Dệt may vẫn chờ cú hích TPP

LÊ HUY| 10/01/2014 08:23

Dệt may Việt Nam được coi là ngành sẽ chịu nhiều tác động trực tiếp từ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có không ít thách thức.

Dệt may vẫn chờ cú hích TPP

Dệt may Việt Nam được coi là ngành sẽ chịu nhiều tác động trực tiếp từ Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có không ít thách thức.

Đọc E-paper

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 20 tỷ USD, nếu kể cả xuất nguyên phụ liệu thì có thể đạt tới 21 tỷ USD và tiếp tục duy trì được tỷ trọng khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khối đàm phán TPP có hai thị trường rất quan trọng là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 11% và các nước TPP khác đang chiếm khoảng 4%. Như vậy, khối các nước TPP đang chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam.

Riêng năm 2012, đã có gần 11 tỷ USD xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP. Vì vậy, có thể nói khối các nước TPP là thị trường quan trọng nhất của ngành dệt may Việt Nam, ngay cả trong hiện tại và tương lai.

Theo khảo sát của Vitas, hầu hết doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam rất quan tâm đến các nội dung đàm phán TPP, nhất là trong quy tắc xuất xứ và hàng rào thuế quan. Đây cũng là hai vấn đề chính mà DN cũng như nhà sản xuất đều lưu ý trong mỗi hiệp định thương mại tự do.

Tất cả những vấn đề này đều nhằm thực hiện chiến lược xuyên suốt của ngành dệt may Việt Nam là đẩy mạnh tăng trưởng về quy mô xuất khẩu, từ đó có khả năng xây dựng các chuỗi cung ứng để có thể phát triển bền vững.

Tuy hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký kết TPP, nhưng quy mô sử dụng các loại nguyên liệu của Việt Nam mới chỉ đạt dưới 10 tỷ USD. Đây chưa phải là quy mô hấp dẫn để DN đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu. Bởi sản xuất nguyên liệu có suất đầu tư lớn, đòi hỏi vốn lớn, trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý cao hơn, rủi ro nhiều hơn.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas, cho rằng, muốn đẩy mạnh được sản xuất nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, một trong những yếu tố tiên quyết là phải tăng được quy mô xuất khẩu.

Ông Trường cũng khẳng định, khi tham gia vào TPP, DN dệt may sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn. Đầu tiên là bảng chào thuế cần được cắt giảm nhanh và mạnh mới tạo được lợi nhuận đủ lớn, bởi bản chất của cắt giảm thuế là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà sản xuất cũng như nhà mua hàng.

Cùng đó là quy tắc xuất xứ phải có tính khả thi cao, nếu không thì bản thân quy tắc xuất xứ và thủ tục để chứng minh quy tắc xuất xứ sẽ trở thành rào cản lớn trong việc thực thi Hiệp định TPP. Thêm nữa là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các DN Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, khi nội dung của Hiệp định TPP đã dần dần sáng tỏ, biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích, lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Do lực của DN đầu tư nước ngoài cách rất xa lực của DN Việt Nam, nếu không cẩn thận thì việc hưởng lợi từ TPP sẽ rơi vào tay các DN nước ngoài.

Vitas cũng khuyến nghị DN trong ngành cần có sự chuẩn bị để liên kết các khâu trong chuỗi cung ứng, tránh bị động khi đã ký kết mà lại không tận dụng được các điều kiện thuận lợi với các thuế quan ưu đãi khi thỏa mãn các điều kiện của TPP.

Ngoài ra, các DN phải hình thành chuỗi cung ứng chặt chẽ, có cam kết, có cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi với mục tiêu biến TPP thành cú hích quan trọng cho ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dệt may vẫn chờ cú hích TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO