Ngành dệt may 2021 có nhiều điểm sáng, nhưng khó khăn vẫn còn

Ngọc Thoại| 26/03/2021 07:26

Cơ hội cho ngành dệt may trong năm nay là rất lớn", trong bối cảnh các biến cố chính trị đang diễn ra trong khu vực cũng như đại dịch vẫn chưa hoàn toàn được khống chế trong phạm vi toàn cầu, khiến các nhãn hàng lớn sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để tìm nhà cung ứng phù hợp, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang chia sẻ trong một cuộc hội thảo ngày chiều 25/3, tại TP.HCM.

Ngành dệt may 2021 có nhiều điểm sáng, nhưng khó khăn vẫn còn

“Dự kiến doanh số xuất khẩu ngành dệt may Q1/2021 sẽ đạt mức hơn 8.76 tỷ USD, hay thậm chí xấp xỉ 9 tỷ USD theo kịch bản lạc quan nhất, giúp chúng ta có cơ hội lớn để đạt mục tiêu doanh số 39,5-40 tỷ USD vào cuối năm nay”, ông Giang chia sẻ tại hội thảo "Ngày dệt may bền vững Việt Nam", đồng thời cũng là buổi tổng kết quý 1 của ngành dành cho các doanh nghiệp (DN) phía Nam.

Trong số các đối thủ cạnh tranh chính của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế, Myanmar hiện đang trải qua  biến động lớn, Bangladesh vẫn còn đang chật vật đối phó với sự lây lan của đại dịch trong cộng đồng, còn Trung Quốc đang đối đầu với các tập đoàn lớn của châu Âu, Mỹ trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ - Trung và các mâu thuẫn giữa Châu Âu và Trung Quốc đang tiếp tục leo thang, khiến các tập đoàn nước ngoài có nguy cơ phải rút khỏi thị trường này (cả về mặt đặt hàng lẫn bán hàng).

Ông Giang thông tin thêm, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều đã đảm bảo được đơn hàng cho năm nay, ngoại trừ hai ngành hàng đặc thù là vest và sơ mi nam, đã rất khó khăn trong năm qua, dự kiến sẽ phải tiếp tục đương đầu với khó khăn ít nhất cho đến hết năm nay.

“Vận hội cho doanh nghiệp trong nước bao gồm: một nền chính trị ổn định để doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất trong ngành, cũng như cho phần nguồn cung thiếu hụt nhằm đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs), chúng ta đã kí kết tổng cộng 14 FTAs (trong đó có những FTAs có quy mô độ phủ lớn như CP TPP, EVFTA và RCEP)”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng đề cập đến cơ hội cho doanh nghiệp trước những lợi ích nhằm cắt giảm chi phí nhân công từ các tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0, tham gia các chuỗi cung ứng đạt các tiêu chuẩn xanh và phát triển bền vững, là nền tảng để doanh nghiệp đầu tư chiều sâu trong các lĩnh vực IT, quản trị doanh nghiệp và phát triển minh bạch.

“Đặc biệt trong trong bối cảnh Việt Nam kiềm chế và ứng phó rất tốt với đại dịch, cải thiện được hình ảnh, vị thế và tầm ảnh hưởng trong chiến lược quản trị quốc gia, lực lượng công nhân có tay nghề đồng đều, doanh nghiệp trong nước đã khẳng định được danh tiếng về chất lượng, ngày giao hàng đúng hạn cho các nhãn hàng quốc tế trong suốt thời gian qua, kể cả trong đại dịch”, ông Giang nhấn mạnh.

Thêm vào đó, theo ông Giang, về mặt quản lý nhà nước, các chính sách ngày càng cởi mở và hoàn thiện về mặt pháp lý. “Trong tuần qua, VITAS đã thành công trong việc kiến nghị Chính phủ loại bỏ 8 Nghị định bất hợp lý ảnh hưởng đến doanh nghiệp thành viên VITAS, trong đó có 6 Nghị định của Bộ Tài Chính và Tổng cục Hải quan”, ông nói.

Trải qua một năm 2020 đầy biến động, những doanh nghiệp trong nước còn phát triển đến thời điểm này đã có sức chống chịu, đồng thời bình tĩnh hơn trong việc thích ứng và tìm giải pháp đối phó trong tình hình dịch kéo dài, ông Giang nhấn mạnh.

Tuy vậy, ông Giang cũng nêu lên những khó khăn doanh nghiệp sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong ngắn và trung hạn do “hội nhập càng sâu thì thách thức càng nhiều”.

“Chi phí vận tải đang tăng nhanh, một công ty có chia sẻ với tôi là chi phí vận tải chuyển vải từ Trung Quốc về Việt Nam để sản xuất vừa tăng 6 lần”, ông Giang nói.

Việc Việt Nam đang trở thành điểm đến tin cậy của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang khiến cạnh tranh về nguồn lao động tăng dần, đặc biệt từ ngành điện tử và da giày, hai ngành thâm dụng lao động nhưng lại không đòi hỏi công nhân có tay nghề cao như ngành dệt may. Ngoài ra thách thức về thu hút nguồn nhân lực giữa các công ty lớn và nhỏ trong ngành cũng ngày càng lớn.

Theo tốc độ đô thị hóa, ông Giang cho biết VITAS dự đoán đến năm 2024, ở vùng 1 (các TP lớn và TP trực thuộc trung ương), các doanh nghiệp trong ngành sẽ không thể tồn tại do chi phí nhân công tăng vượt khả năng đáp ứng, sẽ còn một ít doanh nghiệp hoạt động ở vùng 2 (các thị xã, thị trấn) và hầu hết các xưởng may sẽ chỉ hoạt động ở vùng 3-4 (miền quê).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành dệt may 2021 có nhiều điểm sáng, nhưng khó khăn vẫn còn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO