Hai bức thư đồng thời gửi ngày 27/7 cho Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Việt Nam do ông Steve Lamar - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội May mặc & Giày dép Hoa Kỳ (American Apparel & Footwear Association - AAFA), đại diện cho Gap, adidas và các thương hiệu thời trang toàn cầu khác soạn thảo.
Nội dung hai bức thư thúc giục chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam có hành động cụ thể, trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) ngành may mặc và da giày tại quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ bị đóng cửa vì sự bùng phát của đại dịch Covid-19 do biến chủng Delta.
Kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp thêm vaccine và vật tư xét nghiệm cho Việt Nam
Trong bức thư gửi cho Tổng thống Joe Biden, AAFA kêu gọi Tổng thống Hoa Kỳ tăng cường cung cấp lượng vaccine dư thừa của Hoa Kỳ cho Việt Nam và các quốc gia đối tác khác của AAFA. Lượng vaccine bổ sung này nên tập trung tiêm chủng cho nhóm người lao động đang làm việc tại các DN tạo nên giá trị xuất khẩu lớn hằng năm cho các quốc gia này.
“Hành động khẩn trương và ngay lập tức của Chính phủ [Hoa Kỳ] sẽ không chỉ cứu hàng triệu sinh mạng trên toàn thế giới mà còn có thể cứu vãn sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ" - ông Lamar nhấn mạnh.
Lá thư AAFA gửi cho Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden |
Ông Lamar giải thích: “Nếu không đặt mục tiêu hỗ trợ bổ sung nguồn vaccine, Covid-19 sẽ phá hủy chính các ngành công nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn mà các quốc gia này phụ thuộc. Hiện Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có thể cung cấp các loại vaccine hiệu quả và chúng tôi biết rằng một khi Covid tiếp tục phá hủy nền kinh tế của các quốc gia đối tác như Việt Nam, sự phục hồi kinh tế của Mỹ sẽ sớm phải trả giá”.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch tập trung nhiều ở TP.HCM, là ngành xuất khẩu lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 4 cho nền kinh tế Việt Nam, sử dụng hơn 4 triệu công nhân, với giá trị xuất khẩu mỗi năm 40 tỷ USD. Còn ban lãnh đạo và các cổ đông AAFA là cố vấn đáng tin cậy của ngành may mặc và giày dép Hoa Kỳ, bao gồm 3 triệu công nhân và đóng góp hơn 350 tỷ USD vào doanh thu bán lẻ hàng năm của Hoa Kỳ. AAFA cũng là một phần của ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 1,5 ngàn tỷ USD, tạo việc làm cho 150 triệu công nhân trên toàn thế giới.
Trong các đối tác của AAFA ở Đông Nam Á, Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ, chiếm 20% tổng hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Con số này luôn tăng trưởng hằng năm, ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Vì thế, ngoài vaccine, ông Lamar kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ tặng thêm cho Việt Nam vật tư xét nghiệm và trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp giấy phép Sử dụng Khẩn cấp (EUA).
Ưu tiên cho khu vực phía Nam
Trong bức thư gửi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính, AAFA kiến nghị Việt Nam ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong ngành may mặc và giày da, hai ngành đã và đang có nguy cơ chứng kiến làn sóng đóng cửa nhà máy gia tăng vì các đợt giãn cách và phong tỏa.
AAFA cũng đề nghị Thủ tướng Việt Nam bổ sung các DN dệt may và da giày vào danh sách có người lao động cần được tiêm vaccine khẩn cấp.
Lá thư AAFA gửi cho Thủ tướng Phạm Minh Chính |
“Chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam ưu tiên phân phối vaccine cho các ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch của Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi riêng với Tổng thống Biden mong muốn được thấy chính phủ Hoa Kỳ tăng cường cung cấp vaccine, các vật tư xét nghiệm Covid và trang thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho Việt Nam. Chúng tôi mong Việt Nam ưu tiên đưa nguồn lực được quyên góp này đến khu vực phía Nam, nơi đang có nhiều ca nhiễm Covid mới và hoạt động kinh tế tại đây có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế Việt Nam...
Chúng tôi cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp địa phương, đặc biệt là các đối tác của chúng tôi trong ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch, để xác định và triển khai các giải pháp sáng tạo ngắn hạn và dài hạn nhằm giúp các DN tiếp tục hoạt động một cách an toàn trong thời gian khủng hoảng này" - ông Lamar viết.
Việt Nam là nguồn xuất khẩu quần áo và giày dép lớn thứ hai sang Hoa Kỳ, sau Trung Quốc. Người mua hàng Mỹ ngày càng tin dùng hàng Việt Nam bất chấp những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy sản xuất của Mỹ giai đoạn 2016-2020.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tính đến tháng 5/2021, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 15% tổng nhập khẩu vào Hoa Kỳ, so với 28% của Trung Quốc.