Trong giao dịch kinh doanh, vì nhiều lý do khách quan hay chủ quan đã làm phát sinh tranh chấp trong việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận, gây mâu thuẫn giữa các bên liên quan. Vì thế, cần có phương thức giải quyết tranh chấp nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và quan trọng là duy trì quan hệ hợp tác giữa các bên.
Hiện nay, theo thực tiễn và khoa học pháp lý ghi nhận, có 4 phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải thương mại, trọng tài thương mại và tòa án. Trong đó, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn vì đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí cho biết, theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ, hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận, được hòa giải viên thương mại đứng ra làm trung gian hỗ trợ giải quyết tranh chấp đó. Hòa giải viên thương mại ở đây bao gồm cả hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của các tổ chức hòa giải thương mại.
Trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp, nếu có xảy ra tranh chấp, thay vì doanh nghiệp nhờ đến tòa án xử lý giải quyết, thì doanh nghiệp có thể giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại trong các điều kiện và nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa giải sau:
Về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải thương mại, hai bên, các bên hoặc là các bên tranh chấp với nhau phải có thỏa thuận với nhau bằng phương pháp hòa giải thương mại trước thời điểm xảy ra tranh chấp, sau thời điểm xảy ra tranh chấp và cũng có thể là trong bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn xảy ra tranh chấp đó.
Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa giải, bao gồm ba nguyên tắc chính. Nguyên tắc thứ nhất là các bên tự nguyện giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải thương mại trên nền tảng bình đẳng về quyền và nghĩa vụ với nhau. Nguyên tắc thứ hai, các thông tin về vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật tuyệt đối. Nguyên tắc thứ ba là nội dung của kết quả hòa giải, không vi phạm các điều cấm của pháp luật, không vi phạm về đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ cũng như xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba.
Việc chỉ định hay lựa chọn hòa giải viên và trình tự tiến hành hòa giải sẽ được diễn ra như thế nào? Luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí cho biết như sau:
Đối với việc lựa chọn hòa giải viên, các bên lựa chọn thỏa thuận hòa giải viên thương mại của tổ chức thương mại hoặc các bên lựa chọn hòa giải viên sự vụ theo danh sách của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố.
Đối với quy tắc tiến hành hòa giải, nếu các bên chỉ định hòa giải viên của trung tâm tổ chức hòa giải thì theo quy tắc hòa giải của trung tâm tổ chức hòa giải đó. Còn đối với việc các bên lựa chọn hòa giải viên là hòa giải viên vụ việc của Sở Tư pháp tỉnh, thành phố công bố danh sách thì các bên có quyền lựa chọn các quy tắc tiến hành hòa giải của các tổ chức, đồng thời nếu không lựa chọn được thì hòa giải viên sẽ lựa chọn phương thức để hòa giải.
Về nguyên tắc trong hòa giải thương mại, các tranh chấp có thể giải quyết bằng nhiều hòa giải viên hoặc một hòa giải viên theo yêu cầu thỏa thuận giữa các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào, hòa giải viên cũng có quyền đề xuất các ý kiến của mình trong việc giải quyết tranh chấp đó.
Về thời gian, địa điểm thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về thời gian, địa điểm thì hòa giải viên mới là người sắp xếp thời gian, địa điểm đó theo tính chất phù hợp nhất đối với tranh chấp đó.
Có thể thấy, rõ ràng ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, đó là có thể chủ động về thời gian, về địa điểm, về lựa chọn hòa giải viên. Nhưng vì một lý do nào đó mà giữa các bên tranh chấp không thể đi đến một thỏa thuận chung, thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết như thế nào?
Về nội dung này, Luật sư Hệ thống Luật Thịnh Trí cho biết, theo quy định tại điều 15 của Nghị định 22/2017/NĐ-CP, trong trường hợp các bên không đạt được cái gọi là hòa giải thành thì các bên có quyền tiếp tục hòa giải với nhau hoặc thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài hoặc đưa ra cơ quan tòa án để tiếp tục giải quyết tranh chấp đó.
Mục đích của việc hòa giải thương mại là giải quyết tranh chấp giữa các bên, do các bên thỏa thuận và các bên lựa chọn, nên kết quả hòa giải thành là ý chí, nguyện vọng của các bên. Cho nên yếu tố này được xem là thực thi cao nhất, tuy nhiên về quy định của pháp luật thì tại điều 419 bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 cũng có quy định là các kết quả hòa giải thành của các đơn vị ngoài tòa án, thì có hiệu lực pháp luật để thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự.
· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365 · Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM |