Hơn 300.000 gian hàng thương mại điện tử chưa định danh, doanh thu vượt 70.000 tỷ đồng
Số lượng lớn các gian hàng không rõ danh tính trên các sàn thương mại điện tử đang tạo ra doanh thu "khủng" nhưng phần lớn vẫn nằm ngoài tầm với của cơ quan thuế. Nếu được quản lý hiệu quả, nguồn thu ngân sách từ khu vực này có thể tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, hiện có hơn 300.000 gian hàng chưa xác định được danh tính người bán trên 5 sàn thương mại điện tử lớn gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Grab, với tổng doanh thu ước tính vượt 70.000 tỷ đồng trong năm 2024.
Trong khi đó, số thuế thu được từ thương mại điện tử hiện nay vẫn còn rất thấp so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của thị trường này.
Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ngày càng mở rộng, không chỉ trong nước mà còn lan ra nhiều nền tảng quốc tế. Các cá nhân, hộ kinh doanh hiện tham gia bán hàng, cung cấp dịch vụ trên hàng loạt nền tảng như Booking, Agoda, Airbnb, Tripadvisor (dịch vụ lưu trú); Netflix, Spotify (nền tảng thuê bao); Google, Facebook, TikTok, YouTube (nền tảng quảng cáo, mạng xã hội); Apple Store, CH Play (kho ứng dụng)...
Đặc biệt, một lực lượng bán hàng mới nổi lên là các KOL, Influencer, thường xuyên livestream, quảng bá và chốt đơn hàng qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Đây là nhóm hoạt động linh hoạt, có ảnh hưởng lớn nhưng lại rất khó kiểm soát về thông tin cá nhân và nghĩa vụ thuế.

Theo báo cáo từ hơn 400 sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam, hiện có khoảng 500.000 tổ chức và cá nhân kinh doanh, với số thuế thu được trong năm 2024 ước đạt 116.000 tỷ đồng.
Riêng hơn 300.000 gian hàng chưa định danh đã tạo ra doanh thu trên 70.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức thuế khoán hiện hành đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm (thuế suất 1,5%, gồm 1% VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân), ngân sách nhà nước có thể thu về thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc truy thu thuế trong môi trường số không hề đơn giản nếu không có sự phối hợp từ các sàn giao dịch.
Trong khi đó, từ ngày 1/4/2025, Luật Quản lý thuế số 56/2024/QH15 chính thức có hiệu lực. Theo đó, các tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử và nền tảng số có chức năng thanh toán, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước phải thực hiện khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, các sàn giao dịch điện tử hiện đã có đầy đủ thông tin về người bán từ mã số thuế, tên, địa chỉ, số điện thoại đến dữ liệu về đơn hàng và doanh thu. Việc các sàn thực hiện nghĩa vụ khấu trừ và nộp thuế thay không chỉ giúp minh bạch hóa hoạt động kinh doanh số, mà còn giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho người kinh doanh nhỏ lẻ.
Hiện nay, việc thu thuế với hộ cá nhân kinh doanh trên nền tảng số vẫn do các cục thuế, chi cục thuế địa phương quản lý. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, cách làm này chưa phát huy hiệu quả, đặc biệt trong việc quản lý các đối tượng không định danh.
Chính vì vậy, quy định mới yêu cầu các sàn giao dịch cung cấp thông tin định danh của người bán và thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển trong công tác quản lý thuế thời kỳ kinh tế số, đồng thời nâng cao nguồn thu ngân sách một cách bền vững và công bằng.
“Việc quản lý thuế đối với các gian hàng chưa định danh không chỉ nhằm chống thất thu mà còn đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Đây là xu hướng tất yếu trong quản lý tài chính số hiện đại”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã kiến nghị lùi thời điểm khấu trừ thuế, nộp thuế thay hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử từ 1/7 thay vì từ 1/4.