Thị trường Trung Đông, châu Phi vẫn hấp dẫn

12/03/2011 09:05

Mặc dù tình hình chính trị ở một số nước Trung Đông, châu Phi có nhiều biến động nhưng theo ông Đặng Ngọc Quang - nguyên tham tán thương mại Đại sứ quán VN tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập, thị trường này vẫn hấp dẫn. Ông Quang nói:

Thị trường Trung Đông, châu Phi vẫn hấp dẫn

Mặc dù tình hình chính trị ở một số nước Trung Đông, châu Phi có nhiều biến động nhưng theo ông Đặng Ngọc Quang - nguyên tham tán thương mại Đại sứ quán VN tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập, thị trường này vẫn hấp dẫn. Ông Quang nói:

Giày dép, một trong những mặt hàng có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông, châu Phi. Trong ảnh: sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty giày Liên Phát - Ảnh: T.V.N.

- Các mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu vào Trung Đông và châu Phi gồm: gạo, thủy sản, nông sản thô (hồ tiêu, chè, cà phê, điều, cao su...), nông sản chế biến, hàng điện tử, linh kiện máy tính và phần mềm, hàng may mặc, giày dép, hàng mỹ nghệ... Doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh, rào cản chính sách, kênh phân phối, giá cả... để chuẩn bị sản phẩm phù hợp.

* Thưa ông, biến cố chính trị tại một số nước như: Ai Cập, Tunisia, Libya... có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của VN?

- Nhìn chung, tình hình chính trị không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của VN. Một số nước có vấn đề thật sự, thương mại bị ảnh hưởng lại không phải là thị trường lớn của nước ta, như Libya chẳng hạn. Dù có biến động nhưng nhu cầu hàng hóa và nguồn tài chính vẫn không giảm, thậm chí giá cả còn tăng. Tại Ai Cập, khi biểu tình xảy ra, các ngân hàng phải đóng cửa khoảng mười ngày khiến việc thanh toán bị nghẽn lại. Giao hàng tại cảng cũng bị ách tắc do ngưng hoạt động. Tuy nhiên, hiện mọi hoạt động đã bình thường trở lại và xuất khẩu sang Ai Cập đang dần hồi phục.

* Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Trung Đông và châu Phi, theo ông, làm thế nào để tiếp cận thị trường này hiệu quả nhất?

- Tìm thông tin qua Internet là một trong những kênh tiếp cận. Nhưng thông tin miễn phí sẽ không thể hữu ích bằng thông tin phải trả tiền. Ở Trung Đông và châu Phi có nhiều website phải trả lệ phí. Tuy nhiên, thông tin thực địa mới quý giá. Doanh nghiệp có thể đến thăm các chợ đầu mối, các trung tâm buôn bán, thảo luận với thương nhân sẽ nảy ra nhiều ý tưởng kinh doanh phù hợp. Ở Dubai, Cairo... có các chợ nông sản quy mô lớn. Chợ truyền thống ở Doha là nơi bán các loại gia súc như dê, cừu, gà, vịt...

Thận trọng với những vụ lừa đảo

Ngày 11/3, tại hội thảo “Hợp tác xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông, châu Phi”, ông Lý Quốc Hùng - vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (KV4) - khuyến cáo các doanh nghiệp có ý định xuất khẩu qua các thị trường này cần cẩn trọng với những vụ lừa đảo thương mại, trong thanh toán và giao nhận. Đã có một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước do thiếu tìm hiểu thông tin đã bị các đối tượng lừa đảo yêu cầu gửi tiền cọc (khoảng 15-20%) mua hàng (thường là các đơn hàng có giá rẻ, hấp dẫn) sau đó ngắt giao dịch ngay sau khi nhận tiền...

Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu với các quốc gia này liên tục tăng. Năm 2010, kim ngạch hai chiều VN - Trung Đông đạt 3,3 tỉ USD (tăng 53%), VN xuất khẩu đạt 1,65 tỉ USD. Với thị trường châu Phi, VN xuất siêu với tỉ lệ xuất khẩu 1,8 tỉ USD, nhập khẩu 767 triệu USD.

Ngoài ra, tập quán của người kinh doanh ở đây là phải tiếp xúc trực tiếp, xem mẫu sản phẩm nên việc tham gia hội thảo, hội chợ là cần thiết. Tôi rất ngạc nhiên khi từng được đón nhiều đoàn doanh nghiệp VN muốn xuất khẩu nhưng khi tham dự hội chợ lại không có gian hàng mà chỉ đi tham quan. Nếu muốn mua hàng thì đúng là nên đi tham quan hội chợ, tìm ra sản phẩm mình cần, nhưng nếu muốn bán hàng thì chắc chắn phải mang hàng mẫu và phải có gian hàng.

* Doanh nghiệp cần lưu ý những điều gì để hạn chế rủi ro khi xuất khẩu sang thị trường này?

- Các nước Trung Đông và châu Phi cũng có không ít rào cản thương mại. Điều dễ thấy nhất là thủ tục rườm rà, chậm chạp. Mới đây, một số nước lại đưa ra nhiều tiêu chuẩn về chất lượng nhằm khắc phục hiện tượng khu vực này là nơi bán tháo các loại hàng giá rẻ và kém chất lượng.

Khi làm việc với thương nhân Trung Đông và châu Phi phải chặt chẽ tối đa, không sai sót. Có doanh nghiệp xuất khẩu chè nói với tôi không cho trả chậm thì không bán được hàng. Tôi vẫn khuyên không nên làm vậy. Rất nhiều công ty Trung Quốc đã mất tiền vì dễ dãi cho nợ.

Một vấn đề nữa cần lưu ý khi làm ăn tại thị trường Trung Đông và châu Phi là doanh nghiệp xuất cùng mặt hàng không nên cạnh tranh bằng giá. Kinh nghiệm là từ sản phẩm cá tra tại Ai Cập. Rõ ràng nhu cầu thị trường cực tốt, lẽ ra VN có thể bán được khối lượng hàng lớn, bền vững nhưng vì thiếu chiến lược, tranh bán giá rẻ, kéo theo hạ chất lượng nên đã làm mất uy tín, kết quả là xuất khẩu cá tra sang Ai Cập giảm mạnh. Các doanh nghiệp nên hợp tác với nhau, đặc biệt thông qua các hiệp hội ngành nghề để thống nhất về mặt giá cả, như trường hợp thông tin của Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn đã “ngồi lại” với doanh nghiệp cùng xuất khẩu vải để liên kết, xuất khẩu bền vững sang thị trường này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thị trường Trung Đông, châu Phi vẫn hấp dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO