Sẵn sàng vào kỷ nguyên mới

Phải hành động ngay!

Lý Kim Chi (*) 03/02/2025 08:30

Năm 2025 mở ra một chương mới cho nền kinh tế Việt Nam, không chỉ là năm cuối trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2025 mà còn là cột mốc khởi đầu cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

xuat-nhap-khau.jpg

Mặc dù Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5 - 7%, nhưng Chính phủ đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt khoảng 8% để tạo lực và khí thế cho năm 2026, đồng tạo đà phấn đấu tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là mục tiêu tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam được dự báo các yếu tố bất định, khó khăn, thách thức còn lớn hơn cả thuận lợi. Tuy nhiên, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng.

Để đạt được các mục tiêu dài hạn, ngay từ bây giờ, chúng ta phải hành động. Cần làm mới lại các lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Về đầu tư công: Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công là 529.632,6 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức 81,87% của năm 2023. Nếu như các khó khăn vướng mắc được tháo gỡ thì năm 2025 cũng như các năm tiếp theo sẽ là giai đoạn bùng nổ của đầu tư công, đóng góp đáng kể vào tăng kinh tế chung.

Đầu tư nước ngoài: Cần bước lên một nấc thang mới là khuyến khích đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất chíp và công nghệ cao từ các nhà đầu tư mong muốn dịch chuyển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất.

Đầu tư của khu vực tư nhân trong nước: Tiếp tục khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo thay vì hô hào theo kiểu phong trào. Tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra nhiều cơ hội hơn để các doanh nghiệp (DN) phát triển, đóng góp vào sự thịnh vượng của đấy nước. Cần có các chính sách khuyến khích, nâng đỡ một số DN tiềm năng để vươn lên, trở thành những DN chủ chốt, đầu ngành và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Xuất nhập khẩu: Mặc dù 2024 đạt các kỷ lục mới và ấn tượng nhưng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá. Vì thế, cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa đới với các DN trong nước để họ có thể tiếp cận đa dạng các nguồn vốn, công nghệ mới và mở rộng thị trường nếu không muốn tiếp tục bị thất thế như hiện nay.

Tiêu dùng nội địa: Nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được triển khai như tăng lương, khuyến mãi tập trung quốc gia… nhưng nếu làm không khéo vô tình chúng ta lại kích cầu tiêu dùng hàng ngoại. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các kênh bán hàng và các sàn thương mại điện tử không chính thức của nước ngoài, cần có bước đột phá trong việc phát triển kênh bán hàng và các sàn thương mại điện tử trong nước.

thiep-tet-2025.jpg

Bên cạnh đó, cần tạo đột phá đối với các động lực tăng trưởng mới: Có thể tóm gọn trong khái niệm “năng suất các yếu tố tổng hợp” (TFP), bao gồm các yếu tố như thể chế, năng suất lao động và công nghệ.

Thể chế: Cần sẵn sàng tiếp nhận và tận dụng những tiến bộ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay việc chia sẻ dữ liệu. Điều này không chỉ là ban hành các luật phù hợp, mà còn cần tạo động lực khuyến khích sáng tạo và giải quyết lợi ích để tránh xung đột. Đồng thời, những thủ tục hành chính rườm rà và phức tạp, như một hồ sơ bất động sản phải qua hàng chục dấu xác nhận, cần được loại bỏ.

Chất lượng nguồn nhân lực, chứ không phải lợi thế lao động giá rẻ, mới là yếu tố quyết định để các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Google, Samsung… chọn Việt Nam làm điểm đến. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và robot tự động hóa yêu cầu người lao động không chỉ vững về kỹ năng chuyên môn mà còn cần có tư duy sáng tạo và khả năng học hỏi không ngừng.

Phát triển công nghệ số: Việc thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, cùng với phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện) cần được xem là ưu tiên chiến lược.

lap-ke-hoach-dau-tu-cong-1723133935552674694993.jpg

Cần khuyến khích mạnh mẽ đầu tư phát triển công nghệ xanh và kinh tế tuần hoàn. Chuyển đổi xanh đặc biệt đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ và máy móc hiện đại. Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ phù hợp không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh tế mà còn quyết định sự thành công của quá trình này.

Du lịch cũng là một động lực quan trọng khác thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Du lịch phát triển không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn lan tỏa tích cực tới các ngành dịch vụ khác như vận tải, lưu trú, ăn uống, lữ hành, nghệ thuật và vui chơi giải trí, từ đó đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, cần giải quyết các khó khăn trong ngành hàng không. Việc củng cố đội tàu bay và mở rộng các đường bay nội địa lẫn quốc tế là chìa khóa quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh. Đơn giản hóa thủ tục cấp visa và mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa sẽ giúp thu hút thêm du khách quốc tế, tạo động lực phát triển của ngành du lịch.

Công nghiệp văn hóa đang nổi lên như một động lực góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Các sự kiện âm nhạc gần đây như Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi đã gây sốt với lượng khán giả đông đảo. Bài học từ các nghệ sĩ quốc tế như Taylor Swift, với hơn 2 tỷ USD thu về từ 150 đêm lưu diễn, là minh chứng rõ ràng về tiềm năng to lớn của công nghiệp văn hóa. Cần phát triển và nhân rộng các mô hình concert (hòa nhạc), sự kiện nghệ thuật không chỉ mang lại giá trị kinh tế trực tiếp mà còn tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao hình ảnh và sức hút của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Với sự đồng lòng từ Chính phủ, cộng đồng DN và người dân, chúng ta có thể kỳ vọng vào một năm bứt phá mạnh mẽ. Không chỉ hướng đến tăng trưởng kinh tế bền vững mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, củng cố vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, và tạo nền tảng vững chắc để đạt được những thành tựu lớn hơn vào năm 2030 và 2045.

(*) Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải hành động ngay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO