Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico.
* Sau nhiều năm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, bà nhận xét thế nào về thị trường này?
- Trung Quốc đang gia tăng bảo hộ và tập trung hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, do suy thoái ở một số ngành khác tác động đến thương mại. Nông dân Trung Quốc cũng được đầu tư rất lớn cho nông nghiệp.
Những tác động này khiến một số mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc cạnh tranh yếu hơn. Khoai lang là một ví dụ.
Hiện giá khoai lang trồng tại Việt Nam rẻ hơn ở Trung Quốc, nhưng nếu xuất sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải tốn chi phí chuyên chở cộng thêm hư hao trong quá trình vận chuyển, khiến giá cao hơn giá khoai sản xuất tại Trung Quốc từ 20 - 30%.
Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu nông sản nhiều nhất nhưng cũng là thị trường không ổn định nhất. Cách nay một năm, Trung Quốc đã thông báo áp dụng quy định về truy suất mã vùng sản xuất cũng như cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm nông sản nhập vào nước họ.
Tuy nhiên, cho đến nay, trên các trang thông tin của các bộ, ngành liên quan ở nước ta, kể cả Tổng cục Hải quan và Cục Bảo vệ Thực vật, đơn vị chịu trách nhiệm cấp mã vùng, mã xưởng, đều không có thông tin cụ thể về thị trường Trung Quốc.
Thêm nữa, những vấn đề liên quan đến thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước chỉ nhận được “trả lời miệng” của Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Giang của tôi.
Thậm chí, các đơn vị này còn cho rằng yêu cầu của thị trường Trung Quốc chưa cao như thị trường Úc, chỉ yêu cầu sản phẩm nhập khẩu ghi rõ địa chỉ sản xuất. Tôi nghĩ rằng, với một thị trường lớn như Trung Quốc, việc trả lời miệng về những quy định tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu là điều đáng lo ngại.
Bà Nguyễn Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico |
* Như bà nói, nước ta đang thiếu những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung?
- Tại Trung Quốc, tỷ lệ nông dân đầu tư theo đúng tiêu chuẩn mã vùng chiếm tỷ lệ rất lớn. Ví dụ, tại Vân Nam hay Sơn Động, tỷ lệ này đạt tới 70 - 80%.
Số liệu của Hải Quan Trung Quốc cho thấy, mới có khoảng 0,6% diện tích trồng trái cây của Việt Nam được cấp mã vùng. Đây là một thực tế Việt Nam cần quan tâm.
Theo tôi, không chính phủ nào có đủ năng lực để tự phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, mà tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất. Chính quyền các địa phương cũng phải có trách nhiệm, nhất là khâu an toàn nông sản.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quy định là trách nhiệm của người sản xuất, nông dân muốn sản xuất hàng hóa, phải tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường. Nếu chấp nhận kinh doanh, chấp nhận sản xuất hàng hóa với mong muốn làm giàu, doanh nghiệp phải chấp nhận “luật chơi” của nông sản thế giới.
* Nhưng điều gì cần quan tâm hơn trong quá trình phát triển chuỗi nông sản của Việt Nam, thưa bà?
- Việt Nam đang chịu tác động của chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu, nên thông tin phải minh bạch và kịp thời để doanh nghiệp và người sản xuất yên tâm và chủ động trong đầu tư cũng như điều chỉnh tiêu chuẩn sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Khi sản xuất một sản phẩm nông sản, trước tiên phải quan tâm sẽ bán ở thị trường nào, bán cho ai, người ta mua về chế biến hay sử dụng vào việc khác. Càng phải quan tâm đến việc hàng hóa xuất đi bằng con đường nào, bằng phương tiện gì, cũng như các quy định ràng buộc trên đường đi của sản phẩm cho đến người tiêu dùng cuối cùng.
Nếu các cơ quan có chức năng thấu hiểu các chuỗi như vậy, việc định hướng sản xuất cho bà con nông dân sẽ tốt hơn.
* Cảm ơn bà!