Trong nước

TP.HCM: Tăng trưởng 7,51% trong Quý I/2025

T.Hải 02/04/2025 18:50

Ba tháng đầu năm 2025, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã ghi nhận mức tăng trưởng GRDP ấn tượng 7,51%. Tín hiệu cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và sự chủ động của Thành phố trong việc khơi thông động lực tăng trưởng mới.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, trong quý I/2025, tất cả các khu vực kinh tế đều ghi nhận tăng trưởng dương. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu GRDP của Thành phố tăng 8,72%, tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,94%; khu vực nông – lâm – thủy sản tăng nhẹ 0,27%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,53%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8%, cho thấy nền sản xuất đang phục hồi bền vững sau nhiều năm bị gián đoạn bởi đại dịch và đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp công nghiệp trọng yếu đã có đơn hàng đến giữa năm, phản ánh niềm tin thị trường và khả năng đáp ứng của khu vực sản xuất Thành phố.

Thương mại, xuất khẩu và tiêu dùng có nhiều khởi sắc. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tới 14,2% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu nội địa đang phục hồi mạnh. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD, tăng 5,55%, trong khi nhập khẩu đạt 15,6 tỷ USD, tăng 15%. Các chỉ số này phản ánh sự sôi động trở lại của hoạt động thương mại, một lĩnh vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua.

Từ góc nhìn chuyên gia, TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định: “Thành phố đã tận dụng tốt cơ hội từ sự chuyển dịch đơn hàng toàn cầu sau đại dịch, đồng thời đẩy mạnh logistics, thương mại điện tử và mở rộng chuỗi cung ứng mới.”

Ngành du lịch tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu tăng 26,7%. TP.HCM đón khoảng 1,63 triệu lượt khách quốc tế trong quý I, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động lễ hội, văn hóa, hội chợ triển lãm và sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức liên tục giúp kích thích chi tiêu du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

tphcm-sap-xep-don-vi-hanh-chinh.jpg
So với cùng kỳ, tổng sản phẩm tại TP.HCM (GRDP) quý I tăng 7,51%. Ảnh: Ngọc Dương

Đặc biệt, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vận hành thử đã phục vụ khoảng 5,3 triệu lượt hành khách, đạt 38% kế hoạch năm. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy thói quen sử dụng giao thông công cộng đang dần hình thành, góp phần giảm tải giao thông và cải thiện môi trường đô thị.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 567,21 triệu USD, tăng 23,4%. Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics và công nghệ, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Thành phố.

Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng tích cực là bức tranh trái chiều về cộng đồng doanh nghiệp. Trong quý I, TP.HCM có 16.904 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, 963 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,3%.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM cho rằng đây là điểm nghẽn đáng lo ngại. “Tốc độ thành lập doanh nghiệp mới chậm, trong khi số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng trong các quý tiếp theo.”

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), có đến 37% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới, 38% chịu ảnh hưởng từ chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, và 50% gặp khó khăn do sức mua thị trường yếu.

Trước thực trạng trên, TS. Trương Minh Huy Vũ đề xuất cần đánh giá sâu nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngừng hoạt động, không chỉ ở khía cạnh tài chính mà cả ở môi trường pháp lý, thị trường, lao động và công nghệ. “Thành phố cần có chính sách hỗ trợ đúng chỗ, hỗ trợ thật sự hiệu quả, thay vì dàn trải hoặc hành chính hóa các giải pháp.”

Ông cũng đề xuất mô hình “khoán chỉ tiêu tăng trưởng” cho các sở, ngành, địa phương, từ đó tạo cơ chế trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, nên mạnh dạn trao quyền, giao việc lớn cho khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, logistics, hạ tầng số và chuyển đổi xanh.

img-20221004-193325-5594.jpg
Tổng doanh thu du lịch tăng 26,7%

Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8,5%. Để đạt được mục tiêu này, theo tính toán, 6 tháng đầu năm cần tăng 8,61%. Điều đó đồng nghĩa với việc quý II phải tạo cú hích thực sự về cả đầu tư công, tiêu dùng nội địa và hoạt động sản xuất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong quý II, trong đó có việc rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mặt bằng, cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, điều cốt lõi lúc này không chỉ là giữ vững đà phục hồi, mà là tạo ra động lực tăng trưởng mới đến từ cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp và khai thác hiệu quả không gian phát triển kinh tế đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Tăng trưởng 7,51% trong Quý I/2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO