Trong nước

Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt: Báo động đỏ cho cán cân thương mại và tương lai kinh tế

Xuân Lộc - Sơn Hưng 04/04/2025 17:08

Sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam không đơn thuần là “cuộc chiến thuế quan”. Đằng sau con số ấy là một bài toán lớn hơn: mất cân bằng thương mại và nguy cơ tổn thương sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam.

Gốc rễ không nằm ở thuế, mà ở thặng dư thương mại

Vào cuối tháng 3, Việt Nam đã chủ động điều chỉnh thuế nhập khẩu với một số mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ, được xem là động thái “nhượng bộ” trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp căn cơ. Vấn đề cốt lõi nằm ở sự mất cân đối thương mại kéo dài giữa hai nước.

Theo thống kê năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khoảng 136 tỷ USD, trong khi chỉ nhập khẩu 13 tỷ USD, điều này đã tạo ra mức thặng dư lên tới 123 tỷ USD. Tức là Việt Nam đang “hưởng lợi” gần 90% trong quan hệ thương mại song phương. Điều này khiến Mỹ, dưới góc nhìn của Tổng thống Trump ở vào thế yếu và cần phản ứng mạnh tay.

Cách tính thuế mới của Mỹ không dựa trên biểu thuế danh nghĩa hay cơ chế đối đẳng truyền thống, mà xuất phát từ một công thức gây tranh cãi: “thâm hụt thương mại chia cho tổng giá trị nhập khẩu”, từ đó xác định mức “thuế đối ứng ngầm” mà họ cho là Việt Nam đang áp lên hàng hóa Mỹ. Kết quả: Việt Nam bị áp mức thuế 46%, cao thứ hai trong số các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, chỉ sau Campuchia.

5.jpeg
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở Vườn hồng, bên trong Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters

Tác động dây chuyền: từ doanh nghiệp đến người lao động

Bắt đầu từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ. Đến ngày 9/4, những quốc gia bị cho là “gây mất cân bằng thương mại”, trong đó có Việt Nam, sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn. Với Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch. Con số 46% thuế suất đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt có thể phải gánh thêm tới 54,7 tỷ USD tiền thuế mỗi năm, tương đương khoảng 10% GDP cả nước.

Hệ quả trước mắt là hàng hóa Việt Nam mất sức cạnh tranh. Một sản phẩm trị giá 100 USD khi vào Mỹ sẽ có giá tới 146 USD, một chênh lệch lớn khiến người tiêu dùng Mỹ dễ dàng chuyển hướng sang các sản phẩm từ Mexico, Ấn Độ hay Bangladesh.

Các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, thép, nhôm, dệt may, đồ gỗ và thủy sản sẽ là những “nạn nhân” đầu tiên. Đây đều là những ngành sử dụng hàng triệu lao động và thu hút lượng vốn FDI lớn suốt thập niên qua. Khi chi phí tăng, sức mua giảm, và chuỗi cung ứng đứt gãy, các nhà đầu tư như Apple, Samsung, Nike, Adidas... có thể sẽ buộc phải tính toán lại chiến lược sản xuất toàn cầu.

Một ví dụ cụ thể: nếu linh kiện điện tử sản xuất tại Việt Nam bị áp thuế cao, một chiếc iPhone trị giá 1.000 USD có thể bị đội giá lên thành 1.460 USD tại Mỹ. Apple chắc chắn không muốn mất lợi thế cạnh tranh chỉ vì nhà máy đặt ở Việt Nam. Và giải pháp dễ thấy là dịch chuyển sản xuất sang các nước khác như Ấn Độ hay Indonesia, điều hoàn toàn có thể xảy ra trong vòng 18-24 tháng tới nếu môi trường không còn hấp dẫn.

Ảnh hưởng lan rộng: Từ sàn chứng khoán đến chính trị quốc tế

Ngay sau khi Mỹ công bố danh sách thuế quan mới, thị trường tài chính Việt Nam đã có phản ứng tức thì. VN-Index mất 61 điểm chỉ trong 10 phút đầu phiên giao dịch, cho thấy tâm lý hoang mang của giới đầu tư. Nhiều tập đoàn Mỹ có chuỗi cung ứng gắn bó với Việt Nam cũng lao đao: cổ phiếu Nike giảm 6%, Decker Brands mất gần 9% giá trị.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đồng loạt lên tiếng. Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ các biện pháp thuế quan và thúc đẩy đối thoại. Nhiều nước bày tỏ lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu mới có thể nổ ra, khi Mỹ dùng "cán cân thương mại" như một vũ khí thương mại hơn là công cụ điều tiết kinh tế.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành họp về mức áp thuế mới của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành họp về mức áp thuế mới của Hoa Kỳ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Ảnh:TTXVN

Tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp khẩn cùng các bộ ngành để tìm giải pháp. Một số chính sách điều chỉnh thuế nhập khẩu và ưu đãi thuế đã được ban hành để giảm áp lực từ phía Mỹ và củng cố vị thế đàm phán.

Đàm phán là con đường sống còn

Hiện nay, trọng trách lớn nhất đặt lên vai đoàn đàm phán Việt Nam. Đây không còn là cuộc “gỡ thuế” đơn thuần, mà là trận chiến chiến lược nhằm bảo vệ tính bền vững của nền kinh tế quốc gia. Nếu thành công, hai bên có thể đạt được thỏa thuận mới, với mức thuế hợp lý hơn, hoặc thậm chí miễn trừ một số ngành hàng đặc thù. Nếu thất bại, nguy cơ suy giảm xuất khẩu, sụt giảm FDI, mất việc làm quy mô lớn và suy yếu uy tín quốc gia là điều khó tránh.

Do đó, sự ủng hộ và niềm tin vào đoàn đàm phán là điều cần thiết lúc này. Việt Nam cần kiên định, minh bạch, nhưng cũng phải linh hoạt và chiến lược, để không chỉ bảo vệ lợi ích ngắn hạn, mà còn đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, công bằng và bền vững trong dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt: Báo động đỏ cho cán cân thương mại và tương lai kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO