Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Cuộc chiến chống 'thù trong'
Cách đây 5 ngày, Tổng thống Ukraine đã sa thải Giám đốc Cơ quan An ninh Nội địa (SBU) Ivan Bakanov và Trưởng công tố Nhà nước Iryna Venediktova - 2 vụ sa thải chính trị cấp cao nhất từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ. Một ngày sau, ông Zelensky bổ nhiệm Vasyl Maliuk vào vị trí Giám đốc SBU - người đã là Phó giám đốc SBU từ tháng 3/2020 và là lãnh đạo Ban chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức của hội đồng trung ương SBU.
Theo Andrew E. Kramer và Valerie Hopkins - hai nhà phân tích của New York Times, các động thái trên đánh dấu cuộc cải tổ lớn đầu tiên trong nhóm quan chức thân tín của ông Zelensky từ khi chiến sự bắt đầu. Trong bối cảnh giao tranh trên chiến trường vẫn diễn ra khốc liệt, Ukraine còn phải tham chiến trên mặt trận nội bộ, khi đang nỗ lực loại bỏ các điệp viên, cộng tác viên và người ủng hộ Nga - các cá nhân cung cấp hỗ trợ quan trọng cho đối thủ.
Phát biểu trên truyền hình sau khi sa thải 2 quan chức, ông Zelensky cho biết hàng trăm cuộc điều tra về hành vi phản quốc đã được tiến hành. Mối đe dọa từ mạng lưới gián điệp trong chính phủ, nhà thờ, cơ quan tình báo và công dân ủng hộ Nga ở miền Đông đã gây rất nhiều khó khăn cho Ukraine những năm qua. Song, vấn đề trở nên nổi cộm hơn trong cuộc xung đột hiện tại.
Theo đó, những người Ukraine ủng hộ Nga đang bí mật tiết lộ thông tin các mục tiêu của Kiev như bố phòng lực lượng hay kho đạn. Một số linh mục chứa chấp sĩ quan Nga và thông báo người Ukraine nằm vùng tại khu vực Nga kiểm soát. Một quan chức cho biết các "tay trong" đã loại bỏ các quả mìn gài ở nhiều cây cầu để giúp quân Nga dễ dàng vượt qua.
Trong bài phát biểu, ông Zelensky đặc biệt lưu ý tới SBU - nơi nhiều năm đã đối mặt với lời kêu gọi cải tổ. Nhiều nhóm doanh nhân nói SBU đã nhận hối lộ từ các công ty và nhân viên an ninh tham nhũng dễ dàng trở thành "con mồi" của Nga. Đồng minh phương Tây cũng cho rằng cơ quan này có quá nhiều thành viên và hoạt động ở quá nhiều lĩnh vực, khiến dễ xảy ra tình trạng tham nhũng và không hoàn thành vai trò săn lùng gián điệp.
Volodymyr Ariev - một thành viên đảng đối lập cho biết, cơ quan tình báo là nơi đặt ra nhiều thách thức nhất với Ukraine, bởi nhiều quan chức là những người đã tốt nghiệp các trường của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB). Theo Tổng thống Zelensky, hơn 60 công tố viên và nhân viên tình báo Ukraine đã ở lại lãnh thổ do Nga kiểm soát và đang hợp tác với Moskva.
Cơ quan tình báo là nơi đặt ra nhiều thách thức nhất với Ukraine, khi nó có quá nhiều thành viên và hoạt động ở quá nhiều lĩnh vực, khiến dễ xảy ra tình trạng tham nhũng và không hoàn thành vai trò săn lùng gián điệp |
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Yevhinnii Yenin, hơn 800 người bị nghi ngờ tham gia phá hoại nỗ lực của Ukraine và làm người chỉ điểm cho Nga đã bị bắt và giao cho Cơ quan An ninh Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu. Ông Yenin cũng cho biết Ukraine gần đây đã phá vỡ một âm mưu của Nga nhắm vào giới lãnh đạo chính quyền trung ương.
Còn tại các ngôi làng và thị trấn trên tiền tuyến miền Đông Ukraine, những người lính luôn lo lắng bị kẻ phản bội tiết lộ vị trí đóng quân hoặc chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh Nga. Theo Ruslan Osypenko - cảnh sát trưởng vùng Donetsk, việc theo dõi và bắt kẻ chỉ điểm là một ưu tiên của ông. Osypenko nói rằng những người này thường được hứa hẹn về một vị trí trong chính quyền khu vực do Nga thành lập.
Dù vậy, cuộc chiến chống 'thù trong' tại cơ quan tình báo và văn phòng công tố mới là mặt trận khó khăn hơn, khi thiếu sót nhỏ có thể gây hậu quả lớn. Trong sắc lệnh sa thải Bakanov, ông Zelensky đã viện dẫn một điều khoản theo thiết quân luật, nói về việc "không hoàn thành nhiệm vụ, dẫn tới thương vong về người hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác".
Sắc lệnh không nêu rõ thương vong hay hậu quả gì, nhưng nhiều suy đoán được đưa ra là Bakanov bị sa thải do thất bại tình báo trong những tuần đầu tiên của chiến dịch quân sự ở Kherson - nơi Nga dễ dàng tiến quân và kiểm soát thành phố. Nhiều quan chức ở Kherson đã đổi phe và các quả mìn đã bị gỡ khỏi những cây cầu quanh thành phố.
Cuối tháng 3 qua, Tổng thống Ukraine đã phải sa thải 2 tướng trong lực lượng an ninh vì tội phản bội. Trong đó, một người phụ trách Kherson và một người đã trốn khỏi Ukraine trước đêm xung đột bắt đầu. Người này bị bắt vài tháng sau đó ở Serbia với cáo buộc tìm cách buôn lậu đá quý và tiền mặt vào nước này.
Ván cược chính trị chống 'giặc ngoài'
Sau 5 tháng chiến sự, vận mệnh chính trị của Tổng thống Ukraine giờ đang phụ thuộc vào ván cược đánh bại Nga trên chiến trường, với những mục tiêu chiến lược rõ ràng, song thách thức cũng rất lớn. Hiện, cục diện chiến trường đã chuyển thành cuộc chiến tiêu hao với thiệt hại lớn về nhân lực lẫn khí tài của hai bên, với mục tiêu của Ukraine là phải giành lại lãnh thổ.
Cục diện chiến trường Ukraine sau gần 5 tháng giao tranh. Đồ họa: Washington Post. |
"Mục tiêu rất rõ ràng. Ông ấy (Zelensky) chặn đà tiến của họ, mở chiến dịch phản công và đưa mọi thứ trở về với tình trạng trước ngày 24/2", William Taylor - cựu Đại sứ Mỹ ở Ukraine, hiện công tác tại Viện Hòa bình Mỹ, nói
Còn Elie Tenenbaum - Chuyên gia tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cho rằng: "Ông ấy tin rằng cuộc chiến phải tiếp diễn, rằng ông ấy có vũ khí của riêng mình và người Nga cũng có những điểm yếu của họ. Thời gian đầu, ông ấy sẵn sàng nhượng bộ trước sức mạnh của Nga, nhưng bây giờ, Tổng thống Ukraine đã bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến".
Bên cạnh mục tiêu giành lại lãnh thổ, lực lượng Ukraine còn có nhiệm vụ phải tiêu hao sức mạnh của đối phương. Theo Ivan Klyszcz - nhà nghiên cứu tại Đại học Tartu, Estonia, cả Nga lẫn Ukraine đều tin thời gian đứng về phía họ. Nhưng trong ván cược này, chắc chắn một bên phạm sai lầm và đó là bên "không thể đáp ứng những yêu cầu mà cuộc xung đột đặt ra", ông nói. Đôi bên cũng hiểu rõ hậu cần là yếu tố then chốt và đang nỗ lực làm tê liệt nguồn tiếp tế của đối phương, thể hiện qua những cuộc tập kích bằng tên lửa, pháo phản lực nhằm vào cơ sở hạ tầng chiến lược, như kho đạn, vũ khí.
Riêng với Tổng thống Zelensky, ông giờ đã trở thành một "lãnh đạo thời chiến có tiếng nói nhờ vận dụng hiệu quả tất cả kỹ năng thu nhận được từ khi còn là nghệ sĩ để kết nối tốt hơn" với người dân cũng như thế giới. Do đó, việc duy trì và bảo vệ hình ảnh này là rất quan trọng đối với vị thế tương lai của Tổng thống.
"Tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc vị thế của ông ấy đang bị suy yếu. Ông ấy đang làm rất tốt công việc của mình. Nhìn chung, sức mạnh của ông ấy chính là sợi dây liên kết với người dân Ukraine", Taylor nói.
Đồng quan điểm, Klyszcz nói chưa nhìn thấy Tổng thống Ukraine có biểu hiện "suy sụp về tinh thần, cảm xúc hay thể chất trong những tháng qua". Thay vào đó, ông Zelensky đang tiếp tục xây dựng hình ảnh một "lãnh đạo quyết đoán với quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc xung đột".
Cuối cùng, ván cược chính trị quyết định vận mệnh của Tổng thống và đất nước Ukraine đòi hỏi việc phải duy trì đoàn kết trong nước lẫn ủng hộ từ phương Tây. Hiện, dù có thương vong lớn về người, tình trạng thiếu thốn và sự sợ hãi trong dân chúng, song tinh thần đoàn kết của Ukraine vẫn đang vững và đến giờ không có nhiều tiếng nói ủng hộ đàm phán với Nga trong xã hội Ukraine.
"Điều đó không có nghĩa là đàm phán sẽ không diễn ra, song phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của họ đến đâu. Đến nay, xung đột vẫn chưa thể làm người dân Ukraine lung lay ý chí", Taylor nói. Nếu rạn nứt xuất hiện trên mặt trận thống nhất của Ukraine, đó có thể sẽ do bất đồng giữa phe ủng hộ và phản đối nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.
Các quân nhân Ukraine điều khiển lựu pháo M777 do Mỹ viện trợ tại vùng Kharkov phía đông bắc hôm 13/7. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, mọi xu hướng đều có thể thay đổi trước các bước ngoặt xung đột. "Cái giá phải trả cho cuộc chiến ngày càng rõ ràng hơn với người dân Ukraine", Klyszcz nói, thêm rằng bất kỳ thất bại lớn trên chiến trường hay sai lầm trong chiến đấu nào cũng đều có thể làm đảo chiều cuộc tranh luận.
Và, bản thân Tổng thống Ukraine cũng biết rõ sự ủng hộ từ phương Tây chỉ có thể tiếp tục duy trì nếu quân đội của ông kháng cự được trước đà tiến của lực lượng Nga trên chiến trường. "Nếu Ukraine có thể phản công thành công với vũ khí phương Tây viện trợ, nhiều người sẽ cảm thấy được khích lệ bởi viễn cảnh Ukraine giành lại một số vùng lãnh thổ", Michael Kofman - chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Hải quân, viện nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
"Nhưng nếu Ukraine không làm được điều đó, nhiều người phương Tây sẽ cảm thấy thất vọng, cho rằng ngay cả với nguồn cung vũ khí đáng kể từ họ, lựa chọn tốt nhất của Ukraine là tìm cách giành lại lãnh thổ trên bàn đàm phán, thay vì tiếp tục ván cược trên chiến trường", Kofman nhấn mạnh.