Kinh doanh O2O: Xu thế tất yếu của bán lẻ

HOÀNG DUY| 29/01/2018 06:29

Bán hàng trực tiếp và trực tuyến (offline to online - O2O) ngày càng giao thoa và bổ trợ nhau, giúp việc kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn. Kênh offline là điều kiện cần giúp kênh online tối ưu hóa trải nghiệm sản phẩm, trong khi kênh online là điều kiện đủ để kéo khách đến cửa hàng, giúp gia tăng doanh thu.

Kinh doanh O2O: Xu thế tất yếu của bán lẻ

Khảo sát do Công ty CP Công nghệ DKT thực hiện với hơn 1.000 chủ cửa hàng đang sử dụng phần mềm quản lý bán hàng Sapo (có quy mô 1 - 3 chi nhánh và trung bình 7 nhân viên/cửa hàng) cho thấy xu hướng kinh doanh kết hợp giữa offline và online đang giúp họ tiếp cận khách hàng theo đa điểm và bán hàng đa kênh.

90% đang tận dụng kênh online để mở rộng kinh doanh. Có đến 90% chủ cửa hàng tổ chức bán hàng theo mô hình O2O, trong đó 55% cho biết doanh thu online dưới 50% và 35% có doanh thu online chiếm hơn 50% tổng doanh thu.

Ngành mỹ phẩm - nước hoa - trang sức có mức doanh thu online trung bình cao nhất, chiếm trung bình 48% tổng doanh thu. Trong khi nhóm nhà thuốc chỉ 40% có bán hàng online nên doanh thu trung bình cũng thấp nhất, chỉ chiếm 12% tổng doanh thu.

Khảo sát cho thấy, năm 2017, việc kinh doanh tương đối thuận lợi với các chủ cửa hàng khi 80% cho biết doanh thu tăng so với năm trước, trong đó 44% tăng hơn 10%. Nhóm hàng thời trang - phụ kiện và đồ mẹ và bé có tỷ lệ tăng cao nhất, với 92% và 83%. Trong khi đó, 60% cửa hàng bán thuốc cho rằng doanh thu không tăng, thậm chí sụt giảm.

Khảo sát thu thập doanh thu trung bình của các cửa hàng năm 2017 khoảng 1,3 tỷ đồng. Trong đó, 30% có doanh thu dưới 500 triệu đồng, 32% từ 500 triệu - 1 tỷ đồng và 38% trên 1 tỷ đồng. Nhìn chung, ngành thời trang - phụ kiện vẫn dẫn đầu với mức doanh thu trung bình 1,8 tỷ đồng mỗi cửa hàng.

Tính trung bình năm 2017, mỗi chủ cửa hàng đã chi tiếp thị khoảng 9 triệu đồng/tháng. Trong đó, thời trang - phụ kiện cao nhất với 43% chi 20 - 50 triệu đồng/tháng và 33% cửa hàng chi 50 triệu đồng/tháng.

87% chủ cửa hàng cho biết việc bán hàng tại chỗ (offline) dẫn đầu về hiệu quả, kế đến Facebook có tỷ lệ 80%, trên website là 53%, Zalo và Instagram khoảng 51% và đại lý, cộng tác viên là 49%.

ngành bán lẻ

3 kênh bán hàng lớn nhất là tại cửa hàng, Facebook và website, tạo thành thế "chân kiềng" giúp họ kinh doanh đạt hiệu quả tốt nhất.

- Chi phí tiếp thị: 87% nhà bán hàng cho biết Facebook là kênh được sử dụng nhiều nhất, kế tiếp là tổ chức tiếp thị, quảng cáo tại chỗ với 70%, và các kênh khác như email marketing, diễn đàn, YouTube... Đáng chú ý là khảo sát cho thấy việc chạy quảng cáo Google Adwords chỉ chiếm 38%, chưa bằng 50% so với quảng cáo trên Facebook.

Quảng cáo trên báo chí truyền thống chi phí cao nên chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ 26% cửa hàng từng sử dụng. Chỉ 21% có nhân sự chuyên trách. Việc thuê dịch vụ cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, cao nhất là thuê ngoài quảng cáo Facebook (12%), sau đó là viết PR quảng cáo báo chí (9%), và chạy quảng cáo Google Adwords (8%).

- Thanh toán không tiền mặt tăng chậm: Tăng đáng kể nhất, theo các chủ cửa hàng, là thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ khả quan với 41% có sử dụng. Trong khi đó, ví điện tử ít được sử dụng nhất, với 18%.

Việc trả tiền trực tiếp vẫn là phương thức thanh toán phổ biến và thường xuyên nhất, với 96% cửa hàng sử dụng, trong đó 76% cửa hàng sử dụng thường xuyên 1 - 2 lần/tuần, 93% chuyển khoản ngân hàng, và 90% nhận hàng thanh toán (COD).

Phương thức giao hàng phổ biến nhất vẫn là giao trực tiếp tại cửa hàng, với 94% sử dụng, tiếp đến là sử dụng dịch vụ của các đơn vị chuyển phát, với 88%, 73% có thuê dịch vụ giao hàng hoặc xe ôm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh doanh O2O: Xu thế tất yếu của bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO