Đã đến lúc doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh?
Với nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, nhiều doanh nghiệp (ND) chủ động mở rộng sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, vốn đầu tư vẫn là một vấn đề lớn khó giải quyết.
Triển vọng tích cực?
Nền kinh tế Việt Nam quý II vừa qua tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 7,99% của quý II/2022. Kết quả tích cực này giúp GDP lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, vượt xa mức 3,84% cùng kỳ năm ngoái và chỉ thấp hơn mức tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022.
Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế đang khởi sắc trở lại với sản xuất, kinh doanh và đơn hàng đều phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 6,47% và quý II tăng 8,55%. Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II cũng tăng cao so với cùng kỳ 2023.
Theo dữ liệu của S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng 54,7 điểm trong tháng 6 vừa qua, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp nằm trên ngưỡng 50 điểm. Kết quả này không chỉ cho thấy ngành sản xuất cải thiện, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể, trong đó số lượng đơn đặt hàng có mức tăng nhanh nhất.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng HSBC cho rằng, Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng.
Ngoài vai trò là trung tâm nghiên cứu - phát triển, đồng thời là cơ sở sản xuất lớn của Samsung, Việt Nam gần đây nổi lên như một trong các lựa chọn hàng đầu ở Đông Nam Á cho chiến lược “Trung Quốc + 1” của các tập đoàn kinh tế lớn. MacBook, iPad và Apple Watch cũng đã được sản xuất tại Việt Nam. Trước đó vào tháng 4, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam hai quý III và IV đạt 6,2% mỗi quý, theo đó cả năm có thể đạt 6%.
Dĩ nhiên cũng có những quan điểm trái chiều. Đơn cử như Ngân hàng UOB lại cho rằng đà tăng của nền kinh tế có thể chậm lại ở nửa cuối năm, do những rủi ro bên ngoài như xung đột ở Ukraine và Trung Đông có thể làm gián đoạn thương mại và thị trường năng lượng. Dù vậy, UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cả năm là 6%, tương đương mức mà nhiều tổ chức quốc tế đưa ra, từ HSBC, Standard Chartered Bank cho đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á.
Thiếu vốn mở rộng đầu tư
Trước tình hình ấy, không có gì lạ khi nhiều DN chủ động lên kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đây là diễn biến đảo chiều so với giai đoạn trước đây, cho thấy niềm tin kinh doanh dường như đang quay trở lại với cộng đồng DN.
Dù có động lực và mạnh dạn tăng đầu tư trở lại, nhưng nhiều DN vẫn gặp khó khăn do trong những năm đại dịch Covid-19 rồi sau đó phải đối phó với nền kinh tế suy giảm, nguồn vốn của không ít DN đã cạn kiệt, trong khi khả năng tiếp cận kênh tín dụng ngân hàng vẫn có những hạn chế nhất định.
Hiện mặt bằng lãi suất đang thấp nhất từ trước đến nay, các gói cho vay ưu đãi hỗ trợ cũng được nhiều nhà băng triển khai, nhưng do nhiều DN không còn tài sản thế chấp, trong khi phía ngân hàng dù nguồn vốn dồi dào nhưng do nợ xấu gia tăng cộng thêm các khoản nợ tái cơ cấu ngày càng cao, nên cũng không thể hạ thấp điều kiện vay vốn, dẫn đến cung cầu vốn chưa thể gặp nhau.
Số liệu thống kê cho thấy tín dụng toàn nền kinh tế đến ngày 24/6 chỉ mới tăng 4,45% so với đầu năm, đặc biệt mức tăng chỉ tập trung vào quý II vừa qua đã hơn 3%. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm đề ra ở mức 15%, con số tăng trưởng nửa đầu năm đạt chưa đến 1/3 kế hoạch cả năm.
Trong khi đó, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu DN hay chứng khoán cũng chỉ những DN lớn hoặc đã niêm yết trên sàn chứng khoán mới có thể tiếp cận được, còn cộng đồng DN vừa và nhỏ (SMEs) gần như chỉ xoay xở từ nguồn vốn tự có và dòng vốn tín dụng từ ngân hàng.
Trước tình hình ấy, giới DN liên tục đề xuất phương án để được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn nhằm vực dậy và phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, các tổ chức tín dụng có thể tính toán phương án vay tín chấp với DN tốt nhưng hết tài sản thế chấp. Ngoài các giải pháp thuộc chính sách tiền tệ, cũng cần tiếp tục có những chính sách tài khóa hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, sản xuất.
Mới đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, theo tờ trình của Chính phủ. Thời hạn áp dụng chính sách này từ ngày 1/7 đến 31/12/2024. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, vốn đang có tốc độ phục hồi chậm trong nửa đầu năm nay.