Kinh tế số

Bốn nhiệm vụ trong phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Thanh An 21/11/2024 10:45

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định 1437/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025.

Mục tiêu của kế hoạch là thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xác định không gian tăng trưởng chủ yếu của kinh tế số Việt Nam là phát triển kinh tế số theo ngành, lĩnh vực; từng bước đưa công nghệ số và dữ liệu số trở thành yếu tố đầu vào quan trọng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, từ đó, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế.

sohoa1_1554961265231280619991_crop_1554961270079494351893-18_35_23_092.jpg

Kế hoạch đặt ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện, gồm:

Thứ nhất, phát triển kinh tế số ICT: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp nền tảng để thúc đẩy kinh tế số. Doanh nghiệp công nghệ số mạnh là lực lượng sản xuất tiên tiến để phát triển kinh tế số ICT và thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực.

Thứ hai, phát triển dữ liệu số: Đẩy nhanh mức độ sẵn sàng của các bộ dữ liệu chất lượng cao và thúc đẩy lưu thông, chia sẻ, mở dữ liệu; thúc đẩy việc mở dữ liệu, tích hợp, tái sử dụng, lưu thông dữ liệu và cải thiện hiệu quả nhờ đổi mới sáng tạo dựa trên dữ liệu; nghiên cứu và triển khai thí điểm các kịch bản khai thác và sử dụng dữ liệu và phát triển các ứng dụng số.

Thứ ba, phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực: Chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là các doanh nghiệp, tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản trị hoạt động của các doanh nghiệp, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

Thứ tư, quản trị số: Triển khai thí điểm ở các bộ, ngành, địa phương, sau đó nhân rộng các nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ, công chức trong xây dựng văn bản pháp luật, thực thi công vụ; hỗ trợ người dân về các vấn đề pháp lý và các trợ lý ảo khác; hoàn thiện mô hình điều hành dựa trên dữ liệu qua Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) để phổ biến cho các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bốn nhiệm vụ trong phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO