Chờ đợi gì ở cuộc họp tháng 5 của FED?

Khả Hân| 01/05/2023 06:00

Ngày 3 và 4/5 tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp chính sách lãi suất lần thứ ba trong năm nay. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt với khá nhiều thách thức, nhà đầu tư chờ đợi gì ở cuộc họp này?

Chờ đợi gì ở cuộc họp tháng 5 của FED?

Chỉ thêm một lần tăng lãi suất cơ bản?

Cuộc họp lần trước diễn ra vào tháng 3 vừa qua, với dự báo FED có thể tăng lãi suất cơ bản 0,5%, nhưng do ba ngân hàng là Silicon Valley Bank, Signature Bank và Silvergate Bank sụp đổ nên chỉ tăng lãi suất thêm 0,25%, nâng mức lãi suất lên khoảng 4,75-5%/năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 liên tiếp chỉ trong vòng một năm của cơ quan này.

Theo biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), các quan chức đã đồng ý "một số biện pháp củng cố chính sách bổ sung có thể phù hợp". Ông Patrick Harker - Chủ tịch FED Philadelphia chia sẻ, FED sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng dữ liệu có sẵn để xác định các bước đi tiếp theo. Xu hướng lạm phát của Mỹ gần đây đã hạ nhiệt, với chỉ số giá tiêu dùng giảm tốc tháng thứ 9 liên tiếp, nhưng có lẽ vẫn không đủ để ngăn cản FED tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 5 tới. 

Cũng trong tháng trước, hầu hết quan chức của FED đều ủng hộ chỉ thêm một lần nữa nâng lãi suất với mức 25 điểm cơ bản (0,25%) trong năm nay, qua đó đưa lãi suất lên mức 5-5,25%/năm, đồng thời loại bỏ khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trước năm 2024. John Williams - Chủ tịch FED New York và Phó chủ tịch FOMC cho biết, một lần tăng lãi suất nữa sau đó tạm dừng là "quyết định hợp lý”. Ông John Williams cũng bày tỏ sự tin tưởng căng thẳng trong ngành ngân hàng có thể đã qua và chưa có dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng tín dụng rộng lớn. 

Link bài viết

Còn Chủ tịch FED khu vực Atlanta dù cho rằng lạm phát tại Mỹ hiện tại cao gấp đôi so với mục tiêu 2% và FED vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng ông tin rằng kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều động lực tăng trưởng, do đó FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp tới và có thể đây sẽ là đợt tăng lãi suất cuối cùng trước khi cơ quan này tạm dừng để đánh giá đầy đủ tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ lên nền kinh tế. 

Tương tự, Chủ tịch FED St. Louis - ông James Bullard cũng có quan điểm lạc quan về triển vọng kinh tế. Tuần trước, ông bày tỏ không tin các điều kiện tín dụng sẽ thắt chặt nghiêm trọng đến mức đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Ông nói rằng, tình huống dễ xảy ra nhất là FED sẽ phải vật lộn với một nền kinh tế mạnh mẽ và lạm phát cao dai dẳng.

Vào giữa tháng 4, thành viên Hội đồng Thống đốc FED là Christopher Waller cho rằng, cơ quan này nên tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, trong bối cảnh các điều kiện tài chính chưa thắt chặt đáng kể, thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ và lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu. 

Theo lịch công bố thông tin, ngày 25/4 dữ liệu niềm tin tiêu dùng sẽ phát hành, tiếp đó đến ngày 28/4, giới kinh tế sẽ tập trung vào thông tin chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi (Core PCE Price) - biến số theo dõi lạm phát của FED để đảm bảo thực hiện mục tiêu lạm phát 2%. Đến ngày 1/5, chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua) được công bố, trước khi các báo cáo về thị trường lao động của Mỹ được đưa ra vào ngày 2 và 3/5, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định của FED.

Những tình huống khác

Theo công cụ FEDWatch của CME Group, thị trường dự báo có gần 90% khả năng FED sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp chính sách đầu tháng 5. Diễn biến đồng USD bật tăng trở lại và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục đi lên đang củng cố cho dự báo này nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn. 

Cần lưu ý rằng, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đối tác, hay còn gọi là OPEC+, gần đây bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng dầu thô không chỉ ảnh hưởng đến nhiệm vụ "hạ nhiệt" nền kinh tế của FED mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát tại Mỹ. Dự trữ dầu thô của Mỹ công bố hôm 19/4 cho thấy tiếp tục giảm 4,6 triệu thùng, trong khi dự báo chỉ giảm 0,4 triệu thùng. Có thể thấy việc OPEC+ đẩy giá dầu tăng gần đây khiến Mỹ phải tung kho dự trữ dầu để kiềm chế lạm phát, nhưng liệu điều này có thể kéo dài bao lâu?

Mới đây nhất, ông Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO Ngân hàng JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất ở Mỹ cho biết, ngân hàng này đã chuẩn bị cho tình huống lãi suất của FED tăng lên 6% và cũng bày tỏ lo ngại về việc sẽ có thêm vài vụ ngân hàng sụp đổ nữa trong bối cảnh lãi suất hiện nay. Ông Dimon nói thêm, ông đã khuyên khách hàng chuẩn bị cho nguy cơ lãi suất cao hơn. 

Điều này đi ngược với giả định của thị trường rằng FED sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay và lãi suất sẽ giảm xuống dưới 4% vào tháng 1/2024. Chủ tịch JPMorgan Chase cảnh báo, lãi suất cao hơn sẽ gây thêm áp lực cho các ngân hàng tầm trung như First Republic - vốn đã bị rút tiền gửi hàng loạt trong đợt khủng hoảng ngân hàng vào tháng 3, cũng như những ngân hàng địa phương khác.

Dự trữ dầu thô của Mỹ công bố hôm 19/4 cho thấy tiếp tục giảm 4,6 triệu thùng, trong khi dự báo chỉ giảm 0,4 triệu thùng. Có thể thấy việc OPEC+ đẩy giá dầu tăng gần đây khiến Mỹ phải tung kho dự trữ dầu để kiềm chế lạm phát, nhưng liệu điều này có thể kéo dài bao lâu?

Trong khi đó, tỷ phú Quỹ Đầu cơ Paul Singer cho rằng, khả năng suy thoái và việc tín dụng bị thắt chặt có thể là thứ cần thiết để loại bỏ bong bóng trên thị trường sau kỷ nguyên lãi suất thấp. Dữ liệu doanh số bán lẻ công bố gần đây đã giảm mạnh hơn dự kiến, báo hiệu sự hạ nhiệt của nền kinh tế. 

Một tình huống ngược lại là FED sẽ không thể tăng lãi suất thêm nữa, như ý kiến của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, các ngân hàng có thể sẽ trở nên thận trọng hơn và thắt chặt cho vay sau sự sụp đổ của một số ngân hàng gần đây - điều này có thể làm giảm khả năng FED tăng lãi suất. 

Đáng lưu ý, bà Yellen không phải là quan chức tài chính duy nhất dự báo về sự thắt chặt tín dụng ngân hàng do biến động của lĩnh vực tài chính trong tháng trước. Một số quan chức FED đã nói rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ nên hành động thận trọng vì họ dự báo các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay trong những tháng tới. 

Dù vậy, thành viên điều hành của FED là Michelle Bowman cho biết, hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ vẫn an toàn bất chấp sự sụp đổ của một số ngân hàng. Được biết FED và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đang đánh giá riêng biệt về việc giám sát các ngân hàng Mỹ sau sự sụp đổ trên. Dự kiến, cả FED và FDIC sẽ công bố những đánh giá riêng trước ngày 1/5 tới. Điều này cũng có thể ảnh hưởng lên quyết định của FE trong cuộc họp tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chờ đợi gì ở cuộc họp tháng 5 của FED?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO