Ảnh: X.Toàn |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 30/4, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu 6.735 ô tô các loại, chỉ bằng 20% số lượng xe nhập khẩu cùng kỳ năm 2017. Chiếm phần lớn trong số xe nhập khẩu này là xe có nguồn gốc từ Thái Lan.
Xe có xuất xứ từ Indonesia vẫn chưa trở lại dù từ tháng 3/2018, Bộ Giao thông - Vận tải đã chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) do Indonesia cấp. Toyota là hãng có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Indonesia nhưng do thời gian đặt hàng và vận chuyển khá lâu khiến nguồn cung gián đoạn. Hầu hết các dòng xe nhập khẩu như Fortuner, Hilux, Yaris, Hiace, Land Cruiser, Land Prado bán ra trong thời gian qua đều là xe nhập về từ năm 2017.
Ngay khi Nghị định 116 có hiệu lực (từ ngày 1/1/2018), hầu hết các doanh nghiệp đều không thể nhập khẩu ô tô. Theo đại diện Công ty Toyota Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp khác, doanh số các mẫu xe nhập nguyên chiếc và phân phối bởi Toyota Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Trong 4 tháng đầu năm 2018, Toyota Việt Nam chỉ bán được 263 xe nhập khẩu.
Đặc biệt, trong tháng 4, chỉ có 2 xe nhập khẩu (dòng Hiac) được bán ra, trước đó, trong tháng 3 là 14 chiếc. Hiện tại, khách hàng mến mộ thương hiệu đến từ Nhật này vẫn ngóng lô hàng mới với các dòng xe Fotuner, MPV cùng mẫu xe đô thị cỡ nhỏ Wigo.
Ảnh: X.Toàn |
Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, bà Hoàng Thị Như Quỳnh - Phó trưởng Ban Truyền thông và Trách nhiệm xã hội Công ty Toyota cho biết, năm 2018 được dự báo sẽ có nhiều thách thức cùng những thay đổi đáng kể khi kinh doanh ô tô. Tuy nhiên, Toyota Việt Nam vẫn nỗ lực mang đến những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng. Ngoài việc tập trung vào các dòng sản phẩm lắp ráp trong nước, Toyota đang tiến hành các thủ tục nhập khẩu xe trong thời gian sớm nhất.
Cũng trong tình trạng không có xe nhập khẩu kể từ đầu năm đến nay, theo đại diện của Ford Việt Nam, doanh nghiệp này chỉ nhập ô tô từ 2 nguồn là Mỹ và Thái Lan. Nguồn xe nhập từ Thái Lan đã được giải quyết vấn đề VTA từ cuối tháng 2.
Ảnh: X.Toàn |
Với Mỹ, Ford Việt Nam đã mời tổ chức tại Anh thử nghiệm, cấp VTA và đã được thông qua. "Hiện tại, vấn đề VTA cho xe nhập từ Thái và Mỹ của chúng tôi đã được giải quyết. Và trong vài tháng tới, những chiếc xe Ford nhập khẩu sẽ về Việt Nam nhưng số lượng như thế nào còn tùy thuộc vào nhà sản xuất", bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Ban Truyền thông của Ford Việt Nam cho biết.
Nếu như các liên doanh FDI đã giải quyết được vấn đề VTA theo Nghị định 116 thì các doanh nghiệp nhập xe từ ngoài khu vực ASEAN, đặc biệt là các thương hiệu xe sang vẫn còn vướng VTA. Chia sẻ với báo giới mới đây, Ông Võ Tuấn Anh - Tổng giám đốc Volkswagen Việt Nam cho biết, đơn đặt hàng Volkswagen của khách khá nhiều nhưng xe thì chưa thể về nước vì vướng Nghị định 116. Một số dòng xe chưa biết bao giờ mới có thể có mặt tại Việt Nam.
Khó khăn của Volkswagen Việt Nam cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh xe sang hiện nay gặp phải. Bởi, hiện tại, hầu hết các thương hiệu xe sang đều nhập từ Nhật, Mỹ, Đức... mà trong số này có những nước không cấp VTA, như Chính phủ Mỹ không cấp loại giấy chứng nhận nào không đúng theo quy định của Mỹ cho ô tô.
Khó khăn này chưa được giải quyết thì những khó khăn mới lại đang chờ đón các thương hiệu xe sang khi sắp tới đây, như thuế tài sản có thể được đánh trên các dòng xe có giá từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Ảnh: X.Toàn |
Đã hơn 4 tháng kể từ ngày thuế nhập khẩu trong ASEAN đã về mức 0% nhưng ô tô từ nội khối vẫn khó về, và giá xe bán tại Việt Nam vẫn tăng. Chẳng hạn như 2 phiên bản của dòng Mazda CX-5 đã tăng 10 triệu đồng so với giá cũ. Nissan cũng tăng giá cho 2 dòng xe bán chạy nhất của Hãng là X-Trail và Sunny. Trong đó, X-Trail từ 878 triệu đồng tăng lên hơn 1 tỷ đồng, tùy phiên bản. Phiên bản XV của dòng Sunny cũng đã tăng từ 439 triệu đồng lên 468 triệu đồng.
Lý giải cho việc giá xe vẫn còn cao, đại diện một nhà kinh doanh cho rằng nguyên nhân vẫn là do Nghị định 116. "Nghị định 116 làm tăng thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với các nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao. Nghị định còn tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", đại diện một doanh nghiệp kinh doanh ô tô lên tiếng.