TP.HCM đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cả nước và khu vực
TP.HCM đang xây dựng Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030 với mục tiêu phát triển Thành phố trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực.
Đây là thông tin được Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều 4/7.
Theo đó, đề án đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 12%/năm, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 7 - 8% GRDP của TP.HCM và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Cụ thể, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP của TP.HCM, gồm: Quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa.
Đồng thời, định hướng và từng bước phát triển các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của Thành phố, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Xây dựng sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng của 8 ngành công nghiệp văn hóa.
Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thành phố dự kiến khoảng 148.000 tỷ đồng (đến năm 2025 là 53.200 tỷ đồng; đến năm 2030 là 94.800 tỷ đồng).
Giai đoạn 2026-2030, đề án đề cập việc phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP.HCM sẽ được xây dựng thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, đồng thời tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới.
Từ những định hướng trên, TP.HCM kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á và phấn đấu gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực điện ảnh.
Đây được xem là mục tiêu đầy tham vọng nhưng phù hợp với tiềm năng và lợi thế văn hóa của TP.HCM. Nếu thành công phát triển TP.HCM trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa sẽ góp phần nâng cao vị thế của Thành phố trên bản đồ văn hóa khu vực và quốc tế, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.
Công nghiệp văn hóa có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia và khai thác các giá trị tiềm năng văn hóa thành dịch vụ, ngành kinh tế mũi nhọn. Tại TP.HCM, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,98%, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là ngành quảng cáo.
Năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa có sự phát triển thấp, đạt 3,54% tổng GRDP của toàn Thành phố. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 vào GRDP của toàn Thành phố vẫn cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (cả nước phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP).