Đào nương Bạch Vân: Gõ phách vang nghiệp ca trù

TRẦN MINH ANH| 30/01/2014 05:07

Lối hát của NSƯT Bạch Vân làm sáng phẩm cách một đào nương tinh thông tám tiêu chuẩn mực thước của ca trù: quán, xuyến, dằn, thét, khuôn, rẫy, diệu, vỡi.

Đào nương Bạch Vân: Gõ phách vang nghiệp ca trù

Lối hát của NSƯT Bạch Vân làm sáng phẩm cách một đào nương tinh thông tám tiêu chuẩn mực thước của ca trù: quán, xuyến, dằn, thét, khuôn, rẫy, diệu, vỡi. Bà bền chí khảo cứu ca trù để trọn kiếp cầm ca và xứng là một “thức giả xuất sắc”.

Đọc E-paper

Soi gương ca trù, thấy “hồng hồng tuyết tuyết”

Mấy mươi năm về trước, Bạch Vân đã trăn trở vì ca trù. Vì sao một loại hình nghệ thuật có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc của dân tộc lại lụi tàn? Vì sao hai chữ “ả đào” lại làm bao đào nương lui về cấy cày, hay rẽ sang điệu chèo để tồn tại đời nghệ sĩ? Những người hát ca trù ở giáo phường Khâm Thiên, Thái Hà nức tiếng Hà Nội lúc bấy giờ cũng mai danh ẩn tích.

Đào nương Bạch Vân và nghệ nhân dân gian đàn đáy Vũ Văn Hồng (Ảnh nhân vật cung cấp)
>Ca trù được UNESCO công nhận là di sản nhân loại
>Để Ca trù và Quan họ Bắc Ninh xứng tầm di sản nhân loại

Một cô gái trẻ xứ Nghệ nặng lòng hoài cổ đi tìm ca trù âm ỉ sống giữa dân gian. Đó là cuộc tìm kiếm tự nguyện, vất vả nhưng không mỏi gối chồn chân.

Khi đó, Bạch Vân là một công chức của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, phụ trách mảng văn hóa quần chúng. Bạch Vân đã tìm thấy những ai? Danh cầm Chu Văn Du, ca nương Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Sính, Nguyễn Thị Chúc, Nguyễn Thị Sinh...

Các bậc tiền bối ấy đã không nỡ khước từ một người trẻ đi tìm thế hệ cuối cùng từng xem ca trù là nghề hát để dồn ý chí phục hưng ca trù trong suối nguồn văn hóa dân tộc.

“Tôi theo bà Hồ mấy năm, chỉ được học bốn câu. Tiếc cho giọng hát trời phú của bà không được truyền dạy thành nghề cho một học trò nào! Còn cụ Chu Văn Du coi tôi như con gái. Nghệ nhân đàn đáy, phó quản ca giáo phường Khâm Thiên nổi tiếng này, từng lọt qua ba kỳ thi nghiêm ngặt để được chọn vào đàn hát chúc hỗ (chúc vua) trước năm 1945, đã dạy tôi học phách, trống và hát. Rồi cụ phó lý làng Láng Thượng Nguyễn Văn Trai nổi tiếng phong lưu, sành nghe, kèm cặp tôi học trống chầu và nhận làm cố vấn, động viên tôi rất nhiều những khi chán nản, nhụt chí”, Bạch Vân kể về mối ân tình với các danh cầm, đào nương một thời. Phảng phất trong cách ém hơi và nhả chữ của Bạch Vân hôm nay có phẩm chất ca trù của thế hệ trước.

Bạch Vân “soi gương ca trù” để đối thoại với “ý tại ngôn ngoại” của cổ nhân. Các bậc danh sĩ như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu... đã tập trung tài hoa trong các niêm luật chặt chẽ của thi ca để tạo âm (ca trù có sự hết hợp giữa âm và nhạc) cho các tuyệt phẩm ca trù.

Bà thấm thía chữ nghĩa để khi hát không lạc trong phép tắc ca trù. Dày công khổ luyện hàng chục năm trời, Bạch Vân đã làm được việc lấy lòng dạ mình để hiểu thấu ca trù.

Sáng đèn tỏ lối xưa

Bạch Vân là một người đặc biệt của ca trù. Ở bà vừa có thanh sắc, vừa có trí tuệ dành cho lối hát cổ uyên bác này. Bạch Vân sáng đèn diễn ở Bích Câu đạo quán, đình Kim Ngân, 34 Hoàng Cầu, Hà Nội... làm lan tỏa ca trù đến các đại sứ quán, sinh viên, công chức, nghệ sĩ...

Bà hát để tái hiện vốn ca trù bồi thấm qua hơn 6 thế kỷ thăng trầm giữa thế gian. Trước khi làm tròn bổn phận của một ca nương khăn vấn áo dài, Bạch Vân đã khảo cứu khắp 18/19 tỉnh - thành có ca trù ở Việt Nam.

Bà kể: “Tôi đã vào Nghệ An, Hà Tĩnh, nửa đêm phóng xe máy từ Thanh Hóa về Hà Nội, lên Phú Thọ, xuống Hải Phòng... Có thời điểm, tôi mải miết đi về các tỉnh có ca trù mà bỏ nhà cho mèo vờn chuột”.

Đã có đêm, Bạch Vân vừa ngắm trăng, vừa hát ca trù ở Cổ Đạm. Phiêu trong “Trần ai ai dễ biết ai” từ ý thơ của cụ Nguyễn Công Trứ ngang tàng, phóng túng. Hát xong, đón xe về Hà Nội.

Thân gái đường xa dặm thẳm mà chẳng sợ gì. Bạch Vân quyết liệt và lãng mạn để trước hết ca trù không lụi tàn trong chính con người bà.

Bạch Vân đi khảo cứu ca trù vào những năm 1980. Khi đó, hát cô đầu đã lụi tắt giữa cộng đồng, nhiều người đàn giỏi đã gác đàn, nhiều người hát hay đã giải nghệ. Chính Bạch Vân phải bao phen liêu xiêu vì “to gan” khôi phục lối hát... chưa được xem là “bản sắc văn hóa dân tộc” này.

Năm 1991, bà thành lập Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, quy tụ những người yêu thích ca trù để cùng trao đổi và truyền dạy, biểu diễn. Đây chính là mô hình sinh hoạt ca trù đầu tiên mà về sau các tỉnh, thành học hỏi khi ca trù được xác lập là một loại hình nghệ thuật cần bảo tồn, phát triển.

Sau khi tổ chức thành công Liên hoan Ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất (năm 2000), ca trù của Việt Nam đã được quốc tế chú ý. Những tư liệu ca trù mà Bạch Vân khảo cứu, trình cho Viện Âm nhạc Việt Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin lập hồ sơ di sản.

Năm 2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận ca trù là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, cần phải bảo vệ khẩn cấp.

Ca nương thời giáo phường đông đúc chỉ biết rút ruột hát ca trù làm vui người nghe. Còn ca nương Bạch Vân ngoài hát còn là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về ca trù.

Bà thừa nhận: “Có thể tôi làm tiến sĩ xong rồi nghỉ hưu, hoặc nghỉ hưu rồi mới bảo vệ cũng không sao. Tôi muốn mình hiểu về ca trù trước khi hơi tàn sức kiệt. Có chăng, người ta đã gọi tôi là một “đào nương có nhiều bằng cấp”. Ca trù là nghề tay trái, rồi gắn với nghiệp và là nghề tôi yêu thích nhất. Thôi thì, danh cũng ở ca trù, mà tủi cực cũng là ở ca trù!”.

Một nhạc sĩ người Mỹ tấm tắc: “Bà không những thể hiện điêu luyện tiếng phách và các cung, mà còn am hiểu văn chương để giúp chúng tôi hiểu về tác phẩm của Bạch Cư Dị. Thật là tuyệt!”.

Một Việt kiều về nước, khi nghe Bạch Vân ngâm Thăng Long thành hoài cổ với tiếng đàn đáy, đã nghẹn lời bộc bạch: “Bà làm tôi nhớ đến người mẹ của mình, một ả đào thuở trước, đã sang Canada sinh sống cùng con cháu, đã gợi nhớ quê hương bằng những ngâm ngợi như thế này”.

Thế mới biết, một tương giao trong không gian ca trù cũng làm rớm lệ!

Đào nương Lê Thị Bạch Vân sinh năm 1957, tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bà bảo vệ luận án thạc sĩ về ca trù tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam và sắp tới bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội.Bà đã gây dựng không gian văn hóa cho ca trù bằng cách sáng lập và điều hành Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội, tổ chức biểu diễn ca trù ở đình Kim Ngân, ở Bích Câu đạo quán, 34 Hoàng Cầu, Hà Nội. Bà đã được Trung tâm Từ điển Oxford và Cambridge bình chọn là một trong những Thức giả xuất sắc của thế kỷ XXI.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đào nương Bạch Vân: Gõ phách vang nghiệp ca trù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO