Xe nhập khẩu đối diện nỗi lo mới

MINH HÀO| 16/04/2018 03:33

Vừa đáp ứng được các quy định về chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô cho xe nhập khẩu, các doanh nghiệp kinh doanh mảng xe này lại lo khi phải đối diện với hàng rào kỹ thuật mới.

Xe nhập khẩu đối diện nỗi lo mới

Hàng rào kỹ thuật mới?

Sau khi giải quyết được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA), những lô xe nhập khẩu hưởng thuế suất 0% từ Thái Lan và Indonesia mở đầu cho việc nhập khẩu ô tô xuất xứ các nước ASEAN đã tràn về. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, Việt Nam nhập 5.000 ô tô nguyên chiếc trị giá 115 triệu USD, tăng 25 lần so với tháng 2 (200 chiếc) và tăng 15 lần so với tháng 1 (340 chiếc).

Link bài viết

Vượt "hàng rào Nghị định 116", các doanh nghiệp sẽ tăng cường nhập khẩu và dự báo bắt đầu từ tháng 4, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia sẽ ồ ạt về nước. Và người tiêu dùng sẽ có cơ hội mua được những chiếc xe ngoại với giá rẻ hơn trước đây từ 20 - 30%

Thế nhưng những chiếc xe nhập này chưa kịp đến tay số đông người tiêu dùng thì thị trường xe nhập khẩu lại đối diện với nỗi lo mới. Cụ thể là ngày 22/3, Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo "Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về tăng cường quản lý chất lượng xe nhập khẩu, đồng thời phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế”.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn này, theo các chuyên gia trong ngành, cũng giống như "hàng rào kỹ thuật mới" mà Chính phủ dựng lên để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, và như vậy sẽ gây ra những khó khăn nhất định đối với xe nhập khẩu. Chưa biết cụ thể hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn mà các cơ quan quản lý đưa ra như thế nào nhưng theo một chuyên gia của ngành thì "đây sẽ là các thủ tục, chứng nhận được tăng thêm đối với những tiêu chuẩn kỹ thuật của ô tô nhập khẩu".

xe nhap khau doanhnhansaigon

Xe nhập khẩu đang đối diện với nỗi lo mới. Ảnh: X. Toàn

Đại diện Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, hàng rào kỹ thuật có thể trở thành chướng ngại vật mới mà xe nhập phải vượt qua nếu muốn vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những thay đổi của chính sách cần có thời gian nhất định để các hãng chuẩn bị chứ như Nghị định 116 và 125 vừa qua đến bất ngờ khiến Toyota Việt Nam trở tay không kịp. Hiện nay mới chỉ có xe nhập từ khu vực ASEAN về Việt Nam vì đáp ứng được các yêu cầu này, xe nhập từ Mỹ và châu Âu vẫn chưa thể về vì vướng các quy định vừa nêu.

Phát triển sản xuất trong nước

Có thể thấy, các thay đổi của chính sách vẫn xoay quanh việc bảo hộ sản xuất trong nước. Trong bài phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy Thaco Mazda của Tập đoàn Trường Hải mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Chính phủ ủng hộ sản xuất trong nước để hướng tới hiện thực hóa chiến lược công nghiệp ô tô.

Tạo các điều kiện thuận lợi để xe lắp ráp tại Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% để có thể hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực như kế hoạch mà các doanh nghiệp đề ra. 3 mũi nhọn để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam là Hyundai Thành Công, Trường Hải (Thaco) và VinFast. Tuy tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nhưng cũng sẽ đối xử bình đẳng giữa xe nhập và lắp ráp.

xe nhap khau doanhnhansaigon

Ảnh: X. Toàn

"Chính phủ Việt Nam khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô là bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước, nước ngoài mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Tôi xin khẳng định rằng, việc bảo vệ sản xuất trong nước phải đúng với các thông lệ, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết.

Theo các doanh nghiệp, các quy định của Nghị định 116 (quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô) và Nghị định 125 (áp dụng thuế suất 0% cho các loại linh kiện trong nước chưa sản xuất được) đang tạo điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp lắp ráp.

Với nguồn linh kiện nhập khẩu giảm thuế sẽ là một trong những tác động hỗ trợ, tạo đà cho các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất. Điều mà nhiều người lo ngại là liệu các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước có đặt ra "luật chơi mới" cho thị trường. Thời gian qua, khi xe nhập khẩu "tắc đường về", không có hàng để bán đã đẩy nhu cầu mua xe sang các nhà lắp ráp. Và việc thiếu hụt nguồn cung khiến các hãng có động cơ tăng giá bán hoặc không giảm giá.

Điều lo lắng này cũng có cơ sở vì trong năm 2017, để cạnh tranh với hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp lắp ráp đã tung ra các chương trình giảm giá xe. Thế nhưng trong thời điểm thiếu hụt xe nhập khẩu, họ lại không giảm giá mà còn tăng giá bán. Trong đó, Thaco tăng giá một số mẫu xe của 2 thương hiệu Mazda và KIA, Nissan tăng giá mẫu xe X-Trail lắp ráp trong nước. Xe lắp ráp trong nước đã vậy, xe nhập khẩu với những "chướng ngại vật mới" đã nêu có khả năng sẽ phải tăng giá trong thời gian tới.

xe nhap khau doanhnhansaigon

Ảnh: X. Toàn

Dù có những thay đổi về chính sách và biến động về thị trường, nhưng ông Choi Duk Jun - Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam tin thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2018 và các năm sau. Lý do để ông Choi Duk Jun tin vào điều này là nhờ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7 - 6,8%, đang ở mức cao của khu vực.

Năm 2017, doanh số bán ra của thị trường giảm 15% do tâm lý của khách hàng vẫn chờ đợi những thay đổi và biến chuyển của thị trường. Đây là đòn bẫy để thị trường ô tô có thể tăng mạnh trong năm nay.

"Mercedes-Benz Việt Nam vừa có quý I tốt nhất trong 23 năm hoạt động tại Việt Nam với hơn 1.400 xe được bán ra. Đây là bước đệm để chúng tôi kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 2 con số trong năm 2018", ông Choi Duk Jun cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xe nhập khẩu đối diện nỗi lo mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO