Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Âm nhạc phải được phản ánh từ công chúng"

ĐOÀN GIA thực hiện| 28/11/2013 03:46

Thật bất ngờ khi biết tác giả của "Ly cà phê Ban Mê” vẫn theo rất sát đời sống âm nhạc nước nhà. Ông chọn vị trí "bên lề” để lúc nào cũng có thể nhìn thấy cái được và mất của thị trường âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường:

Là tác giả của những bài tình ca đậm chất Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường vốn đứng ngoài showbiz, đứng ngoài các chương trình thực tế cũng như các giải thưởng dẫu lời mời dành cho ông không ít. Thật bất ngờ khi biết tác giả của "Ly cà phê Ban Mê” vẫn theo rất sát đời sống âm nhạc nước nhà. Ông chọn vị trí "bên lề” để lúc nào cũng có thể nhìn thấy cái được và mất của thị trường âm nhạc.

Đọc E-paper

* Từng thừa nhận mình "hét giá” trên trời khi các chương trình thực tế mời ông ngồi vào "ghế nóng" để khỏi phải từ chối, vậy mà mới đây, ông lại chấp nhận cùng nhạc sĩ Đức Trí cầm trịch cho Zing Music Award 2013, một giải thưởng âm nhạc trực tuyến. Đã đến lúc, ông thấy mình cần xuất hiện chăng?

Tôi không tham gia vào các hoạt động của các sân chơi âm nhạc vì thấy không cần thiết và thấy rằng đứng ngoài quan sát những hoạt động ấy cũng lý thú không kém.

Nhận lời ngồi ghế giám khảo của Zing Music Award bởi tôi thấy được tính thăm dò thị hiếu âm nhạc rất lớn ở cách tổ chức giải thưởng này. Những đề cử dựa trên lượng người nghe trực tuyến, và lượng bình chọn cũng từ internet.

Nghệ thuật mang tính công chúng và đợi chờ sự phản ánh của công chúng. Trong âm nhạc cũng vậy, tôi cho rằng nhạc sĩ phải soi mặt vào công chúng để biết khán giả của mình đang nghe gì, đang mong đợi gì. Điều này tôi có thể thấy ở kết quả phản ánh từ giải thưởng này.

* Ông đang nói đến công chúng nhưng lượng khán giả chính của giải thưởng trên chỉ là khán giả của thế giới ảo, nghĩa là chỉ tập trung vào giới trẻ?

Không có món ăn thích hợp với khẩu vị của tất cả mọi người. Không thể nấu được cho cả người thích ăn mắm tôm cũng như người mê pizza được. Lượng người dùng internet và truy cập để nghe nhạc trực tuyến đang ngày một lớn nên đây cũng là một cuộc thăm dò số đông khán giả trẻ.

Vấn đề mà tôi quan tâm ở giải thưởng này là việc sim rác hay những biện pháp gian lận bình chọn không có cơ hội thực hiện. Mặc khác, quyền quyết định của ban giám khảo cũng lớn, đủ để phủ quyết nếu có những trường hợp lệch lạc.

Trong một thị trường âm nhạc mà người ta chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng là đã có thể đẩy một "ca sĩ” đến với danh hiệu, thì tính trung thực này nọ rất cần được đề cao.

* Có vẻ như ông nghi ngờ sự thiếu minh bạch của các giải thưởng âm nhạc hiện nay?

Mỗi giải thưởng có tiêu chí khác nhau, giải nào có công chúng, được công chúng ủng hộ thì mới gọi là thành công. Mỗi năm có khá nhiều giải thưởng nhưng đâu phải giải nào cũng tốt.

Như trường hợp của giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chẳng hạn, uy tín có thừa nhưng thách thức kinh tế khiến Hội không thể tổ chức đêm nhạc vinh danh các nhạc sĩ đoạt giải, nên công chúng có quan tâm đến giải thưởng này đâu.

Riêng với những giải thưởng âm nhạc giải trí, tuy cũng có này nọ nhưng cũng có vài chương trình có tính chất định hướng công chúng, như chương trình Bài hát yêu thích chẳng hạn.

* Vậy, "soi" vào công chúng, ông thấy mình cần làm gì từ những giải thưởng âm nhạc ấy?

Như đã nói, nhạc sĩ cần soi mình vào công chúng để biết con đường đến với đám đông có thích hợp với mình hay không. Ví dụ như trường hợp của nhạc sĩ Ngọc Đại thì rõ ràng là không cần thiết, bởi nhạc thể nghiệm chỉ có ảnh hưởng trong phạm vi rất hẹp.

Với bản thân, tôi không quan tâm sáng tác của mình có được thích hay không. Được thích thì tốt và không được thích cũng chẳng sao. Có một khoảng lệch giữa cảm nhận của nhạc sĩ và cảm nhận của công chúng.

Nên mới có những sáng tác nói thật là tôi không dám khoe với đồng nghiệp và nếu làm tuyển tập nhạc của Nguyễn Cường, tôi nghĩ là sẽ chẳng bỏ nó vào như trường hợp Tôi về đây nghe sóng chẳng hạn. Ấy vậy mà khán giả lại chấp nhận, các chương trình, ca sĩ... đến liên hệ mua bản quyền rất nhiều.

* Với trường hợp của Ly cà phê Ban Mê làm nên tên tuổi của ông thì sao?

Sáng tác mà tôi tâm đắc, đồng cảm với công chúng là Mái đình làng biển. Với Ly cà phê Ban Mê, công chúng thích nhưng tôi lại thấy sáng tác ấy cũng... bình thường. Đó là khoảng lệch. Tuy nhiên, tôi quan niệm, yêu cầu của công chúng chỉ là cái cớ để mình sáng tạo, người quyết định vẫn phải là mình.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Âm nhạc phải được phản ánh từ công chúng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO