Hộ kinh doanh: Lực đẩy tiềm ẩn của kinh tế tư nhân TP.HCM
Sau 50 năm thống nhất đất nước, khu vực kinh tế tư nhân đã có một hành trình đáng ghi nhận: từ bên lề trở thành lực đẩy, từ cá thể nhỏ lẻ thành hệ sinh thái rộng lớn, năng động. Nhưng để kinh tế tư nhân trở thành động lực hàng đầu, như kỳ vọng của Tổng Bí thư Tô Lâm và các chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và xa hơn, cần nhiều hơn những tuyên bố. Điều cần thiết là hành động cụ thể, đồng hành thực chất và cải cách mạnh mẽ.
Từ bên lề đến trụ cột kinh tế
Năm 1975, khi đất nước bước vào thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, kinh tế tư nhân tồn tại mờ nhạt bên lề nền kinh tế bao cấp. Nhưng sau nửa thế kỷ, khu vực này không còn là "cái bóng" mà đã vươn lên trở thành trụ cột quan trọng, đóng vai trò then chốt trong đổi mới, tạo việc làm và hình thành một tầng lớp doanh nhân mang bản sắc thời đại.
Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, 30% tổng thu ngân sách và tạo hơn 40 triệu việc làm. Đặc biệt, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp. Riêng tại TP.HCM, khu vực tư nhân là xương sống của hầu hết các ngành kinh tế, tập trung đông đảo doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và mô hình đầu tư bền vững.

Mặc dù được xác định là "động lực quan trọng của nền kinh tế", khu vực này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ngoại trừ một số tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Thaco, Hòa Phát, VietJet… đạt quy mô quốc tế, phần lớn doanh nghiệp tư nhân vẫn hoạt động tự phát, gặp nhiều rào cản về thể chế, đất đai, tài chính và chính sách.
Hộ kinh doanh - động lực tiềm ẩn
Trước đây, Nghị quyết số 10/2017 của Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, sau đó tăng lên 1,5 triệu vào năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có khoảng 940.000 doanh nghiệp, tức đạt hai phần ba mục tiêu.
Chỉ thị số 10 ngày 25/3/2025 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu gia tăng số lượng, chất lượng, quy mô và đóng góp của khu vực này. Theo đó, mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp tới 2030. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký Quyết định số 526/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời sắp tới Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về khu vực kinh tế này.
Một câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để hiện thực hóa các mục tiêu trên? Nếu như việc mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm giúp họ lớn mạnh thì việc thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp sẽ tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, năng động hơn.
Cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, riêng TP.HCM chiếm khoảng 450.000. Đây là lực lượng đóng góp đáng kể vào GDP, tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, giữ vai trò "xương sống" trong nhiều ngành nghề từ công - nông nghiệp đến thương mại - dịch vụ. Với sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao, hộ kinh doanh đang khẳng định vị thế là động lực kinh tế tiềm ẩn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững.
Rào cản cần tháo gỡ
Phần lớn hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp do lo ngại thủ tục phức tạp, gánh nặng thuế cao hơn và sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng. Thậm chí, nhiều hộ đã chuyển đổi nhưng sau khi hết thời gian ưu đãi thuế lại quay về mô hình hộ kinh doanh để hưởng thuế khoán đơn giản. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2026, các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), thay vì mức 100 triệu đồng như hiện nay.
Vì vậy, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi, cần có những giải pháp cụ thể. Trước hết, cần giảm phiền hà, đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp bằng cách số hóa quy trình, tạo thuận lợi tối đa. Thậm chí, nên phát hành sổ tay hoặc cẩm nang hướng dẫn chi tiết về các bước chuyển đổi và chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, cải cách thuế và kế toán là yếu tố quan trọng. Cần có hướng dẫn rõ ràng để hộ kinh doanh làm quen với chế độ kế toán, báo cáo thuế đơn giản hơn. Quy định bộ máy doanh nghiệp nhỏ không nhất thiết phải có cơ cấu phức tạp như đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát…

Ngoài ra, đối với hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nên miễn thuế trong vài năm đầu và áp dụng mức thuế suất ưu đãi (chẳng hạn như 15 - 17%) cho những năm tiếp theo. Khi đã chuyển đổi, doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ đào tạo để nâng cao năng lực quản lý. Nhà nước có thể hỗ trợ chi phí hoặc tổ chức các khóa học miễn phí, giúp chủ doanh nghiệp thích ứng với các xu hướng mới như chuyển đổi số và phát triển bền vững, từ đó giúp họ loại bỏ suy nghĩ “sợ lớn” hoặc “không muốn lớn”.
Đã đến lúc cần có sự thay đổi trong cách nhìn nhận và chính sách đối với hộ kinh doanh. Đây không chỉ là những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ mà chính là lực lượng kinh tế đầy tiềm năng, có thể trở thành động lực mới cho nền kinh tế. Đặc biệt, TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước - cần tận dụng tối đa nguồn lực này để tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế quốc gia bền vững trong tương lai.
Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM