Doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch: Cổ phiếu lập tức giảm sâu

Khánh Phương| 28/10/2019 00:00

Giá cổ phiếu lao dốc sau khi doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận là diễn biến có thể đoán trước. Tuy nhiên, điều đó cũng nói lên năng lực dự toán và xây dựng kế hoạch của không ít doanh nghiệp đang có những vấn đề cần khắc phục.

Doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch: Cổ phiếu lập tức giảm sâu

Có thể thấy, nguyên nhân lý giải cho hành động giảm kế hoạch thì muôn hình vạn trạng, từ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm yếu kém, không đạt như kỳ vọng, các dự án bất ngờ phải ngừng triển khai, hay ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, kinh tế bất ổn...

Những cổ phiếu lao dốc

Cổ phiếu Công ty CP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (HOSE: FDC) đã lao dốc 25% kể từ đầu tháng 10 đến nay, từ mức 17.250đ/CP về tận 13.000đ/CP trong phiên giao dịch ngày 18/10/2019; trong đó, không ít phiên chứng kiến giảm sàn. Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư tháo chạy là vì FDC bất ngờ điều chỉnh giảm đến 82% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm so với con số xây dựng đầu năm nay.

Cụ thể, kế hoạch kinh doanh 2019 của công ty được lập với doanh thu dự kiến thu về từ một phần dự án Cần Giờ là 638,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 450,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án Cần Giờ đã bị ảnh hưởng, khi mới đây UBND TP.HCM đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện chủ trương chung của thành phố đối với các dự án đất công được giao đất mà chưa thực hiện dự án thì rà soát lại toàn bộ, chưa xét duyệt bất kỳ quyết định nào để các dự án thuộc nhóm này được tiếp tục triển khai.

Giá cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) cũng chìm sâu đến 38% từ đầu tháng 8 đến nay; còn nếu so với đỉnh cao gần 50.000đ/CP vào giữa tháng 4 thì hiện tại đã rớt hơn 50%. Theo bản công bố thông tin cập nhật tình hình hoạt động 9 tháng do công ty đưa ra, doanh thu xuất khẩu 9 tháng đầu năm là 484,6 triệu USD, chỉ mới đạt 57% kế hoạch.

Link bài viết

Sự sụt giảm mạnh nhất đến thị trường Mỹ; trong tháng 9, thị trường dẫn đầu tiêu thụ tôm của Minh Phú giảm đến 58,8%, xuống còn 18,7 triệu USD; lũy kế 9 tháng giảm 14,3% xuống mức 95,8 triệu USD. Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Minh Phú đã quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2019 ước còn 1.430 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 38% so với dự kiến hồi đầu năm.

Cuối tháng 9 vừa qua, Công ty CP Traphaco (HOSE: TRA) cũng đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo đó, giảm doanh thu từ 2.160 tỷ đồng xuống còn 1.850 tỷ đồng, lãi sau thuế từ 205 tỷ đồng xuống còn 170 tỷ đồng, chủ yếu do việc đầu tư nhà máy mới làm tăng chi phí tài chính, giảm lợi nhuận tài chính và khấu hao nhà máy, tác động tới lợi nhuận kế toán. Giá cổ phiếu TRA cũng giảm gần 10% kể từ đó đến nay.

Ngoài ra, một loạt doanh nghiệp (DN) khác cũng quyết định giảm kế hoạch khiến giá cổ phiếu phản ứng tiêu cực, như Chứng khoán IB (HNX: VIX) giảm chỉ tiêu lãi sau thuế từ hơn 219 tỷ đồng xuống còn 120 tỷ đồng, tương ứng mức giảm khoảng 45%; Vietnam Airlines (HVN) giảm kế hoạch doanh thu năm 2019 xuống còn 104.593 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 6,4%... 

Những góc khuất về dự toán kế hoạch

Có thể thấy, nguyên nhân lý giải cho hành động giảm kế hoạch thì muôn hình vạn trạng, từ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm yếu kém, không đạt như kỳ vọng, các dự án bất ngờ phải ngừng triển khai, hay ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại, kinh tế bất ổn, những dự án đầu tư mới phát sinh hoặc đội chi phí lên so với dự toán.

Thực tế, nhiều DN trước đó đã công bố kết quả kinh doanh yếu kém vào những tháng đầu năm nay và giá cổ phiếu phản ứng suy yếu dần từ đó đến nay. Cũng không ít DN thường có kết quả kém trong các tháng đầu năm, kết quả chỉ đột biến trong quý cuối năm, do đặc thù nhiều DN chỉ hạch toán doanh thu đầy đủ trong tháng cuối năm, hoặc DN tìm cách bán bớt tài sản, thu hồi các khoản phải thu khó đòi để có lợi nhuận bất thường, hạn chế việc không thể đạt kế hoạch năm.

Link bài viết

Tuy nhiên, việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, nếu thông qua, được xem là một xác nhận chính thức từ phía DN về sự yếu kém trong năm nay, khi ngầm nói nhà đầu tư đừng mong chờ hay hy vọng gì sẽ có đột biến vào những tháng cuối năm, do đó giá cổ phiếu phản ứng mạnh hơn theo cách tiêu cực là điều tất yếu. 

Thời điểm cuối năm trước, đầu năm sau, thị trường chứng khoán thường sôi động vì các thông tin kết quả kinh doanh năm, chia cổ tức và kế hoạch kinh doanh cho năm mới, trong đó thông tin kế hoạch thường là chất xúc tác kéo giá nhiều cổ phiếu, do đó nhiều lãnh đạo DN thường tận dụng triệt để thông tin này để lôi kéo nhà đầu tư.

Vì vậy, nhiều DN có ban lãnh đạo đặt kế hoạch rất cao vào đầu năm. Lý do có thể vì tự tin với triển vọng cho năm nay, dự báo thiếu chính xác môi trường kinh doanh hoặc thậm chí là để kéo giá cổ phiếu trong thời điểm đó. Và rồi cuối năm phải điều chỉnh theo sát với kết quả thực tế đạt được. Những DN thường xuyên xảy ra tình trạng này sau đó cũng đánh mất niềm tin từ phía nhà đầu tư.

Điểm hạn chế là các cổ đông, nhà đầu tư thường ít phản biện kế hoạch kinh doanh mà ban lãnh đạo DN đề xuất trong cuộc họp đại hội cổ đông, bởi khi DN đặt kế hoạch cao, giá cổ phiếu phản ứng tích cực nên họ được lợi. Do đó, nhiều DN đặt kế hoạch không sát với thực tế nhưng vẫn được chấp nhận.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp điều chỉnh giảm kế hoạch: Cổ phiếu lập tức giảm sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO