Trong nước

Xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược: Nền tảng cho hội nhập và phát triển bền vững

Hưng Nhật 04/04/2025 11:00

Bộ Công Thương đang tích cực hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý hàng hóa lưỡng dụng và đáp ứng yêu cầu hội nhập trong bối cảnh chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dự thảo lần thứ hai của Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược, hiện đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi, gồm 6 chương với 18 điều, tập trung quy định việc quản lý xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển và quá cảnh đối với hàng hóa lưỡng dụng.

Theo định nghĩa trong dự thảo, hàng hóa lưỡng dụng là các sản phẩm, phần mềm và công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự, hoặc liên quan đến việc phát triển, sản xuất, bảo trì, lưu trữ hay phát tán vũ khí hủy diệt hàng loạt và các phương tiện mang chúng.

Nghị định không áp dụng đối với hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, vốn đã được điều chỉnh bằng các văn bản chuyên ngành khác. Đối tượng áp dụng chủ yếu là thương nhân và các tổ chức, cơ quan có liên quan đến hoạt động thương mại hàng hóa lưỡng dụng.

nam-2024-tinh-hinh-xuat-nhap-kh.jpg

Thẩm quyền xây dựng và phê duyệt danh mục hàng hóa lưỡng dụng được quy định cụ thể trong dự thảo. Các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để ban hành danh mục chi tiết kèm mã hàng, đặc tính kỹ thuật và công nghệ liên quan đến lĩnh vực mình quản lý.

Đặc biệt, dự thảo yêu cầu thương nhân chỉ được thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa lưỡng dụng sau khi hoàn tất khai báo và được xác nhận trên Cổng thông tin điện tử quốc gia bởi cơ quan có thẩm quyền. Điều này nhằm tăng tính minh bạch, kiểm soát rủi ro và ngăn ngừa các hoạt động thương mại tiềm ẩn nguy cơ vi phạm luật pháp quốc tế.

Một điểm mới đáng chú ý là quy định về Chương trình tuân thủ nội bộ. Đây là hệ thống các quy trình mà thương nhân phải xây dựng và thực hiện nhằm đảm bảo mọi hoạt động thương mại liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật hiện hành và nội dung của Nghị định.

Cơ chế này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chủ động từ phía doanh nghiệp trong việc kiểm soát nội bộ, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và nâng cao uy tín doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao như điện tử, máy tính và gần đây là công nghệ bán dẫn - lĩnh vực then chốt trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Chính vì vậy, việc thiết lập cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ giúp Việt Nam quản lý tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu các sản phẩm nhạy cảm về công nghệ, mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát chuyển giao công nghệ, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ rò rỉ công nghệ sang các nước thứ ba mà không được sự đồng thuận từ phía đối tác xuất khẩu.

Cùng với yêu cầu nội tại về quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại chiến lược, việc xây dựng nghị định cũng thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong việc tuân thủ các cam kết đã ký kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như góp phần duy trì hòa bình và an ninh toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp của Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để kiến tạo một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có năng lực cạnh tranh quốc tế, việc sớm ban hành Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cấp thiết.”

Thực tế cho thấy, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ là yêu cầu quản lý, mà còn là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển nền công nghiệp quốc gia trên nền tảng công nghệ cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược: Nền tảng cho hội nhập và phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO