8 giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường
Với mục tiêu đưa giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 4% trở lên trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành kế hoạch hành động gồm 8 nhóm giải pháp then chốt. Những giải pháp này không chỉ tạo đột phá trong cơ cấu ngành mà còn mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển bền vững.
Hướng tới năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu cụ thể: nông nghiệp tăng trưởng 3,85%, thủy sản tăng 4,35% và lâm nghiệp tăng 5,47%. Để hiện thực hóa các chỉ tiêu trên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy vừa ký ban hành kế hoạch hành động trọng điểm với 8 nhóm giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác quản lý, giám sát và điều hành ngành. Bộ sẽ thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội ngành hàng nhằm cập nhật kịp thời tình hình sản xuất, thị trường và xuất khẩu. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ ban hành những điều chỉnh linh hoạt và sát thực tế để hỗ trợ sản xuất, kiểm soát rủi ro, ổn định thị trường.
Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách và hành lang pháp lý phục vụ phát triển ngành. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ được thực hiện toàn diện, đồng bộ với mô hình tổ chức bộ máy sau sáp nhập. Bộ cũng sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trong tiếp cận tín dụng, đất đai, bảo hiểm nông nghiệp, thuế và các điều kiện đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Ba là, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Sản xuất sẽ được chuyển đổi từ nông sản có giá trị thấp sang sản phẩm giá trị cao; phát triển vùng nguyên liệu tập trung, thích ứng biến đổi khí hậu, phát thải thấp; xây dựng các vùng chuyên canh gắn với chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh nuôi biển, khai thác hải sản bền vững và xử lý triệt để các khuyến nghị của EC nhằm gỡ bỏ “thẻ vàng” thủy sản trong năm 2025.

Bốn là, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số. Mục tiêu là giảm tối thiểu 30% thủ tục, thời gian xử lý và chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Bộ sẽ đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, kiểm soát mã số vùng trồng – vùng nuôi qua hệ thống số hóa. Đáng chú ý, kế hoạch xây dựng sàn giao dịch nông sản quốc gia đang được nghiên cứu nhằm đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với thị trường toàn cầu.
Năm là, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý. Ngành sẽ tăng cường áp dụng công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo trong quản lý mùa vụ, dự báo thời tiết, đánh giá sản lượng, kiểm kê rừng… Đồng thời, thúc đẩy cơ giới hóa, nâng cao trình độ bảo quản, chế biến nông sản gắn với sản xuất thông minh, tự động hóa và canh tác bền vững nhằm giảm chi phí đầu vào và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Sáu là, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và quốc tế. Bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật để mở rộng xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…; đồng thời khai phá các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, các nước Hồi giáo với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu.
Bảy là, quản lý hiệu quả tài nguyên và đầu tư phát triển hạ tầng ngành. Trọng tâm là sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước và các yếu tố đầu vào khác nhằm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP); đầu tư đồng bộ hạ tầng nông nghiệp – nông thôn hiện đại; xây dựng kịch bản ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nông thôn bền vững.
Tám là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận. Bộ sẽ đẩy mạnh truyền thông chính sách phát triển ngành, lan tỏa các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả và chủ động phản bác thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng cũng như uy tín sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.