Cuộc đời Alix Aymé qua số phận bức tranh lưu lạc

DIÊN VỸ/DNSGCT| 03/09/2016 06:53

Câu chuyện về bức tranh "Hai đứa bé say ngủ" cũng là câu chuyện về cuộc đời đầy biến động của Alix Aymé - một tác giả lớn từng bị lãng quên.

Cuộc đời Alix Aymé qua số phận bức tranh lưu lạc

Một bức tranh nhỏ của nữ họa sĩ Alix Aymé - người từng giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và có ảnh hưởng lớn đối với nghệ thuật sơn mài Việt Nam - đã được tìm thấy trong tầng hầm một ngôi nhà ở Canada sau hơn 40 năm bị quên lãng. Câu chuyện về bức tranh Hai đứa bé say ngủ cũng là câu chuyện về cuộc đời đầy biến động của một tác giả lớn từng bị lãng quên.

Đọc E-paper

Trước ngày quân giải phóng Trung Quốc chiếm được thành phố Thượng Hải vào tháng 6/1949, nhà ngoại giao Bruce Rankin tìm cách trở về đất nước của ông theo yêu cầu khẩn cấp của Bộ Ngoại giao Canada tại Ottawa. Nhưng chuyến trở về không dễ dàng gì khi mà Thượng Hải đang bị quân đội của Mao Trạch Đông bao vây, còn máy bay của quân đội Tưởng Giới Thạch vẫn ném bom thành phố này mỗi ngày.

Bức tranh nhỏ bị bỏ quên trong tầng hầm

Cuối cùng thì Bruce Rankin và gia đình của ông cũng thoát khỏi Thượng Hải trên một con tàu lớn, trong hành lý gọn nhẹ ông mang theo có một chiếc bình sứ, một bức tranh nhỏ và một tấm thảm xinh xắn. Bức tranh ấy hầu như bị bỏ quên suốt 4 thập niên cho tới ngày ông Bruce Rankin qua đời vào năm 1986 và cương vị ngoại giao cuối cùng của ông là đại sứ Canada tại Nhật Bản cuối thập niên 1970.

Người tìm thấy bức tranh nhỏ bị lãng quên đó là Marilyn Rankin - con gái ông. Bà Marilyn cũng không rõ vì sao thân phụ của bà lại mua bức tranh đó và vì sao ông lại chọn bức tranh để mang theo khi rời Trung Quốc thay vì những vật dụng hay đồ kỷ niệm quý giá khác.

Rồi bà tìm được lời giải: Có lẽ bức tranh vẽ hai đứa trẻ đang nằm ngủ được ông Bruce Rankin mua và mang theo là bởi “lúc đó cha mẹ tôi đã có chị gái của tôi, còn tôi thì đang nằm trong bụng mẹ, chắc cha tôi thích vì vậy thôi”.

Bức tranh được bà Marylin đưa đi thẩm định nhưng nó được định giá rất thấp bởi lúc ấy nữ họa sĩ người Pháp và tranh của bà hầu như không được biết đến tại Canada.

Bà Marylin kể: “Ở Toronto chỉ có 2 nhà đấu giá, một chuyên viên phục chế tranh cho tôi biết bức tranh ấy chẳng có giá trị gì cả, người khác thì khoát tay và bảo với tôi rằng thứ đồ tầm tầm như thế chỉ bán được với giá 50 USD”.

Nhưng bà Marylin biết được tác giả bức tranh là Alix Aymé và đó lại là một tác phẩm thuộc loại hiếm của nữ họa sĩ nên số phận của nó đã khác hẳn. Một nhà buôn tranh ở Virginia (Hoa Kỳ) chuyên về tranh Alix Aymé được tin đã tìm đến Toronto.

Ông Joel Fletcher - đồng sáng lập Công ty Fletcher/Copenhaver Fine Art cho biết: “Công ty chúng tôi chỉ có 25 hay 30 bức tranh màu nước trên lụa của bà Alix Aymé nên tranh với các chất liệu khác của bà là rất hiếm”.

Bức Hai đứa trẻ say ngủ mà ông Bruce Rankin lưu giữ được vẽ bằng màu nước, bột màu, dát quỳ vàng trên lụa sau đó bồi trên giấy có hoa văn in chìm. Công ty Fletcher/Copenhaver Fine Art đã mua bức Hai đứa trẻ say ngủ từ gia đình Rankin và sau khi được phục chế, làm khung lại, tác phẩm hiện thuộc về một bộ sưu tập tư nhân ở thủ đô Washington.

Alix Aymé thời trẻ

Bộ phim tài liệu về một "cuộc đời ngoại hạng"

Công ty Fletcher/Copenhaver Fine Art được Joel Fletcher và John Copenhaver thành lập vào năm 1993 tại Fredericksburg, bang Virginia. Trong một chuyến đi tới Pháp cách đây hơn 10 năm, đôi bạn đã lần đầu tiên biết đến tranh của Alix Aymé.

Fletcher kể: “Chúng tôi mua một bức tranh màu nước trên lụa, khổ nhỏ tuyệt đẹp của bà và đưa lên website của công ty. Không lâu sau đó, chúng tôi có được liên hệ với Pascal Lacombe và Guy Ferrer - hai người bạn thân của Alix Aymé”.

Trong suốt một thập niên sau chuyến đi Pháp và mua được tác phẩm của Alix Aymé, Fletcher và Copenhaver say mê tìm hiểu về nữ họa sĩ người Pháp. Từ đó, họ biết đến cuộc sống và sáng tác đầy những biến động của Alix Aymé cũng như những thảm kịch mà bà đã chịu đựng trong đời. “Bà là một họa sĩ vĩ đại và rất nổi tiếng vào thời của mình, nhưng sau khi bà qua đời, Alix Aymé hoàn toàn bị lãng quên”, Fletcher cho biết.

Cuộc đời thực của nữ họa sĩ người Pháp chẳng khác gì một bộ phim truyện, đúng hơn là một bi kịch với những chương được viết bởi chiến tranh, bởi những mất mát khôn nguôi và trên hết là một tình yêu lớn lao dành cho nghệ thuật. Đó chính là lý do để Joel Fletcher và John Copenhaver quyết định làm một bộ phim tài liệu về Alix Aymé với sự cộng tác của nhà làm phim Paul Lewis thuộc Hãng Subterracon Films ở Fredericksburg.

Alix Angèle Marguerite Aymé sinh năm 1894 tại Marseille, thuở nhỏ học cả âm nhạc lẫn hội họa nhưng quyết định hiến dâng đời mình cho mỹ thuật sau khi lên Paris và gặp nhà danh họa Maurice Denis, được ông hướng dẫn vào nghề. Năm 1920, bà lập gia đình lần đầu với giáo sư văn học Paul de Fautereau-Vassel rồi cùng chồng sang sống tại Thượng Hải (bức tranh Hai đứa bé say ngủ có lẽ được bà vẽ vào thời gian này), kế đó là Hà Nội.

Sau khi chia tay với giáo sư Fautereau-Vassel ở Paris, bà đưa con trai đầu Michel trở lại Đông Dương, đến năm 1931 thì tái hôn với đại tá Georges Aymé - người sau này lên cấp tướng và trở thành phụ tá cho trung tướng Eugène Mordant, tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương và có với ông con trai thứ hai François.

Những năm 1930, bà du hành sang Lào và trở thành bạn của gia đình vua Sisavang Vong lúc bấy giờ, từng vẽ tranh tường tại cung điện hoàng gia Lào tại Luang Prabang. Còn thời gian sống tại Hà Nội, bà được mời giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhờ đó mà bà khám phá chất liệu sơn mài truyền thống của người Việt và đã gắn bó với chất liệu này cho tới cuối đời.

Alix Aymé làm tranh sơn mài

Nhưng cuộc đời Alix Aymé không bình yên như bức tranh Hai đứa bé say ngủ cũng như các tác phẩm phong cảnh, tĩnh vật, chân dung thiếu nữ đặc sắc của bà. Khi quân Nhật chiếm Đông Dương, tướng Georges Aymé bị bắt và đưa vào một trại tập trung. Những ngày tháng đó, Alix Aymé và 2 con trai phải sống trong cảnh khốn quẫn cho tới khi chiến tranh kết thúc.

Trong bão tố chiến tranh, con trai lớn Michel của bà bị sát hại vào năm 1945 khi mới 19 tuổi. Hai ngày sau khi Michel bị giết, tướng Georges Aymé được giải thoát khỏi trại tập trung của quân Nhật và đưa về Paris trong tình trạng suy kiệt và qua đời không lâu sau đó. Cái chết của Michel đã ám ảnh Alix Aymé suốt phần đời còn lại của bà và chỉ có nghệ thuật mới là nơi trú ẩn của tâm hồn bà sau những bão giông.

Alix Aymé đã sáng tác không ngừng cho tới những năm tháng cuối đời. Bà mất năm 1989 ở tuổi chín mươi lăm và để lại cho đời biết bao tác phẩm với nhiều chất liệu tạo hình. Bà vẽ tranh sơn dầu trên toan, tranh màu nước trên lụa, làm tranh sơn mài và tranh kính cho nhà thờ.

Tự họa với con trai François đang ngủ – tranh sơn mài dát quỳ vàng
Cô gái với đôi mắt bằng vàng – tranh sơn mài dát quỳ vàng

Cuộc đời dài với những biến động của bà được thể hiện khá đầy đủ trong bộ phim tài liệu của Joel Fletcher và John Copenhaver cũng như trong các cuốn sách viết về bà.

Trong chuyên khảo về Alix Aymé xuất bản năm 2012, Pascal Lacombe cho biết một chi tiết: nhiều hộp đựng các loại giấy tờ, thư từ cá nhân trong căn hộ của Alix Aymé đã bị hỏa táng cùng với bà. Đây là một điều rất đáng tiếc, bởi còn rất nhiều điều người ta muốn được biết về một nữ họa sĩ kỳ tài cùng các tác phẩm của bà, trong đó có bức tranh lưu lạc Hai đứa bé say ngủ.

>Tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp: Châu không về Hợp phố

>Thế giới hội họa huyền ảo của Maria Berrio

>Brexit và thị trường tác phẩm mỹ thuật

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đời Alix Aymé qua số phận bức tranh lưu lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO