Triển vọng nâng hạng chứng khoán: Những cú hích tăng trưởng - Bài 1
Khả năng nâng hạng của thị trường sẽ đem lại những kỳ vọng cho chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Năm 2025, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt thì việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đem lại nhiều sức hấp dẫn mới.
Thay đổi nhiều quy định đáp ứng tiêu chí nâng hạng
Trong suốt năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính có những chuyến đi nhiều nước để nói chuyện với các quỹ đầu tư cũng như gặp gỡ với hai tổ chức sẽ đánh giá xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là MSCI và FTSE.
Khi Việt Nam quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán, bên cạnh tích cực hợp tác quốc tế, tổ chức hiện hội nghị xúc tiến đầu tư, làm việc với các sở giao dịch chứng khoán quốc tế, tổ chức xếp hạng thế giới, thì các cơ quan quản lý nhà nước đã thay đổi nhiều quy định đáp ứng tiêu chí nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
Nổi bật trong số đó là Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành vào tháng 11/2024 khi đã bỏ yêu cầu phải có đủ tiền trước khi mua chứng khoán của nhà đầu tư quốc tế (pre-funding), quy định nhiều nội dung mới về giao dịch chứng khoán, thanh toán, bù trừ chứng khoán, hoạt động của các công ty chứng khoán và việc công bố thông tin. Đây là yếu tố rất quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE.
Thị trường chứng khoán hấp dẫn với giới đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ngoại dựa trên các yếu tố về sự đa dạng sản phẩm, tính hấp dẫn và sự chuyển biến về mặt chất lượng trong năm 2025.
Bà Tạ Thanh Bình - Tổng giám đốc Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đang dốc tâm sức để nâng hạng thị trường chứng khoán. Vào tháng 8/2024, có cuộc gặp với tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán FTSE tại Hồng Kông để trao đổi những vấn đề trọng yếu nhất cần phải tháo gỡ để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Với những tiêu chí mang tính định lượng, thị trường chứng khoán đã đạt được từ lâu, nhưng nhiều vấn đề định tính cần phải giải quyết.
Lúc đó, FTSE đã nhấn mạnh đến vấn đề pre-funding cần được xem xét. Ngay khi về Việt Nam, đội ngũ của UBCKNN, các thành viên thị trường bắt tay xây dựng thông tư xung quanh vấn đề này. Thông tư mở rất rộng với nhiều vấn đề đáp ứng các quy định của FTSE.
“Đặc biệt, cơ chế CCP (mô hình đối tác thanh toán trung tâm) đã được đưa vào Luật Chứng khoán với những quy định phù hợp với cách các thị trường chứng khoán quốc tế thực hiện mới là giải pháp tổng thể thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển một cách bền vững, và tạo điều kiện cho việc nâng hạng thị trường trong giai đoạn sắp tới” - bà Bình chia sẻ.
Theo bà Bình, rất khó để dự báo chính xác khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. FTSE thường sẽ công bố xếp hạng vào tháng 9 hằng năm, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng nhận được những đánh giá tích cực từ FTSE vào tháng 3/2025. Đây là thời điểm mà tổ chức này đưa ra những đánh giá trước các giải pháp của Việt Nam đã thực thi trong giai đoạn vừa qua.
Hàng chục tỉ USD sẽ đổ vào Việt Nam
Theo bà Tạ Thanh Bình, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn với giới đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ngoại dựa trên các yếu tố về sự đa dạng sản phẩm, tính hấp dẫn và sự chuyển biến về mặt chất lượng trong năm 2025.
Đó là từ đầu năm 2025, quy định mới yêu cầu doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Mặc dù quy định này đã được đưa ra từ năm 2015, việc thực thi vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, với tính bắt buộc cao hơn, doanh nghiệp sẽ phải nâng cao chất lượng công bố thông tin, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài và góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam.
UBCKNN luật hóa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán cho thấy quyết tâm cao độ của cơ quan quản lý trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương thị trường. Điều này tạo ra sự an tâm cho giới đầu tư khi giao dịch trong một thị trường an toàn, và có sự bảo vệ tài sản ở mức độ cao.
VSDC phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hoàn tất kiểm thử và triển khai hợp đồng tương lai VN100 vào đầu năm 2025 sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường chứng khoán.
Sự xuất hiện của VN100 sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, giảm thiểu sự tập trung quá mức vào VN30 và khắc phục một số hạn chế của chỉ số này.
“Đồng thời, việc điều chỉnh và hoàn thiện chỉ số VN30 theo chỉ đạo của UBCKNN cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng và tính đại diện của chỉ số này. Sự kết hợp của hai yếu tố trên hứa hẹn sẽ tạo ra một thị trường chứng khoán năng động hơn, hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư” - bà Bình cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), UBCKNN đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi vào năm 2025. Với việc nâng hạng này, thị trường chứng khoán dự kiến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thêm 20-22 tỉ USD đến năm 2030. Đây cũng là nguồn vốn cho đầu tư phát triển bền vững tại các doanh nghiệp niêm yết.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV, nhận định, Thông tư 68/2024/TT-BTC cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu chưa cần có tiền tại thời điểm đặt lệnh. Cụ thể, nhà đầu tư mua chứng khoán vào ngày T+0 và có thể thanh toán vào ngày T+1 và T+2. Thay đổi này giúp Việt Nam đáp ứng hai điều kiện còn lại, bao gồm chuyển giao đối ứng thanh toán và quy trình xử lý khi gặp giao dịch thất bại, thỏa mãn 9/9 điều kiện để được nâng hạng FTSE.
Theo quan điểm của KBSV, khả năng thị trường Việt Nam có thể được quyết định nâng hạng trong kỳ tháng 3/2025 là không cao khi các công ty chứng khoán cần thời gian để xây dựng cơ chế vận hành ổn định trước khi FTSE thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng tổ chức, từ đó đủ cơ sở quyết định cho việc nâng hạng thị trường.
KBSV kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ được quyết định nâng hạng theo đánh giá của FTSE trong kỳ tháng 9/2025 và chính thức được thêm vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của FTSE trong năm 2026, qua đó đem lại các tác động tích cực lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường Việt Nam.
Theo ước tính của KBSV, sau khi nâng hạng, Việt Nam có thể đón nhận khoảng 36.000 tỉ đồng vốn ngoại từ các Quỹ ETF và khoảng 100.000 tỉ đồng vốn ngoài từ các quỹ thụ động và chủ động với danh mục lựa chọn trong rổ thị trường mới nổi FTSE.
Đón đọc bài 2: Dòng tiền nội đã lấn át ngoại