Chiến lược kinh doanh linh hoạt của Thế Giới Di Động

AN PHƯƠNG| 11/03/2018 06:50

Linh hoạt về mặt chiến lược kinh doanh, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động đang đưa mảng bán lẻ điện thoại di động ra thị trường nước ngoài để thử nghiệm.

Chiến lược kinh doanh linh hoạt của Thế Giới Di Động

Một Big Phone của Thế giới Di Động tại Campuchia. Ảnh: Minh Phương

Và trước hết là ở thị trường Campuchia với thương hiệu Big Phone.

Bước đi đầu tiên

Với màu vàng là tông chủ đạo, không gian lớn, mặt hàng đa dạng, trình bày sản phẩm đẹp mắt là cách mà Thế Giới Di Động đưa đến những trải nghiệm khó quên cho người dân Campuchia.

"Các giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu Thế Giới Di Động tại Việt Nam đều được truyền tải đầy đủ tại thị trường Campuchia", ông Hồ Viết Đông - Giám đốc Điều hành Big Phone của Thế giới Di Động tại Campuchia chia sẻ.
Thế Giới Di Động muốn triển khai kinh doanh cùng lúc tại 3 thị trường là Campuchia, Lào và Myanmar, tuy nhiên vì Lào và Myanmar chưa mở cửa cho các nhà bán lẻ nước ngoài nên Campuchia trở thành thị trường nước ngoài đầu tiên của Công ty.

Vào năm 2016, Thế Giới Di Động chọn thủ đô Phnom Penh là bàn đạp để triển khai hệ thống chuỗi bán lẻ điện thoại di động tại Campuchia. Nhưng đến giữa năm 2017, Công ty mới khai trương cửa hàng đầu tiên do phải vượt qua một loạt rào cản về thủ tục pháp lý cũng như tìm kiếm mặt bằng, nguồn hàng chính hãng, đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Thế Giới Di Động đã đi rất nhanh khi triển khai 8 cửa hàng vào tháng 2/2018 và dự kiến đến giữa năm nay sẽ nâng lên 10 cửa hàng tại Campuchia.

Link bài viết

Đánh giá về thị trường điện thoại ở Campuchia, ông Đông cho biết, mức độ phổ cập điện thoại với người tiêu dùng là khá cao, tuy nhiên thị trường Campuchia cũng tương tự Việt Nam cách nay 10 - 15 năm, được vận hành bởi các cửa hàng nhỏ lẻ, hàng hóa được mua trôi nổi, không có thuế, và khách hàng không có những trải nghiệm dịch vụ mua sắm, chế độ hậu mãi tốt.

"Thế Giới Di Động đã lấp đầy khoảng trống này bằng việc đem mô hình đã vận hành thành công tại Việt Nam vào thị trường Campuchia. Khách hàng được tận hưởng nhiều giá trị mua sắm mới, như mua điện thoại gặp sự cố kỹ thuật sẽ được đổi trả trong vòng một tháng, được cài đặt các ứng dụng miễn phí. Bằng cách làm này, chúng tôi muốn góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng từ chỉ quan tâm đến giá cả điện thoại sang chú trọng nhiều hơn về dịch vụ”, ông Đông nói.

Đến thời điểm này, Big Phone là thương hiệu bán lẻ duy nhất vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ di động với các tiêu chuẩn dịch vụ cao nhất tại Campuchia.

Tuy nhiên, theo ông Đông, thuế là rào cản lớn nhất cho việc kinh doanh của Công ty. Hầu hết các cửa hàng nhỏ lẻ đều bán hàng không có thuế, nhưng mỗi sản phẩm mà cửa hàng Big Phone bán ra gánh đến 15% tiền thuế (10% thuế VAT và 5% thuế nhập khẩu). Mặt khác, do áp dụng tiêu chuẩn mặt bằng bán lẻ vốn đã từng vận hành thành công tại Việt Nam cũng khiến Thế Giới Di Động gặp nhiều khó khăn tại Campuchia vì giá thuê rất cao, và không có nhiều con đường phù hợp với tiêu chuẩn đặt ra.

Theo ông Đông, Thế giới Di Động đã có những thỏa thuận với các hãng điện thoại để họ hỗ trợ một phần chi phí về thuế nhập khẩu; chấp nhận giảm biên lợi nhuận để giá bán cạnh tranh hơn, đồng thời mở thêm nhiều cửa hàng để gia tăng sản phẩm tiêu thụ giúp thuyết phục các nhà cung cấp điện thoại hỗ trợ phần thuế VAT.

"Hiện đã có nhiều tín hiệu tốt cho thương hiệu Big Phone. Mặc dù ngại giá cao hơn so với cửa hàng truyền thống, nhưng 85% khách hàng đặt chân vào Big Phone đều  quay trở lại mua hàng. Doanh số các cửa hàng đạt 70 - 80%, kỳ vọng mỗi cửa hàng đạt doanh thu 100.000 USD/tháng, đồng thời các chỉ số kinh doanh khác cũng tăng trưởng ngày càng tốt", ông Đông cho biết.

Cũng theo ông Đông, tham vọng của Công ty là sớm đưa các mảng kinh doanh khác đang hoạt động tại Việt Nam như dược phẩm, điện máy, bách hóa xanh vào thị trường Campuchia.

Chuyển chiến lược

Trong một báo cáo phát hành gần đây, Công ty Chứng khoán TP.HCM đưa ra nhận định Thế Giới Di Động sẽ tạm ngưng phát triển hệ thống cửa hàng điện thoại vì bão hòa, chỉ nỗ lực duy trì thị phần hiện có là 42%. Nguồn lợi nhuận từ đây sẽ được đầu tư vào các mảng kinh doanh khác.

Điều ấy được xác định khi ông Trần Kinh Doanh - Tổng giám đốc Thế Giới Di Động khẳng định, trong năm nay sẽ phát triển chuỗi bách hóa xanh từ 300 cửa hàng lên gần 1.000 ở TP.HCM và vươn ra một số tỉnh lân cận. Ông Doanh cũng nhấn mạnh đây là mảng kinh doanh lớn, hiệu quả của Thế Giới Di Động, góp phần đưa doanh thu lên hơn 86.000 tỷ đồng trong năm 2018.

Cũng trong năm nay, Thế Giới Di Đông sẽ đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng cho bách hóa xanh. Nguồn vốn này được huy động từ lợi nhuận giữ lại hoặc vay trung và dài hạn hay phát hành trái phiếu. "Bách hóa xanh sẽ chiếm 10% thị phần chợ truyền thống, và không xác định đối thủ nào để cạnh tranh mà chủ yếu vượt lên chính mình", ông Doanh khẳng định.

Theo ông Doanh, chiến lược của bách hóa xanh là tập trung phát triển các mặt hàng phổ thông mà bất kỳ bà nội trợ nào khi ghé vào đều có thể hài lòng mua sắm. Thế mạnh vốn có của Thế Giới Di Động là vận hành hiệu quả chuỗi bán lẻ sẽ được áp dụng vào bách hóa xanh để tạo ra tính tối ưu cho nguồn cung, chất lượng sản phẩm, phương thức bảo quản nhằm có mức giá tốt nhất để thu hút người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết, mảng điện máy xanh sẽ tạm thời không phát triển nhanh mà chỉ mở thêm một vài cửa hàng tại TP.HCM. Điều này cũng khá hợp lý vì Công ty mới mua lại hệ thống cửa hàng điện máy Trần Anh và nhập vào thương hiệu Thế Giới Di Động. Với lĩnh vực dược, năm 2018, không nằm trong kế hoạch phát triển của Thế Giới Di Động mà tập trung phát triển trong trung và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến lược kinh doanh linh hoạt của Thế Giới Di Động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO