Trước tác động thuế quan mới của Mỹ, TP.HCM làm gì để duy trì tăng trưởng?
Chính sách thuế mới của Mỹ áp mức thuế 46% sẽ ảnh hưởng lớn đến TP.HCM, làm giảm sức cạnh tranh của các ngành xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, TP.HCM có thể tận dụng "nguy" để tái cấu trúc thị trường, phát huy nội lực, mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ" ngày 9/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, chính sách thuế mới vừa được Mỹ công bố đã tạo ra một cú sốc lớn đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Được, TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy chính sách thuế mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp và phần nào làm đảo lộn các kế hoạch phát triển mà Thành phố đã đề ra cho năm 2025. Chính sách này chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến chỉ tiêu tăng trưởng 8,5% mà Chính phủ giao cho TP.HCM trong năm tới.
Việc áp mức thuế cao khiến giá hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng lên, làm suy giảm sức cạnh tranh. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Mỹ nhập vào Việt Nam cũng sẽ đội giá, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm công nghệ và hàng hóa giá trị cao từ Mỹ.
“Hôm nay Thành phố rất cần trí tuệ, đóng góp của các nhà khoa học, doanh nghiệp… để đưa ra kịch bản kinh tế cho Thành phố để vượt qua được thách thực. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Thành phố sẽ tiếp thu cao nhất để định hướng cho sự phát triển của TP.HCM đạt mục tiêu đề ra”, ông Nguyễn Văn Được mong muốn.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, mức thuế suất đối ứng 46% sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của TP.HCM khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại có mức thuế thấp hơn đáng kể như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%), Thái Lan (37%)…
Nếu mức thuế này được áp dụng, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, gỗ, thủy sản... sẽ mất khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Không những TP.HCM bị ảnh hưởng trực tiếp mà còn kéo theo tác động lan rộng đến chuỗi cung ứng và đầu tư của cả vùng, bao gồm các tỉnh như Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phân tích chính sách thương mại hiện tại của Mỹ, GS. Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng, đây là động thái hướng đến lợi ích tuyệt đối cho nước Mỹ trong từng thương vụ. Theo GS, việc áp thuế cao không đơn thuần là biện pháp bảo hộ mà là chiến thuật đàm phán kiểu “đòn phủ đầu”, đưa ra mức phạt cao để gây sức ép và buộc đối phương nhượng bộ.
.jpg)
GS. Trần Ngọc Anh cũng cho rằng, mức thuế 46% không chắc sẽ giữ lâu dài, nhưng là cú đánh ban đầu để Mỹ định vị lại mối quan hệ thương mại. Cú sốc này không chỉ với TP.HCM mà có thể kéo theo khủng hoảng toàn cầu nếu các bên không sớm đạt được thỏa thuận.
Thực tế, thị trường tài chính Mỹ đã có dấu hiệu bất ổn khi chứng khoán lao dốc gần 10% trong ba tuần qua. GS. Trần Ngọc Anh cảnh báo nguy cơ thế giới rơi vào suy thoái trong thời gian tới, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.
Tuy nhiên, GS. Trần Ngọc Anh khẳng định, Mỹ vẫn là trung tâm công nghệ và tài chính toàn cầu - hai yếu tố mà Việt Nam không thể bỏ qua. Việc duy trì kết nối với thị trường này không chỉ để xuất khẩu, mà còn là cơ hội để tiếp cận vốn, công nghệ và thu hút các chuỗi giá trị cao, giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Theo các chuyên gia, TP.HCM cần có cách tiếp cận chủ động thay vì chỉ phản ứng thụ động với tình hình.
Trước mắt, cần đẩy mạnh đàm phán song phương với Mỹ để giảm thuế, đồng thời kiểm soát nghiêm ngặt gian lận xuất xứ - vấn đề có thể làm xói mòn uy tín quốc gia nếu không xử lý triệt để. Song song đó, Thành phố cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia có FTA như châu Âu, Canada, Mexico, UAE... nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
.jpg)
Về dài hạn, TP.HCM định hướng phát triển nhiều khu thương mại tự do (FTZ) nhằm thu hút FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Cải thiện hạ tầng logistics, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ DN khởi nghiệp và xây dựng thành phố trở thành trung tâm phân phối, mua sắm của khu vực cũng là những trụ cột quan trọng.
Theo các chuyên gia, trong "nguy" luôn tiềm ẩn "cơ". Nếu TP.HCM biết tận dụng giai đoạn này để tái cấu trúc thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm và phát huy nội lực, thành phố không chỉ có thể vượt qua các rào cản thuế quan mà còn có cơ hội định hình lại vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đây sẽ là một vị thế chủ động hơn, vững vàng hơn và ít phụ thuộc vào các biến động bên ngoài, giúp TP.HCM phát triển bền vững trong tương lai.
Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đưa ra một số kịch bản tăng trưởng. Kịch bản cho tăng trưởng thấp (mức thuế suất đối ứng giữ nguyên 46%); kịch bản đàm phán một phần và đạt mức thuế suất 25%; kịch bản căng thẳng thương mại được tháo gỡ sớm, mức thuế suất áp dụng là 5 - 15%.
Các kịch bản được xây dựng với giả định yếu tố trong điều kiện TP.HCM chủ động và tăng tốc nội lực thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế như đầu tư và tiêu dùng. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 620.000 tỷ đồng và tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,4%.