Quốc tế

Thuế đối ứng 46%: Tác động và phương án của Việt Nam

Lê Duy 11/04/2025 06:01

Tổng thống Donald Trump ngày 2/4/2025 đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ. Theo đó, từ ngày 5/4/2025, toàn bộ hàng nhập khẩu vào nước này sẽ chịu 10% thuế, áp dụng cho tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau ngày 9/4/2025, các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn nữa, dao động từ 15% đến gần 50%. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm đối tác chịu thuế cao nhất, ở mức 46%.

Ảnh hưởng tiêu cực và to lớn

Với sắc thuế đối ứng của Mỹ, nhóm hàng Việt chịu ảnh hưởng lớn gồm máy móc, thiết bị, linh kiện, điện tử, máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, thủy sản, nhựa, cao su, gỗ, giấy bột giấy. Theo số liệu của Cục Hải Quan, tổng lượng hàng Việt Nam xuất sang Mỹ năm ngoái trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ nơi này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD và 3 nhóm áp đảo là máy tính - linh kiện (23,2 tỷ USD), máy móc thiết bị (22 tỷ USD) và dệt may (16,2 tỷ USD). Như vậy, nếu kim ngạch xuất khẩu Việt - Mỹ không đổi, ở 119 tỷ USD/năm, thì mức thuế 46% áp cho hầu hết mặt hàng sẽ khiến hàng Việt gánh thêm 54,74 tỷ USD, tức hơn 10% GDP Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nước ngoài thuộc 6 nhóm ngành nghề sau có khả năng rời khỏi Việt Nam vì thuế, với mức độ nguy cơ từ rất cao, cao đến cao - trung bình: đồ chơi và dụng cụ thể thao, giày dép, điện tử và linh kiện bán dẫn, dệt may, sản xuất sản phẩm nhựa, hóa chất; đồ nội thất. Hơn nữa, hàng Việt cũng bị giảm tính cạnh tranh nếu xét trên tương quan với các đối thủ chính, khi phải chịu thuế cao hơn 10 - 20%. Với việc khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng tới người tiêu dùng Mỹ, sắc thuế sẽ làm xói mòn khả năng cạnh tranh về giá, gây ra tình trạng hủy đơn hàng và buộc doanh nghiệp chịu lỗ hoặc chuyển sản xuất sang nơi khác.

Trước mắt, doanh nghiệp có thể sẽ phải chấp nhận giảm giá bán các đơn hàng đã có để cùng gánh một phần thuế với nhà nhập khẩu Mỹ hoặc chấp nhận đối tác hủy đơn. Sau đó, lượng đơn hàng có thể giảm mạnh. Sắc thuế cũng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến chi phí đầu vào tăng và làm giảm nhu cầu của nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, đồng thời tạo ra nhiều ảnh hưởng gián tiếp đáng lo ngại không kém. Những tác động này gồm gián đoạn chuỗi cung ứng khi bên mua ở Mỹ giảm đơn hàng hoặc đề nghị đàm phán lại giá và giảm FDI, nhất là từ các nhà sản xuất tập trung vào tăng trưởng nhờ xuất khẩu.

thue-doi-ung-46-_-tac-dong-va-phuong-an-cua-viet-nam-1-copy.jpg

Những phương án để đàm phán

Hiện, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng ít nhất 45 ngày để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái. Trên thực tế, nhiều tỷ phú Mỹ trước đó đã thúc giục ông Trump hoãn sắc thuế đối ứng 90 ngày, do lo ngại rủi ro kinh tế thế giới rơi vào suy thoái và vị thế của Mỹ bị lung lay.

Về sắc thuế, Việt Nam sẽ thực hiện theo định hướng thỏa thuận cấp cao giữa Tổng bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump: đưa thuế nhập khẩu về 0% với hàng Mỹ và đề nghị Mỹ áp thuế tương tự với hàng Việt. Đương nhiên, với việc nền kinh tế Mỹ lớn hơn Việt Nam đến 60 lần, việc đảm bảo cân bằng là không và tái cân bằng thương mại trong ngắn hạn là không thể. Do đó, điều quan trọng là phải cho thấy thiện chí của các đối tác khi cùng Mỹ giải quyết thâm hụt thương mại và các vấn đề Mỹ quan tâm.

Về phương án, thứ nhất là chính sách “có đi có lại” để giảm thuế cho hàng Mỹ - điều đã được thực hiện. Việt Nam cuối tháng trước đã giảm thuế MFN (tối huệ quốc: thuế áp cho nước thuộc Tổ chức Thương mại thế giới) với ngành hàng mà Mỹ có lợi thế xuất khẩu như khí hóa lỏng, ôtô, nông sản. Theo Báo cáo về Rào cản Thương mại Nước ngoài 2024 của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, MFN bình quân của Việt Nam là 9,4%, với hàng nông nghiệp và phi nông nghiệp lần lượt là 17,1% và 8,1% - yếu tố cho thấy có thể giảm thêm thuế, thậm chí đưa về 0%.

Thứ hai là hợp tác giải quyết vấn đề gián tiếp liên quan tới thương mại, nhất là tiền tệ. Nếu việc này xuất hiện trong đàm phán, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ dùng các biện pháp nghiệp vụ để tăng tỷ giá VND so với USD, gồm cả khả năng sử dụng dự trữ ngoại hối. Đồng nghĩa, Việt Nam cần cho thấy bản thân không giữ VND ở mức thấp để tăng cạnh tranh xuất khẩu trong điều hành tỷ giá mà để thị trường lên, xuống theo áp lực cung cầu. Nếu can thiệp, mục tiêu duy nhất là đảm bảo VND không biến động quá mạnh với ngoại tệ của đối tác trong một chu kỳ ngắn, gây bất ổn hệ thống tài chính và thương mại quốc tế. Tức là, thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ không phải do vấn đề tiền tệ.

Thứ ba, cần nỗ lực đáng kể để siết chặt kiểm soát nguồn gốc và minh bạch hàng hóa nhằm ngăn chặn hàng nước khác “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Đây là vấn đề nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ, và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với hình phạt bổ sung. Thực tế, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro mới đây đã nói đề nghị của Việt Nam về việc đưa thuế về 0% là không đủ để Washington dỡ thuế đối ứng, “vì điều quan trọng là gian lận phi thuế quan”. Các ví dụ về “gian lận” phi thuế quan được ông Navarro trích dẫn gồm sản phẩm Trung Quốc được chuyển qua Việt Nam, trộm cắp tài sản trí tuệ và thuế giá trị gia tăng. Theo lập luận của chính quyền Trump, thuế giá trị gia tăng nên được xem là rào cản thương mại không được chấp nhận rộng rãi.

Thứ tư, Việt Nam có thể cân nhắc tăng mua sắm công dù trực tiếp hay gián tiếp qua doanh nghiệp Nhà nước. Lý do là để đảm bảo cân bằng giữa việc mở cửa thị trường mua sắm công cho Mỹ với mục tiêu tối đa hóa lợi ích cũng như bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, cần cam kết tăng nhập khẩu hàng từ Mỹ như máy bay, máy móc thiết bị, nông sản hay khí hóa lỏng. Hiện, một số thương vụ đang cho thấy tiến triển, như thỏa thuận mua 200 máy bay Boeing 737 MAX của Vietjet. Dù vậy, để tăng sự thuyết phục cho đàm phán thuế, các MoU cần được hiện thực hoá bằng đơn hàng cụ thể, không chỉ nằm trên giấy.

Về phía doanh nghiệp, các doanh chủ cần xây dựng kế hoạch dự trù trong ngắn hạn cho nhiều viễn cảnh thuế khác nhau, như 10%, 20%, 30% và thậm chí cao hơn. Kế hoạch nên gồm việc điều chỉnh giá bán, tái cơ cấu chi phí, đàm phán lại điều khoản giao hàng và đánh giá tác động với các hợp đồng đã ký trước thời điểm áp thuế. Để vượt thách thức, doanh nghiệp Việt cũng cần đa dạng hóa thị trường và áp dụng mô hình kinh doanh bền vững. Trong đó, châu Âu có thể là thị trường tiềm năng nhờ nhiều hiệp định thương mại đã ký với Việt Nam gần đây.

pham-van-viet.jpg
Ông Phạm Văn Việt

Tại buổi gặp gỡ của lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chiều ngày 8/4.
Một số đối tác Mỹ đã yêu cầu tạm ngừng đơn hàng từ tháng 5/2025. Do đó, kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp về giãn thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất, cải thiện dòng tiền trong 3 - 6 tháng tới. Về lâu dài, cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp chuỗi cung ứng.
Ông Phạm Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM.

le-hang.jpg
Bà Lê Hằng

Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp. Chúng tôi rất mong Chính phủ nhanh chóng vào cuộc để thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông... Ngoài ra cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác... tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn. Cần nhanh chóng đưa mặt hàng thuỷ sản vào mặt hàng chế biến để hưởng ưu đãi phù hợp với ngành hàng chứ không phải chịu thuế cao đến 20% như hiện nay.
Bà Lê Hằng - Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

ngo-sy-hoai.jpg
Ông Ngô Sỹ Hoài

Lâu nay chúng ta xuất sang Nhật là dăm gỗ. Chúng ta có thể nghiên cứu thị hiếu người Nhật để mở rộng mặt hàng xuất khẩu. Một số DN Việt cần vươn lên đi vào phân khúc cao hơn, xuất khẩu đấu thầu cả 1 cung điện, khách sạn cao cấp...
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ, lâm sản Việt Nam (Viforest)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thuế đối ứng 46%: Tác động và phương án của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO