90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng: “Khoảng lặng vàng” để Việt Nam điều chỉnh chiến lược thương mại
Trong khi nhiều nền kinh tế đang loay hoay trước làn sóng siết chặt thương mại toàn cầu, việc Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với hơn 75 quốc gia trong 90 ngày, gồm cả Việt Nam, mở ra một “khoảng lặng vàng”. Khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đủ quý giá để Việt Nam rà soát chiến lược xuất khẩu, tái định vị quan hệ song phương và thiết lập thế trận ứng phó vững vàng hơn với các rủi ro thương mại đang ngày càng phức tạp.
Giai đoạn từ năm 2018 đến nay chứng kiến một chuỗi động thái siết chặt thương mại từ phía Mỹ, trong đó Việt Nam thường xuyên nằm trong nhóm bị theo dõi và áp thuế cao.
Từ áp lực chính sách đến cơ hội điều chỉnh chiến lược thương mại
Cụ thể, vào tháng 3/2018, Mỹ ban hành mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu, tác động trực tiếp đến ngành sản xuất trong nước. Đến tháng 7/2019, Mỹ tiếp tục áp mức thuế lên tới 456% đối với thép cán nguội có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan nhưng được gia công tại Việt Nam. Đỉnh điểm là vào cuối năm 2020, chính quyền Mỹ mở điều tra về thao túng tiền tệ và gian lận xuất xứ, nhắm đến các mặt hàng như gỗ, may mặc, điện tử. Gần đây nhất, vào ngày 3/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng ở mức 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam.
Với một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam, khi tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 tương đương tới hơn 87% GDP, việc hàng hóa gặp rào cản thuế sẽ dẫn tới tác động rất sâu rộng, đặc biệt với các ngành hàng Việt Nam xuất khẩu chủ lực, như dệt may, máy vi tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Tuy nhiên, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Trump ban hành chính sách, phía Việt Nam đã chủ động liên hệ với phía Mỹ thông qua các cuộc điện đàm cấp cao và cử đặc phái viên sang đàm phán. Trên cơ sở đó, phía Mỹ đã thông báo tạm hoãn thực thi chính sách trong 90 ngày kể từ ngày 9/4/2025, nhằm tạo điều kiện cho hai bên tiến hành đàm phán song phương.
Chia sẻ với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, TS. Đậu Thị Mai Liên - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định rằng, việc Mỹ gia hạn áp thuế trong 90 ngày là một động thái mang tính “tạm hoãn” nhưng cực kỳ quan trọng, bởi nó tạo ra khoảng thời gian quý báu để Việt Nam có thể ngồi lại và đánh giá toàn diện những tác động đa chiều từ căng thẳng thương mại hiện nay.
"Cụ thể, đây không còn đơn thuần là một cuộc chiến thương mại nữa, mà là một phần trong chiến lược tranh giành vị thế toàn cầu giữa các cường quốc, nơi Mỹ đang dùng chính sách thuế như một nước cờ để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và lôi kéo các nền kinh tế khác về phía mình", TS. Đậu Thị Mai Liên nhận định.
Việc Mỹ đánh thuế rồi lại gia hạn 90 ngày cũng là lời nhắc rằng, các quốc gia cần chủ động, không thể mãi phụ thuộc vào thế giới bên ngoài. Đây là lúc để Việt Nam nghiên cứu và phân tích dữ liệu rõ ràng cụ thể về giá trị thương mại và hàng hóa của từng lĩnh vực để có cở sở đưa ra các nhận định và quyết sách để có thể tạo ra các lợi thế trên bàn đàm phán.
TS. Đậu Thị Mai Liên - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS)
Chủ động cân bằng cán cân thương mại, thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào Mỹ
Theo TS. Huỳnh Thế Du - Đồng giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, trong "khoảng lặng vàng" này, ưu tiên trước hết của Việt Nam là chủ động cân bằng cán cân thương mại thông qua việc tăng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt ở những lĩnh vực có tác động lâu dài như giáo dục và nghiên cứu khoa học. Việc gia tăng du học sinh, mở rộng hợp tác nghiên cứu không chỉ thể hiện thiện chí hợp tác mà còn góp phần thiết thực vào chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Đồng thời, đầu tư trực tiếp từ Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng nên được đẩy mạnh, vừa giảm áp lực xuất siêu, vừa khẳng định hình ảnh một đối tác chủ động và có trách nhiệm.

Song song với đó, Việt Nam cần củng cố năng lực nội tại bằng cách hoàn thiện dữ liệu xuất khẩu sang Mỹ, không chỉ dừng ở tổng kim ngạch mà phải đi sâu vào giá trị gia tăng nội địa, tỷ lệ nhập khẩu đầu vào, cơ cấu nguyên vật liệu và dịch vụ liên quan. Đây sẽ là “vũ khí” then chốt trên bàn đàm phán, nơi các cuộc thương lượng ngày càng đi vào chiều sâu, chạm đến từng nhóm ngành và từng doanh nghiệp.
Muốn làm được điều đó, TS. Du cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng một thể chế kinh tế thị trường minh bạch, công bằng và cạnh tranh lành mạnh cho mọi thành phần. Đây không chỉ là nền tảng cho phát triển bền vững, mà còn giúp hóa giải rủi ro từ các cáo buộc như thao túng tiền tệ hay gian lận xuất xứ, những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, xây dựng chuỗi cung ứng nội địa
Trong bối cảnh căng thẳng thuế quan với Mỹ đang tạm lắng trong 90 ngày, đây không chỉ là thời điểm đàm phán, mà còn là lời nhắc nhở rõ ràng về tính cấp thiết của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, quan hệ kinh tế với Mỹ luôn tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Do đó, việc đa phương hóa và đa dạng hóa thị trường là hướng đi bắt buộc, không chỉ để giảm thiểu phụ thuộc mà còn giúp Việt Nam chủ động thích nghi với những thay đổi sâu rộng của trật tự thương mại toàn cầu trong tương lai gần.
Trong đó, Việt Nam không thể mãi phụ thuộc vào một vài thị trường lớn mà cần mở rộng sang các khu vực nhiều tiềm năng như châu Phi, Nam Á, Trung Đông hay châu Mỹ Latinh, nơi nhu cầu tiêu dùng đang tăng nhanh và chưa bị chi phối bởi các rào cản kỹ thuật phức tạp như tại các nền kinh tế phát triển.

Đồng thời, theo TS. Đậu Thị Mai Liên, để tăng sức đề kháng trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng bất định, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng tự chủ trong nước, đặc biệt tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái sản xuất nhưng thường thiếu nguồn lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Đồng thời, thương mại nội địa, đặc biệt tại khu vực nông thôn, nơi chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, cần được chú trọng phát triển nhằm tạo lực cầu bền vững, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.
Bên cạnh đó, bài học từ Trung Quốc cho thấy rõ hiệu quả của việc phát triển thị trường trong nước thông qua thương mại điện tử, kinh tế số và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng logistics. Đây là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi để xây dựng năng lực nội tại, từ đó nâng cao khả năng thích ứng với các biến động bên ngoài.
Thực tế, cú sốc từ nguy cơ bị áp thuế cho thấy sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn là điểm nghẽn lớn của nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và chủ động nguồn cung đầu vào trong nước không chỉ giúp tăng tính tự chủ mà còn nâng cao tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa, yếu tố then chốt trong việc minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa. Đây chính là nền tảng để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các hiệp định thương mại thế hệ mới với tư thế chủ động, bền vững.
Minh bạch hóa chuỗi cung ứng và tăng cường kiểm soát xuất xứ
Trước những cáo buộc từ phía Mỹ cho rằng Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc nhằm né thuế, việc nhanh chóng minh bạch hóa chuỗi cung ứng và siết chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết cần thực hiện ngay lập tức. Nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, gỗ, thép, điện tử hiện vẫn chưa đảm bảo tính truy xuất minh bạch trong từng công đoạn, từ nguồn nguyên liệu đến gia công; không chỉ gây khó khăn khi đối mặt với các rào cản kỹ thuật mà còn ảnh hưởng đến uy tín xuất khẩu trên thị trường quốc tế.
Các chuyên gia cho rằng, điều này xuất phát từ sự chủ quan trong việc xây dựng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng bài bản, cũng như thiếu đầu tư cho công nghệ truy xuất nguồn gốc và năng lực kiểm định. Không ít doanh nghiệp vẫn chạy theo đơn hàng ngắn hạn, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu giá rẻ mà chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu về xuất xứ và tiêu chuẩn môi trường, lao động từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Nếu không sớm thay đổi tư duy và hành động quyết liệt, nguy cơ bị áp thuế trừng phạt hoặc loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là hoàn toàn có thật. Đây là lúc Việt Nam cần biến áp lực thành động lực để nâng cấp nền sản xuất, củng cố niềm tin của đối tác quốc tế và khẳng định vai trò là một mắt xích uy tín trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), để minh bạch hoá nguồn gốc, né bẫy xuất xứ, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp như áp dụng công nghệ số trong quản lý chuỗi cung ứng, đào tạo nhân lực chuyên sâu về quy tắc xuất xứ và thiết lập các cơ chế giám sát hiệu quả.
Ngoài ra, việc hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ trong toàn bộ chuỗi giá trị.
