Kim Ki Duk chiến thắng tại LHP Venice

MAI KHÔI/DNSG cuối tuần| 16/09/2012 07:34

Khi đứng trên sân khấu nhận giải thưởng danh giá Sư tử vàng Phim hay nhất của LHP Venice dành cho bộ phim mới nhất Pieta đêm 9/9 vừa qua, đạo diễn cá tính người Hàn Quốc Kim Ki Duk đã hát khúc ca truyền thống Triều Tiên Arirang và chia sẻ: “Khi buồn, vui, hay hạnh phúc, người Triều Tiên chúng tôi luôn hát Arirang”.

Kim Ki Duk chiến thắng tại LHP Venice

Khi đứng trên sân khấu nhận giải thưởng danh giá Sư tử vàng Phim hay nhất của LHP Venice dành cho bộ phim mới nhất Pieta đêm 9/9 vừa qua, đạo diễn cá tính người Hàn Quốc Kim Ki Duk đã hát khúc ca truyền thống Triều Tiên Arirang và chia sẻ: “Khi buồn, vui, hay hạnh phúc, người Triều Tiên chúng tôi luôn hát Arirang”.

Đọc E-paper

Điều này khiến chúng ta nhớ đến bộ phim cũng có tên Arirang của ông đã gây tranh cãi tại LHP Cannes năm ngoái. Nhưng những người hâm mộ phong cách của vị đạo diễn có cá tính vô cùng đặc biệt này hiểu rất rõ rằng, có tác phẩm nào của ông mà không tạo nên tranh cãi kia chứ!

Trường hợp của Kim Ki Duk chính là “giấc mơ” của bao người muốn bước chân vào thánh đường nghệ thuật thứ bảy chỉ bằng tình yêu điện ảnh mà thôi. Kim Ki Duk không hề trải qua một khóa học nào về điện ảnh, cũng chưa từng làm qua công việc nào trong đoàn phim cho đến khi chính thức ngồi trên ghế đạo diễn bộ phim đầu tay Crocodile năm 1996.

Cuộc đời của ông có nhiều khác biệt: Tuổi ấu thơ ở vùng quê nghèo, chín tuổi lên Seoul hào hoa tráng lệ, đặc biệt thích ứng với môi trường quân đội (khác biệt rất rõ ràng với đa số nghệ sĩ Hàn Quốc), từng sống tại Pháp và Đức nhưng khó hòa nhập vì rào cản ngôn ngữ…

Cũng thật khó tưởng tượng rằng Kim Ki Duk từng ở trong chủng viện hai năm liền để học làm linh mục… nhưng cũng không theo được. Phim của ông, vì thế, nhiều yếu tố tâm linh, cách khai thác tâm lý nhân vật dị biệt, đặc biệt ít thoại, và bù lại, nhiều ngôn ngữ điện ảnh đến mức có thể khiến khán giả có cảm giác “bội thực”.

Có thể nói, Kim Ki Duk chính là vị đạo diễn phóng túng nhất của điện ảnh Hàn Quốc hiện nay. Đôi khi, cách miêu tả sự thật trong phim của Kim Ki Duk làm chúng ta choáng váng, đến mức có thể tạo nên cảm giác buồn nôn, nhưng suy ngẫm lại đa số đều phải công nhận rằng, những điều này hoàn toàn có thực.

Điều này cũng dẫn đến một thực tế là lượng vé bán ra từ các phim của đạo diễn họ Kim hoàn toàn tỷ lệ nghịch với danh tiếng cũng như các giải thưởng điện ảnh quốc tế của ông. Còn nhớ sau khi bộ phim Time của ông công chiếu tại Hàn Quốc năm 2006 chỉ có khoảng hơn ngàn lượt người xem, Kim Ki Duk đã vô cùng giận dữ tuyên bố rằng ông sẽ không công chiếu bất kỳ bộ phim nào tại Hàn nữa.

Trong bộ phim tài liệu Arirang tham dự LHP Cannes 2011, ông khiến giới điện ảnh quê nhà nổi giận khi công khai chỉ trích các đồng nghiệp chạy theo đồng tiền, làm ra những bộ phim rẻ tiền nhằm mục đích câu khách.

Các phim của ông thường có kinh phí thấp, không có các siêu sao hallyu (làn sóng Hàn), và tất nhiên, giống như một số nhà phê bình nhận xét, càng trong những tác phẩm sau, ông càng lặp lại phong cách của mình. Đây là điều không thể tránh khỏi với những ai muốn “giữ mình” trong ngành công nghiệp chịu nhiều sự chi phối của thị trường như điện ảnh.

Pieta là bộ phim thứ 18 trong hơn 16 năm làm nghề của Kim Ki Duk, và bộ phim thứ tư của Kim đến tranh tài tại Venice, sau The Isle (2000), Address Unknown (2001) và 3-Iron (2004). Phim 3-Iron đoạt đến bốn giải tại LHP Venice năm 2004, nhưng lại để vuột mất giải thưởng Sư tử vàng quan trọng nhất.

Xem ra Pieta đã phần nào “phục hận” cho đạo diễn Kim Ki Duk. Tên gọi cũng như poster phim gợi nhớ đến bức tranh nổi tiếng của danh họa Michelangelo của Ý.

Cuộc đời của Kang Do (Lee Jung Jin), nhân vật chính của phim, vốn là một tên máu lạnh, chuyên đòi nợ thuê, đột ngột thay đổi khi một phụ nữ nhận là mẹ của hắn. Người mẹ chịu mọi đau khổ, nhẫn nhịn nhằm cứu rỗi linh hồn tội lỗi của đứa con trai.

Vai diễn tuyệt vời này được thể hiện bởi nữ diễn viên Jang Mi Seon. Đáng tiếc là Jang Mi Seon đã để mất giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất vào tay diễn viên Hadas Yaron (phim Fill The Void).

Trong buổi họp báo ra mắt phim tại Seoul cuối tháng Tám vừa qua (Kim đã từ bỏ “lời nguyền” không ra mắt phim ở Hàn Quốc của mình sau khi khán giả nước nhà tỏ ra ủng hộ bộ phim Arirang của ông vào năm ngoái), Kim Ki Duk chia sẻ rằng, Pieta chính là “cái tát” vào cái hệ thống tài chính tham lam và mục nát hiện nay, khi mà những đứa trẻ chưa kịp chào đời đã phải gánh nợ và phải đối phó với một thế giới đầy rẫy lòng tham.

Phim khó xem không chỉ vì những cảnh bạo lực quá mức, mà còn vì phim miêu tả một tình mẫu tử vô cùng khắc nghiệt. Đây cũng là phim hiếm hoi đạo diễn Kim Ki Duk lấy tình mẫu tử là trung tâm tình cảm chính của phim, sau nhiều phim nói về tình chồng vợ, tình yêu, tình phụ tử như The Isle, Samaritan Girl, The Bow, Bad Guy

Hy vọng danh tiếng của giải thưởng Sư tử vàng sẽ giúp nhiều khán giả tìm xem phim Pieta hơn. Phim đã chính thức ra rạp tại Hàn Quốc từ ngày 6/9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kim Ki Duk chiến thắng tại LHP Venice
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO