Doanh nhân trong kỷ nguyên vươn mình
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ, doanh nhân phải là những người tiên phong, không ngừng sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc để xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững và công bằng.
Doanh nhân là động lực của nền kinh tế
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là thời kỳ đầy cơ hội và thách thức, khi đất nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng và đối mặt với những biến đổi lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong bối cảnh này, vai trò, trách nhiệm của doanh nhân càng trở nên quan trọng trong việc góp phần định hình tương lai đất nước. Khi nền kinh tế Việt Nam đang hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vai trò của doanh nhân ngày càng lớn. Các doanh nghiệp không chỉ tạo ra của cải vật chất mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, từ xóa đói giảm nghèo bây giờ là tạo điều kiện cho nhiều người cùng làm giàu. Câu nói tưởng như chỉ là khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh” hiện nay hoàn toàn đúng với mọi người dân, đặc biệt là lực lượng doanh nhân.
Do đó, doanh nhân cần tiếp cận và khai thác những cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và quản lý để tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần chú trọng đến việc phát triển các ngành kinh tế mang tính mũi nhọn, chiến lược, giúp đất nước nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao vị thế quốc gia.
Trách nhiệm xã hội
Doanh nhân trong kỷ nguyên mới cũng phải nhận thức rõ về trách nhiệm xã hội. Họ không chỉ là những người tạo ra lợi nhuận mà còn cần có trách nhiệm với cộng đồng như thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng tài nguyên hiệu quả, đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là những người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, cùng biên giới hoặc những người yếu thế trong xã hội. Phần lớn các doanh nghiệp hiểu rằng thành công của doanh nghiệp không chỉ đo bằng lợi nhuận mà còn phải tính đến những đóng góp có ý nghĩa lâu dài đối với cộng đồng và xã hội.
Tiên phong trong đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế, doanh nhân phải là những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Không chỉ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà còn phải đón đầu xu hướng mới, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, bắt kịp và vượt qua những thách thức của nền kinh tế tri thức.
Đổi mới sáng tạo không chỉ giới hạn trong việc cải tiến sản phẩm mà còn liên quan đến cách thức quản lý, phương thức kinh doanh và mối quan hệ với khách hàng. Những doanh nhân sáng tạo sẽ góp phần định hình nền kinh tế hiện đại và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có nền kinh tế năng động và hiện đại. Đây chính là điều mà một số tỷ phú đô la của Việt Nam đang thực hiện.
Đóng góp vào sự phát triển bền vững và công bằng xã hội
Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp cần phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Bên cạnh đó, doanh nhân cũng cần chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường, không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường mà còn góp phần vào bảo vệ hành tinh cho các thế hệ mai sau.
Ngoài ra, doanh nhân cần thúc đẩy công bằng xã hội trong hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có nghĩa là tạo ra môi trường làm việc công bằng, đối xử đúng mực với nhân viên và cộng đồng, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ thuế và đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo ra các cơ hội kinh tế bình đẳng cho tất cả mọi người. Những doanh nhân đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu sẽ tạo ra một xã hội công bằng và thịnh vượng hơn.
Chính yếu tố nhân văn sẽ tạo nên sức mạnh mềm cho doanh nghiệp. Hiện nay, bên cạnh không ngừng nâng cao đời sống vật chất, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đến sự phát triển nghề nghiệp, văn hóa, tinh thần của người lao động, thông qua việc hỗ trợ đào tạo, điều trị tâm lý, xây dựng các tủ sách, tạo điều kiện để công nhân trải nghiệm…, từ đó có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Những điều đó góp phần tạo nên giá trị cốt lõi và bản sắc của doanh nghiệp.
Doanh nhân cũng phải là những người lãnh đạo có tầm nhìn xa, có khả năng truyền cảm hứng cho nhân viên và cộng đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là việc điều hành các hoạt động kinh doanh mà còn phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin và sự gắn kết trong tổ chức. Doanh nhân cần là tấm gương sáng về đạo đức, trách nhiệm và sự cống hiến cho sự nghiệp chung của đất nước.
(*) Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM