Nốt trầm xao xuyến...

TÂN NGUYÊN| 20/05/2009 00:25

Trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, quán cà phê sân vườn Cung Trầm như một “nốt trầm” làm xao xuyến những ai đã từng ghé qua.

Nốt trầm xao xuyến...

Trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, quán cà phê sân vườn Cung Trầm như một “nốt trầm” làm xao xuyến những ai đã từng ghé qua. Quán được thiết kế rất mộc mạc, dân dã nhưng không kém phần thanh tao.

Anh Nguyễn Trung Nghĩa, một trong ba thành viên sáng lập quán cho biết, ý tưởng mở quán đã có từ ba năm trước, nhưng mãi đến tháng 10/2008, Cung Trầm mới chính thức gia nhập “làng giải khát”. “Khuôn viên quán trước đây là vườn nhà mình. Thấy để không uổng phí, có người bảo mở quán nhậu sẽ dễ kiếm tiền, nhưng mình nghĩ mở quán nhậu ồn ào, nên quyết định mở cà phê sân vườn”, Nghĩa cho biết. Tận dụng được khoảng sân trống, chủ nhân của Cung Trầm không tốn tiền thuê mặt bằng, quán lại ở ngay cạnh nhà nên dễ quản lý. Hơn nữa, với lợi thế của những người làm trong ngành xây dựng nên: “Tất cả các khâu từ thiết kế, xây dựng, tạo cảnh quan... cho quán đều do tụi mình và mấy người bạn thân làm giúp”, Nghĩa chia sẻ.

Nói về tên quán, Nghĩa giải thích: “Nhiều quán cà phê thường mở nhạc ầm ĩ, trong khi ở TP.HCM, bước ra đường là ồn ào bởi xe cộ quá đông, cuộc sống thì xô bồ..., nên mình lấy tên Cung Trầm - cung bậc nhẹ nhàng, sâu lắng trong bản nhạc - để khách vào quán có cảm giác thư thái. Thật vậy, không gian ở Cung Trầm được thiết kế rất mộc mạc. Tường xây bằng gạch cũ (mua lại từ một ngôi nhà cổ người ta đập đi xây lại), tạo nên vẻ rêu phong, cổ kính; một số bức tường khác được làm bằng rơm trộn với đất sét, mái lợp bằng tranh, xung quanh là những giàn hoa đỏ, tím phủ kín tường.

Vào mỗi Chủ nhật, quán Cung Trầm thường có một ông đồ già, tên hiệu Tuệ Chiếu say sưa viết thư pháp tặng khách. Nghĩa kể: “Lúc chưa mở quán, mình với Bảo qua uống cà phê ở quán Tĩnh Lặng, ông đồ này có tặng mình một bức thư pháp. Khi mình mở quán, ông tình cờ ghé vào, mình hỏi thăm và đưa bức thư pháp cho ông coi. Ông lão có vẻ cảm động, thấy “hai thằng 30” (ba mươi tuổi) này chơi được nên đồng ý tới viết thư pháp tặng khách”. Một phần quan trọng ở Cung Trầm là nhạc. Tất cả nhạc đều được Nghĩa chọn lọc rất công phu, chủ yếu là nhạc Trịnh, nhạc tiền chiến, và một số nhạc trẻ nhưng ca từ có ý nghĩa, hợp với... cung trầm.

Quán có ba “cổ đông”, nhưng cả ba đều có việc ở công ty nên sau giờ làm phải chia nhau quản lý quán. Bảo lo công tác “đối ngoại”, Nghĩa lo phần “hồn”: chọn nhạc, tranh ảnh, cây cối trang trí..., còn chị Khánh lo quản lý đồ ăn (quán mới bán thêm cơm văn phòng), đồ uống và mảng tài chính. Được cái cả ba đều có chung quan điểm, có ý kiến gì đều đưa ra bàn bạc, nhờ đó mọi việc luôn được giải quyết nhanh chóng.

Khách đến quán khá đa dạng, có cả người nước ngoài. Đặc biệt, một số nhà sư cũng vào quán. “Lúc quán mới mở, có lẽ thấy tên “Cung Trầm” có vẻ lạ, mấy nhà sư đi ngang qua, ghé vào thử, xem ra quán yên tĩnh, có thể... “tu được” nên trở thành khách ruột của quán cho tới nay”, Nghĩa cho biết. Theo Nghĩa, nhiều người nghĩ thầy chùa vào quán cà phê là chuyện lạ nhưng thực ra có sao đâu, họ đi cùng phật tử vào quán cũng là chuyện bình thường.

Tuy hoạt động chưa đầy năm nhưng Cung Trầm đã thu hút khá đông khách, và Nghĩa mong: “Chỉ cần khách đến, cảm nhận được không khí và đánh giá cao chất lượng của Cung Trầm, thấy thích rồi quay lại nhiều lần nữa là đủ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nốt trầm xao xuyến...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO