa xôi này.
Vân, bạn tôi, người Lâm Đồng, chỉ dừng chân ở Sài Gòn trong bốn năm đại học, cũng đủ để Sài Gòn luôn quay quắt trong cô đến tận bây giờ; để rồi trong những dòng tin thăm hỏi nhau giữa chúng tôi suốt mười mấy năm qua, Sài Gòn luôn được Vân nhắc đến bằng thứ tình cảm trìu mến như một điều thân thuộc gắn liền với đời cô. Không thể nhớ hết suốt chừng ấy năm, đã bao nhiêu lần tôi nhận được dòng tin nhắn ngập tràn nỗi nhớ: “Nhớ Sài Gòn quá T. à! Còn nhớ không T, giờ này năm đó, tụi mình…”.
Sài Gòn đã hóa thành tình yêu, nỗi nhớ và trở thành quê hương thứ hai với những người chỉ chợt “ghé qua” trong đời, thì với tôi, với Bảo, những kẻ sinh ra và lớn lên ngay trên chính mảnh đất này, tình cảm ấy còn thăm thẳm nhường nào.
Viết về vùng đất mình sinh ra, lớn lên, thân thuộc đến từng con phố, từng mùa hoa… tưởng dễ hóa ra khó vô cùng. Bởi quá nhiều điều muốn kể, muốn nói. Biết bắt đầu từ đâu?
Sài Gòn trong trang viết của Bảo là một thực thể sống với hình hài, tính cách, nỗi niềm. Sài Gòn ấy biết vui, biết buồn theo những phận người gửi nương trong nó. Có lẽ bởi lúc nào cũng trải hết ruột gan với Sài Gòn nên Bảo cảm được rằng “phía sau ánh sáng phù du ấy còn có những mảnh đời mà chỉ một mái hiên yên bình đã là mơ ước nhất cuộc đời”.
Sài Gòn với Bảo như một người tình đã gắn bó từ thuở ấu thơ, cùng lớn lên bên nhau, cùng đi qua thời thanh xuân rực rỡ. Ừ thì thảng hoặc hai kẻ đang yêu ấy cũng giận dỗi nhau đấy nhưng rồi lại chọn thứ tha, lại dành cho nhau cái tình cảm nồng nàn như rượu quý, ủ càng lâu càng ngấm. Ừ thì đôi lúc tình cảm ấy có thể bị che mờ bởi bộn bề đời sống, trở nên mơ hồ như có như không nhưng chỉ cần gạt nhẹ lớp bụi, mọi thứ lại quay về, gần như trọn vẹn.
Đặc biệt, Sài Gòn trong mắt Bảo được nhìn từ cạnh bên chứ không phải trong tâm thế một kẻ từ trên cao nhìn xuống. Góc nhìn gần gũi đó chỉ có được khi người ta luôn mở rộng lòng mình sẵn sàng bao dung đón nhận; khi người ta biết lắng nghe và nhìn thấu bằng trái tim thay vì đôi tai, đôi mắt.
Sài Gòn của Bảo là niềm cảm thông sâu sắc với những kiếp người xa xứ như má Năm (Tập tầm vông) hơn nửa đời người gởi thân nơi đất khách mà hồn cứ mãi đau đáu về cố hương. Sài Gòn của Bảo là sự đồng cảm dành cho những con người ở bên rìa xã hội, thường bị lãng quên, như cha con anh bán hạt dẻ rang dưới dạ cầu Phạm Văn Đồng (Sài Gòn và những ước mơ sau chảo dẻ rang).
Sài Gòn của Bảo là mấy chén chè Hoa chứa đựng nào chỉ bí quyết gia truyền từ đời ông đời cha từ cố quốc của một dân tộc mà còn mang cả tấm lòng người nấu lẫn triết lý ngũ hành âm dương xưa xa, nên ăn chén chè là uống cả nỗi hoài hương trong đó.
Sài Gòn của Bảo còn là nỗi ngậm ngùi tiếc nuối trước sự mai một dần của những nét đẹp bình dị xưa xa như ly cà phê kho, như tờ báo giấy… và cả những thứ vô hình như thanh xuân vàng phai trước ngõ vào một chiều tháng Sáu. Và Sài Gòn của Bảo là một sớm thức giấc thấy, lời hẹn bâng quơ từ mùa nào xa lắc chợt dội trong tim, rằng “Sài Gòn còn thương thì về”. Ta biết rằng, sau bao nổi nênh của cuộc đời, những trái tim biết thương nhau thì cũng tìm về với nhau mà thôi.
Có chịu khó lê la cùng khắp, quan sát và lắng nghe như Bảo đã chọn cách đóng vai người kể chuyện trong cuộc đời này mới thấy, để rồi cảm được những phù du của đời người, có đó rồi mất đó nhưng ngày nào còn sống là còn thương, còn tin, còn hi vọng…
Hơn ba chục năm gắn chặt đời mình với miền đất này đủ để gã trai Sài Gòn ấy nhận ra: “Ở Sài Gòn chẳng có người lạ, chỉ có người quen; chẳng thể ghét, chỉ có thương. Người thương người vì nhau mà sống. Người thương đất này, vì nó mà ở lại đây cho trọn một đời…”(Sài Gòn còn thương thì về).
3. Tôi dự định sẽ dành những lời thật trong trẻo, thật nhẹ nhàng, thật lãng mạn để viết về cuốn sách này nhưng từng trang sách cứ cuốn tôi đi để rồi đọng lại sau cùng là nỗi buồn thương tiếc nuối da diết. Song, đó là một nỗi buồn thật đẹp, bàng bạc như ánh trăng trong những câu thơ Lý Bạch.
Nó giúp ta thêm trân quý cuộc đời này, nơi mọi thứ đều có thể thoáng qua, kể cả tình yêu và chỉ có tình thương ta dành cho nhau mới bền bỉ theo thời gian. Mà trên đời này, liệu có gì tồn tại mãi mãi? Bạn hỏi đi, rồi Bảo sẽ trả lời: “Là thương”, là khi bạn “thương ai đó hơn cả phận mình…”. Cũng bởi chữ thương giản dị ấy mà những thân phận trong văn Bảo dẫu bị cuộc đời vùi dập tả tơi, dẫu đi qua bao mất mát, chơi vơi, chẳng còn gì ngoài trái tim tan nát, chông chênh vẫn chẳng nỡ quay lưng với đời.
Khi đã trưởng thành, một ngày đọc lại Hoàng tử bé của Antoine de Saint-Exupery, gặp lại “chú bé hoàng tử” qua những trang sách, tôi lại quay quắt nhớ một thời tuổi thơ hồn nhiên không bao giờ trở lại, để rồi chờ mong một phép màu có thể đưa ta về lại tuổi thơ, nơi tâm hồn chưa gợn chút vẩn đục bởi thời gian, bởi cuộc đời; để ta có thể yêu thương một bông hoa mong manh vô điều kiện…
Rồi tôi tình cờ biết Bảo, tình cờ đọc văn Bảo và chợt vui vì biết rằng vẫn còn đó những người trẻ hiện đại luôn đau đáu về những giá trị văn hóa của cha ông đang dần rơi vào lãng quên. Người trẻ ấy đang sống với khát khao níu giữ những giá trị dẫu vô hình nhưng là thứ làm nên hồn cốt của một dân tộc. Chỉ mong tình yêu của Bảo dành cho Sài Gòn, cho những tinh hoa xưa xa của miền đất bao dung này sẽ lan tỏa thật xa...
Tác giả Tống Phước Bảo còn có bút danh khác là Trúc Thiên. Anh là hội viên Hội Nhà Văn TP.HCM. Trong quá trình cầm bút, anh từng nhận được nhiều giải thưởng uy tín như: Tặng Thưởng "Truyện ngắn hay nhất năm 2020" của Tạp Chí Văn Nghệ Quân Đội; Giải Nhất cuộc thi Truyện Ngắn “Một Nửa Làm Đầy Thế Giới” - NXB Văn Hóa Văn Nghệ 2019; Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Thành Phố Tôi Yêu” - báo Thanh Niên 2020; Giải Nhất cuộc thi Tạp Bút “Quê Nhà Dấu Yêu” - báo Áo Trắng và NXB Trẻ phối hợp tổ chức 2020... * Các sách đã in: Cá Nhân: Cả một trời thương (2018), Mình gọi Nhau là cưng (2019)... In Chung: Tình yêu có từ nơi đâu (2017), Vì thương (2018), Người bình thường tử tế (2018), Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời (2019), Một nửa làm đầy thế giới (2019), Qua những miền yêu (2020), Cô-vy tự sự: gió và tình yêu vẫn thổi (2020)... |