Phía sau chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn

ANH KHOA| 13/10/2017 04:14

Tăng trưởng huy động vốn luôn ở mức thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng trong suốt 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, mức chênh lệch đã thu hẹp lại trong quý 3 do nhu cầu vay chậm lại và tiền gửi tại các ngân hàng tăng nhanh hơn.

Phía sau chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn

Tăng trưởng huy động vốn luôn ở mức thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng trong suốt 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, mức chênh lệch đã thu hẹp lại trong quý 3 do nhu cầu vay chậm lại và tiền gửi tại các ngân hàng tăng nhanh hơn. 

Đọc E-paper

Chênh lệch thu hẹp

Thời điểm 20/6, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì tăng trưởng huy động vốn là 5,89%, trong khi tăng trưởng tín dụng là 7,54%, tức chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng là 1,65%. Mười ngày sau (30/6), tăng trưởng huy động vốn là 6,1% trong khi tăng trưởng tín dụng theo NHNN là 9,06%, đồng nghĩa với chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng huy động vốn và tín dụng đã mở rộng lên đến 2,96%.

Điều này xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng đã luôn duy trì ở mức cao trong suốt 6 tháng đầu năm khi nhu cầu vay ở mức cao cùng với các gói vay nông nghiệp công nghệ cao ưu đãi cũng được triển khai rầm rộ. Ngược lại, huy động vốn tăng chậm trong tình hình "nóng sốt" của thị trường bất động sản và "chói sáng" của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, chênh lệch này đã thu hẹp trở lại trong quý 3. Theo cập nhật của Tổng cục thống kê đến 20/9 tăng trưởng huy động vốn là 10,08%, chỉ thấp hơn 0,94% so mức tăng trưởng tín dụng là 11,02%. Còn số liệu mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) thì tăng trưởng huy động vốn đến cuối tháng 9 ước tăng 11,2%.

Cũng theo số liệu mới nhất của UBGSTCQG thì ước đến cuối tháng 9 tăng trưởng tín dụng tăng nhẹ lên mức 11,5%, như vậy chênh lệch so với tăng trưởng huy động vốn chỉ còn ở mức thấp 0,3%. Nếu tính luôn cả trái phiếu doanh nghiệp thì cũng chỉ tăng 12,9%, đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cũng ở mức tương đương 12,8% trong khi tăng trưởng tín dụng VND cao hơn chút ít ở 13%.

Việc chênh lệch thu hẹp trở lại trong quý 3 là điều có thể thấy trước được, do tăng trưởng tín dụng thường chậm lại trong giai đoạn này. Thông thường tháng 7 âm lịch và mùa mưa bão cao điểm trong quý 3 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra chậm, trong khi các nhu cầu vay mua nhà hoặc sửa chữa, xây dựng nhà cũng bị hạn chế, do đó nhu cầu vay giảm là tất yếu.

Ngược lai, đây lại là giai đoạn huy động vốn của các ngân hàng thường tăng tốt. Ngoài nguyên nhân các ngân hàng thường triển khai nhiều chương trình khuyến mãi trong mùa hè khiến việc gửi tiền trở nên hấp dẫn, thì với thị trường bất động sản chững lại và hoạt động chốt lời trên thị trường chứng khoán đã khiến dòng vốn này quay trở lại ngân hàng. Ngoài ra, như đã nói nhu cầu sản xuất kinh doanh trong giai đoạn này ở mức thấp nên dòng vốn nhàn rỗi cũng tạm thời chảy vào ngân hàng để ăn lãi suất.

Với việc chênh lệch thu hẹp thì áp lực huy động vốn của các ngân hàng phần nào giảm xuống tạm thời, do đó trước mắt có thể giúp mặt bằng lãi suất vẫn ổn định.

Áp lực trong quý IV

Tuy nhiên, giai đoạn những tháng cuối năm chênh lệch có thể lại mở rộng ra, do nhu cầu vay tăng trở lại trong khi dòng vốn gửi ngân hàng cũng chịu áp lực rút ra cho mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Ngoài ra, dòng tiền có thể chạy vào lướt sóng ở thị trường ngoại hối nếu nhận thấy tỷ giá có dấu hiệu chịu áp lực tăng lên.

Tính đến ngày 9/10/2017, tỷ giá trung tâm so với đầu năm nay chỉ mới tăng 1,4%, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu VNĐ chịu áp lực giảm giá thì tỷ giá trên thị trường tự do có thể tăng nhanh hơn rất nhiều, nhất là khi đồng USD trên thị trường quốc tế cũng đang có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Nhìn lại diễn biến năm 2016, vào thời điểm 20/9/2016 thì tăng trưởng huy động vốn là 12,02% cao hơn 1,56% tốc độ tăng trưởng tín dụng là 10,46%, tuy nhiên những tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng ngày càng nhanh hơn và thậm chí vượt mức tăng trưởng huy động vốn, để cuối cùng chốt lại năm 2016 tăng trưởng tín dụng là 18,71%, cao hơn 0,33% tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Nếu điều này tiếp tục diễn ra trong năm nay sẽ gây áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất, nhất là khi diễn biến trong suốt 9 tháng đầu năm nay đã diễn ra trái ngược với năm 2016, theo đó huy động vốn luôn phải chạy theo sau tăng trưởng tín dụng.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các ngân hàng mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành, thì tăng trưởng huy động vốn bình quân kỳ vọng đạt 5,32% trong quý IV, cao hơn mức tăng thực tế 3,74% của cùng kỳ năm trước. Cả năm 2017, các ngân hàng kỳ vọng huy động vốn sẽ tăng 16,03%. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cho rằng dư nợ tín dụngcho nền kinh tế sẽ tăng tốc trong quý cuối năm, bình quân tăng trưởng 6,07% trong quý IV và tăng 17,02% trong năm 2017, tức đều cao hơn tốc độ tăng huy động vốn.

>>Tăng lãi suất USD: Hệ lụy khó lường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau chênh lệch tăng trưởng tín dụng và huy động vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO