Hoạt động

Cần cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời để gỡ khó cho doanh nghiệp

Lê Hạnh 04/08/2023 21:30

Đây là nội dung được các chuyên gia, doanh nhân thảo luận tại hội thảo “Các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện tại TP.HCM” do Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN TP.HCM), Hội Điện lực TP.HCM (HEEA) phối hợp với Tập đoàn SP tổ chức vào ngày 3/8/2023.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng điện cho nền kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi nguồn cung ứng điện đang gặp nhiều thách thức. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển đổi sang năng lượng sạch là yêu cầu tất yếu nhằm hướng đến mục tiêu phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “TP.HCM không có nhiều tiềm năng về trữ lượng than, dầu khí, thủy điện, mà chủ yếu nhờ nguồn năng lượng từ các địa phương xung quanh. Do đó, thành phố cũng đã nghiên cứu tận dụng nhiều tiềm năng sẵn có từ nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời trên mái nhà. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trước mắt chúng ta sẽ có điều kiện phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời áp mái trên các trụ sở tòa nhà công”.

ong-luan-quoc-hung-pho-tong-giam-doc-tong-cong-ty-dien-luc-tp.hcm.jpg
Ông Luân Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc EVN TP.HCM cho rằng cần phải có sự phối hợp giữa bên cung và bên cầu để sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng điện

Chia sẻ về việc triển khai Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, ông Luân Quốc Hưng - Phó chủ tịch HEEA, Phó tổng giám đốc EVN TP.HCM cho biết: “Sắp tới sẽ có những nguồn điện khác trên địa bàn thành phố, từ đốt rác thải hay nguồn điện ít ô nhiễm hơn như khí hóa lỏng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước và chúng tôi rất mong chờ 50% số lượng điện mặt trời mái nhà của người dân, các khu công nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp. Như vậy, chúng ta sẽ có đủ điện cho thành phố và đặc biệt có nguồn điện tại chỗ để đảm bảo an ninh năng lượng”.

Ông Hưng nói thêm, bên cạnh việc triển khai lưới điện thông minh, EVN TP.HCM cũng đang nghiên cứu các mô hình tối ưu hóa năng lượng và chuyển tải những kiến thức, hướng dẫn đến người dân qua ứng dụng để phối hợp với nhau, làm sao sử dụng điện hiệu quả, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, thực hiện tốt cam kết Net Zero đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi, thảo luận các giải pháp phát triển năng lượng điện bền vững tại TP.HCM, ông Đào Xuân Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp rất quan tâm việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Theo thống kê của HBA, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm 30% chi phí điện hằng tháng, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành cũng như giảm áp lực cung cấp điện của ngành điện. Dù nhu cầu cao, tuy nhiên việc triển khai điện mặt trời mái nhà gặp nhiều vướng mắc và với tình hình khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, nếu không tháo gỡ thêm trong việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà thì sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

toa-dam.jpg
Các doanh nhân, chuyên gia thảo luận về giải pháp phát triển năng lượng điện bền vững tại TP.HCM

Theo ông Đào Xuân Đức, hiện dự thảo về điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương chỉ mới khuyến khích phát triển điện mặt trời trên các mái nhà công sở, mái nhà dân, nhưng chưa có hướng dẫn lắp đặt trên mái nhà xưởng khu công nghiệp.

Theo ước tính của Viện Năng lượng Việt Nam, nếu TP.HCM lắp đặt điện mặt trời trên toàn bộ mái nhà các công sở thì chỉ được 166MW. Trong khi năm 2019, HBA và Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cùng EVN TP.HCM đã triển khai điện mặt trời mái nhà và làm được 80MW/năm và vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các KCN.

“Tôi nghĩ rằng nên có sự tháo gỡ mạnh dạn hơn, nhất là đơn giản hơn thủ tục đầu tư điện mặt trời mái nhà. Hiện chúng ta vướng rất nhiều, mỗi tỉnh, thành một quy định, như vấn đề về phòng cháy chữa cháy, môi trường, xây dựng… Tôi mong rằng trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ quan tâm và có hướng dẫn sớm cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ, cũng như góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Đức đề xuất.

Cùng quan điểm, ông Đào Du Dương - Chủ tịch Bảo Long Solar Energy Group, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Việt Nam (thuộc Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam) cho biết, có doanh nghiệp sử dụng đến 8-9 tỷ đồng tiền điện mỗi tháng mà mái nhà chỉ lắp đặt điện mặt trời áp mái được khoảng 2-3MW (1MW khoảng 200 triệu đồng), vậy thì không đáng kể so với nhu cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp đó, mái nhà kho rất lớn, lắp được hàng chục MW thì lại bỏ không. Doanh nghiệp không thể bán điện mặt trời cho những doanh nghiệp có nhu cầu. Đây là khó khăn.

“Theo tôi, cần thay đổi khái niệm điện tự dùng thành điện sử dụng tại chỗ thì đúng hơn. Quy hoạch điện VIII đã mở nhưng mới là khung chủ trương, cần hướng dẫn thi hành thật cụ thể, nhất quán và có độ dài về thời gian. Ngoài ra, EVN có thể đầu tư các dự án lưu trữ khu vực để giải quyết bài toán điều tiết giữa điện năng lượng tái tạo và điện nền ở những nơi có nguồn điện mặt trời tiềm năng”, ông Dương kiến nghị.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó trưởng Phòng Quy hoạch, Viện Năng lượng Việt Nam cũng nhận định: “Để đảm bảo được cơ cấu nguồn điện mặt trời áp mái tại các hộ dân đạt 50% đến năm 2050 thì cần ban hành các cơ chế khuyến khích, nếu không sẽ khó đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra”.

cac-dien-gia-tham-gia.jpg
Các chuyên gia, doanh nhân chia sẻ nhiều giải pháp, công nghệ mới để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhằm hướng đến mục tiêu phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050

Chia sẻ thêm về một số kinh nghiệm của Singapore để thúc đẩy quá trình “xanh hóa”, ông Nguyễn Thanh Phát - Giám đốc Điều hành SP Group (công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore) tại Việt Nam cho biết, Singapore là nước đầu tiên ở Đông Nam Á áp dụng thuế carbon cho các đơn vị công nghiệp tạo ra lượng carbon từ 25.000 tấn/năm trở lên với mức giá 5 SGD (khoảng 88,5 nghìn đồng)/tấn (từ năm 2019-2023). Mức thuế sẽ tăng theo từng năm và đến năm 2030 sẽ là 50-80 SGD/tấn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội để đáp ứng các mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Với việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, năm 2020, Chính phủ Singapore có chính sách bồi hoàn chi phí cho người lắp đặt (10.000 SGD/mái, tương đương 177 triệu đồng) và chi phí đầu tư đó sẽ được trừ thuế. Ông Phát cho rằng để khuyến khích triển khai điện mặt trời áp mái tại các trụ sở công, trung tâm thương mại hay hộ dân, TP.HCM cũng có thể tham khảo những chính sách như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần cơ chế khuyến khích lắp đặt điện mặt trời để gỡ khó cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO