Cuộc đua của “ hai bà đeo kiếng”

CÁC NGỌC| 09/06/2009 00:42

Người dân Bến Tre nói từ hôm cầu Rạch Miễu thông thương, đường từ cầu vào thị xã Bến Tre xuất hiện rất nhiều cửa hàng kẹo dừa với những bảng hiệu lớn san sát nhau. Nổi nhất là các bảng hiệu “Kẹo dừa Thanh Long” và “Kẹo dừa Bến Tre” bởi chúng hầu như sóng đôi hoặc đối diện nhau suốt quãng đường dài và trên mỗi bảng hiệu đều có hình “bà đeo kiếng”.

Cuộc đua của “ hai bà đeo kiếng”

Người dân Bến Tre nói từ hôm cầu Rạch Miễu thông thương, đường từ cầu vào thị xã Bến Tre xuất hiện rất nhiều cửa hàng kẹo dừa với những bảng hiệu lớn san sát nhau. Nổi nhất là các bảng hiệu “Kẹo dừa Thanh Long” và “Kẹo dừa Bến Tre” bởi chúng hầu như sóng đôi hoặc đối diện nhau suốt quãng đường dài và trên mỗi bảng hiệu đều có hình “bà đeo kiếng”.

Hai cửa hàng kẹo dừa hiệu Thanh Long và hiệu Bến Tre sát nhau trên đại lộ Đồng Khởi.

Cuộc đua mở thị trường phân phối

Bến Tre vốn nổi tiếng về đặc sản kẹo dừa với khoảng 100 đơn vị sản xuất tập trung ở thị xã Bến Tre, huyện Châu Thành và huyện Mỏ Cày. Kẹo dừa Thanh Long của DNTN Thanh Long và kẹo dừa Bến Tre của Công ty SXKD Tổng hợp Đông Á nằm trong tốp 10 thương hiệu kẹo dừa nổi tiếng có lượng tiêu thụ lớn.

Trên 30 năm nay, DNTN Thanh Long chuyên tâm thị trường trong nước, chưa có ý định xuất khẩu. Từ năm 1999, Thanh Long đã quảng bá thương hiệu bằng cách đặt bảng hiệu ở các tiệm tạp hóa dọc hai bên bến phà Rạch Miễu.

Năm 2004, Thanh Long mở 2 cửa hàng gắn với xưởng sản xuất tại thị xã Bến Tre (số 212B Đồng Khởi, P. Phú Khương và 601/1 quốc lộ 60, P. Sơn Đông); tháng 4 năm nay, thêm cửa hàng - xưởng sản xuất gần cầu Rạch Miễu.

Đến nay, tính riêng Bến Tre, Thanh Long có 300 đại lý bán lẻ, tập trung nhiều từ ngã tư Tân Thành đến cầu Rạch Miễu, dọc bến phà Hàm Luông và từ thị xã Bến Tre về huyện Ba Tri. Ở TP.HCM, Thanh Long có một cửa hàng ở 67 Ngô Quyền, Q.10 và 12 đại lý trong chợ Bình Tây đưa hàng đi các tỉnh, thành khác.

Còn việc phân phối ra phía Bắc, Thanh Long giao cho tổng đại lý ở Hà Nội. Ba cửa hàng gắn với xưởng sản xuất là nơi để cho du khách tham quan quy trình làm kẹo dừa.

Sắp tới, Thanh Long mở thêm một điểm như vậy ở khu du lịch Cồn Phụng. Một điều đáng chú ý trong chiến lược mở rộng phân phối của Thanh Long là hỗ trợ lãi suất vay vốn ký quỹ cho các đại lý, lo quầy kệ, bảng hiệu nhưng không yêu cầu độc quyền kinh doanh hàng của Thanh Long (ngoại trừ tổng đại lý).

Bà Phạm Thị Tỏ (Hai Tỏ), Giám đốc Công ty SXKD Tổng hợp Đông Á nhìn nhận: Đã 30 năm mãi lo xuất khẩu hơn bán trong nước, đến nay thì Đông Á đã xem thị trường nội địa là chính nên đã mở một số đại lý. Khi có cầu Rạch Miễu, du khách đến Bến Tre ngày một đông, bà quyết định mở cửa hàng đặc sản Bến Tre; phát triển hệ thống đại lý ở trong và ngoài tỉnh.

Trong 7 phân xưởng sản xuất kẹo dừa, bà Hai Tỏ dành phân xưởng 5 chuyên làm hàng nội địa. Cửa hàng lớn nhất của kẹo dừa hiệu Bến Tre được đặt ngay ngã tư Tân Thành, nơi giao nhau của các hướng đi về các huyện trong tỉnh và TP.HCM. Nhờ khoảng không gian rộng của vòng xoay nên tầm nhìn rộng, khách từ xa đã nhìn thấy bảng hiệu “Kẹo dừa Bến Tre”.

Cửa hàng thứ hai, bà Tỏ đặt tại số 210 Đồng Khởi, P. Phú Khương, sát bên cửa hàng chính của kẹo dừa Thanh Long. Hiện Công ty SXKD Tổng hợp Đông Á đã phân phối kẹo dừa đến Cần Thơ, Đồng Nai, Buôn Ma Thuột (Đăk Lắk), Hà Nội, Huế, Bạc Liêu, Long Xuyên (An Giang), TP.HCM.

Du khách mua kẹo dừa

Biết chọn "Bà đeo kiếng" nào

Ngoài kẹo dừa, bà Hai Tỏ sản xuất thêm bánh phồng mì, còn DNTN Thanh Long sản xuất thêm kẹo chuối, bánh tráng sữa. Tuy nhiên, các cửa hàng chính của họ có rất nhiều đặc sản Bến Tre khác, nên có thể nói họ đã đại diện cho các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo, và hàng thủ công mỹ nghệ giới thiệu đặc sản các làng nghề trong tỉnh.

Việc hai DN hỗ trợ cho các đại lý bán lẻ quầy kệ và bảng hiệu cũng góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương và tạo thêm nhiều việc làm. Cả hai DN đều cho biết sẽ tiếp tục phát triển cửa hàng tự doanh và mạng lưới bán lẻ trong, ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, có một hiện tượng không bình thường khi cửa hàng “Kẹo dừa Bến Tre” và “Kẹo dừa Thanh Long” đều có “bà đeo kiếng” trên bảng hiệu cứ sánh đôi trên các quốc lộ, khiến người ta nghĩ đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai thương hiệu này.

Bà Phạm Thị Tỏ nổi tiếng với việc Công ty SXKD Tổng hợp Đông Á thắng kiện vụ nhãn hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” bị làm giả ở Trung Quốc. Sau vụ kiện đó, “bà Hai đeo kiếng” xuất hiện nhiều trên báo chí và tại các hội nghị như đại diện cho làng nghề làm kẹo dừa ở Bến Tre.

Song, bao nhiêu năm không ai thấy cửa hàng “Kẹo dừa Bến Tre” của bà Hai Tỏ ngay tại Bến Tre, cho đến năm 2007. Trong khi đó, từ năm 2000, những bảng hiệu “Kẹo dừa Thanh Long” với một mẫu như nhau đã có mặt và liên tục trương lên ở các con đường chính trong tỉnh ngày một nhiều hơn, bảng nào cũng có hình một phụ nữ đeo kiếng.

Chính mật độ bảng hiệu phủ dày của Thanh Long đã in dấu ấn trong mắt người tiêu dùng nội tỉnh và du khách đến Bến Tre một thời gian dài. Bởi thế khi xuất hiện hai “bà đeo kiếng” trên bảng hiệu khác nhau, người ta bắt đầu thắc mắc: Sao các bà bán kẹo dừa phải đeo mắt kiếng?

Năm 2007, theo công bố của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, kẹo dừa hiệu Thanh Long được người tiêu dùng bình chọn là hàng VN chất lượng cao. Từ đó, trên bảng hiệu “Kẹo dừa Thanh Long” luôn có logo và dòng chữ “Hàng VN chất lượng cao”, khẳng định đây là kẹo dừa ngon.

Cửa hàng bán kẹo dừa hiệu Bến Tre cũng phải chứng minh chất lượng bằng công bố “thương hiệu thắng kiện của bà Hai Tỏ”. Không chỉ hai cửa hàng tự doanh của hai DN này mở sát bên nhau trên đại lộ Đồng Khởi (số 210 và 212B), mà các đại lý của họ cũng cặp kè ở nhiều nơi với những bảng hiệu như vậy, bảo sao người ta không nghĩ họ đang cố tình đeo bám nhau, cạnh tranh quyết liệt. Du khách thấy thế lại phân vân: Chọn kẹo của ai ngon?

Có vẻ cuộc cạnh tranh tiến thêm bước nữa khi Thanh Long mở thêm cửa hàng đối diện địa chỉ 210 và 212B Đồng Khởi để đón du khách từ Bến Tre về TP.HCM mua đặc sản địa phương làm quà. Mặt khác, Thanh Long còn có thêm những mặt hàng độc đáo như trái dừa dứa, dừa sáp, trái rượu dừa, vỏ trái dừa đựng bình trà...

Lợi thế nữa của Thanh Long là cho du khách đi theo đoàn được tham quan quy trình làm kẹo ở xưởng ngay sau cửa hàng và còn tặng lại phí qua cầu Rạch Miễu cho xe đưa khách về Bến Tre.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, một du khách nhận xét: “Sự cạnh tranh để phát triển là tốt, nhất là với những thương hiệu địa phương. Các DN mở được mạng lưới bán lẻ tại chỗ và trải khắp thị trường nội địa sẽ giúp cho kẹo dừa của tỉnh Bến Tre tiêu thụ mạnh hơn, nhưng phải giữ tinh thần cạnh tranh lành mạnh, giữ chất lượng nếu không thì chỉ một vài lời nói xấu lẫn nhau sẽ làm tổn hại cho hình ảnh làng nghề đặc sản lâu đời của xứ dừa, ảnh hưởng việc kinh doanh của biết bao cơ sở kẹo dừa khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua của “ hai bà đeo kiếng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO