Covid-19 gây khó khăn cho nền kinh tế và ngành báo chí cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Chuyển đổi số trong báo chí” chiều ngày 30/3, thời điểm khó khăn này cũng chính là động lực thúc đẩy các cơ quan báo chí nhanh chóng thực hiện chiến lược chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình tác nghiệm hiện đại, thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
Báo chí phải đổi mới sáng tạo để tạo ra những nội dung hữu ích, hấp dẫn, thậm chí là mang lại hiệu quả kinh tế. Chuyển đổi số không đơn thuần là chuyển sang công nghệ mới hơn mà phải thay đổi tư duy, coi chuyển đổi số là xu thế tất yếu và tìm giải pháp để thích nghi. Tư duy này phải được thay đổi từ người lãnh đạo cao nhất trong tòa soạn đến những quản lý cấp trung và xuống đến từng cán bộ, nhân viên.
“Các ý tưởng hay nhất không đến từ những lãnh đạo cao nhất nhưng mọi sự thay đổi đều đến từ cấp cao nhất. Nếu lãnh đạo muốn thử nghiệm cái mới phải chấp nhận rủi ro còn muốn an toàn thì không nên thực hiện”, nhà báo Lê Quốc Minh nói.
Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, có 5 yếu tố để chuyển đổi số thành công. Đó là phải có những lãnh đạo am hiểu công nghệ, xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên tương lai, tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, tăng cường sử dụng các công cụ digital, thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital.
Kinh nghiệm chuyển đổi số thành công từ nhiều cơ quan báo chí như New York Times, Washington Post, BBC… cho thấy, họ sử dụng rất nhiều các công nghệ như web, dịch vụ đám mây, mobile internet, big data, intenet vạn vật…
Nhưng sở hữu công nghệ mới chỉ là khởi đầu, tạo ra thay đổi và sự khác biệt mới là yếu tố quyết định. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải tạo ra hứng khởi cho cả hệ thống, cán bộ các cấp phải sáng tạo nhiều hơn, nhiều ý tưởng mới và có sự phối hợp giữa các phòng ban.
Các cơ quan báo chí phải có tâm thế sẵn sàng chuyển đổi số |
Thực tế cho thấy, tâm lý của nhân viên khi nghe đến việc chuyển đổi số là sợ bị mất việc nên các tòa soạn cần tạo cơ hội cho nhân viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới, khuyến khích việc thay đổi hành vi trong toàn hệ thống, giúp tạo sự thay đổi trong tổ chức.
Bên cạnh tìm kiếm các nhân tố mới am tường công nghệ từ bên ngoài, các tòa soạn cũng cần chú trọng việc phát hiện, khuyến khích tạo điều kiện cho những nhân viên có khả năng tạo ra thay đổi, phát huy sở trường của từng người. Các tòa soạn có thể xây dựng cẩm nang và xem đó là “bí kíp” để áp dụng khi tiếp cận các sự kiện nóng, xây dựng quy trình để phóng viên, biên tập viên và toàn soạn áp dụng.
Hiện nay, không có mô hình chung về chuyển đổi số cho cơ quan báo chí mà tùy theo quy mô, điều kiện thực tế, các tòa soạn phải xây dựng mô hình phù hợp. Chẳng hạn, tòa soạn có điều kiện thì đầu tư lớn, áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất, tòa soạn có quy mô vừa và nhỏ thì thuê dịch vụ hoặc liên kết với nhau chia sẻ dịch vụ.
“Chìa khóa liên quan đến thành công của chuyển đổi số là tạo lập thông lệ để vận hành theo cách thức mới. Các nhà lãnh đạo cần nhấn mạnh sự cấp bách trong việc thực hiện chuyển đổi số trong đơn vị và điều này cần được thông tin rõ ràng tới tất cả mọi người”, nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.