Về việc lập các loại báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp (DN), luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời chung như sau.
Khái niệm BCTC
BCTC là những báo cáo tổng hợp nhất về tình hình tài sản, vốn chủ sở hữu, khoản phải thu, nợ phải trả, doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác, kết quả kinh doanh và dòng tiền luân chuyển trong kỳ của DN.
Nói cách khác, BCTC là phương tiện trình bày khả năng sinh lời và thực trạng tài chính của DN cho những người quan tâm (chủ DN, nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế, các cơ quan chức năng...).
Mục đích của việc lập BCTC là dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, các luồng tiền của DN, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ DN, cơ quan nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
Ngoài các thông tin này, DN còn phải cung cấp các thông tin khác trong bản thuyết minh BCTC nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các BCTC và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Các loại báo cáo tài chính
Theo chế độ quy định, tất cả DN thuộc các ngành, các thành phần kinh tế đều phải lập BCTC năm. Với các công ty, tổng công ty có đơn vị trực thuộc, ngoài BCTC năm còn phải lập BCTC tổng hợp hoặc BCTC hợp nhất vào cuối kỳ kế toán năm dựa trên BCTC của các đơn vị trực thuộc. Đối với các DN nhà nước và DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, ngoài BCTC năm còn phải lập BCTC giữa niên độ dạng đầy đủ.
BCTC hằng năm:
BCTC hằng năm được áp dụng cho tất cả loại hình DN thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. BCTC hằng năm phải lập theo dạng đầy đủ.
Theo Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, Điều 16 quy định hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Tùy vào quy mô của DN để lựa chọn chế độ kế toán: DN vừa và nhỏ áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN vừa và nhỏ; DN lớn áp dụng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán DN;
- Nếu DN theo chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC sẽ gồm: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Bảng cân đối tài khoản; Thuyết minh báo cáo tài chính.
- Nếu DN theo chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC sẽ gồm: Bảng cân đối kế toán; Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính.
Bên cạnh BCTC năm, DN còn nộp Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân mẫu 05/QTT-TNCN (nếu trong năm không phải trả lương cho bất kỳ nhân viên nào, thì không phải nộp); Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu 03/TNDN.
Trong tờ khai quyết toán thuế TNDN sẽ kèm theo một số phụ lục (tùy theo phát sinh thực tế tại DN), ví dụ như: Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (theo mẫu số 03-1A/TNDN, mẫu số 03-1B/TNDN, mẫu số 03-1C/TNDN), phụ lục chuyển lỗ (theo mẫu số 03-2/TNDN), các phụ lục về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, phụ lục thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, phụ lục thông tin về giao dịch liên kết nếu có (theo mẫu 03-7/TNDN).
BCTC giữa niên độ:
BCTC giữa niên độ được hiểu là BCTC cho bốn quý của năm tài chính (trong đó quý IV là quý cuối cùng trong năm) và BCTC bán niên. BCTC giữa niên độ được lập theo mẫu cụ thể pháp luật quy định. BCTC giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với BCTC giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
Đặc biệt, đối với DN nhà nước và công ty niêm yết, bắt buộc phải lập BCTC giữa niên độ. Đối với các loại hình DN khác được khuyến khích nhưng không bắt buộc phải lập BCTC giữa niên độ.
BCTC hợp nhất:
Đối với mô hình nhóm công ty, công ty mẹ phải lập BCTC theo quy định tại khoản 1 Điều 191 Luật doanh nghiệp 2014 như sau: “Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây: BCTC hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán; Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con; Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con”.
Tuy nhiên, các DN trong mô hình nhóm công ty không phải là công ty mẹ thì không phải lập BCTC hợp nhất theo pháp luật về kế toán.
Thời gian nộp BCTC
Thời gian nộp BCTC đối với các DN nhà nước được quy định, chậm nhất là sau 20 ngày đối với báo cáo quý - kể từ ngày kết thúc quý và chậm nhất là sau 30 ngày đối với báo cáo năm - kể từ sau ngày kết thúc năm tài chính. Đối với các tổng công ty, thời hạn gửi BCTC chậm nhất là 45 ngày đối với báo cáo quý - kể từ ngày kết thúc quý và chậm nhất là 90 ngày đối với báo cáo năm, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Với các đơn vị kế toán trực thuộc nộp BCTC quý, năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị cấp trên quy định.
Đối với các DN tư nhân, các công ty hợp danh, thời hạn nộp BCTC năm chậm nhất là 30 ngày - kể từ ngày kết thúc năm tài chính; đối với các DN khác còn lại, thời hạn gửi BCTC năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365 · Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM |