Kinh doanh

Doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh ứng phó với áp lực thuế mới từ Mỹ

Thanh An 10/04/2025 14:40

Trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, nhiều doanh nghiệp (DN) và hiệp hội DN của TP.HCM đang trong tình trạng căng thẳng, tìm cách ứng phó với lệnh áp thuế mới từ Mỹ.

Những bất lợi của DN trước áp lực thuế mới

Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với các quốc gia trên thế giới, theo đó thuế suất 10% sẽ được áp dụng lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ (hiệu lực từ ngày 5/4) và mức thuế quan cao hơn đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, có hiệu lực từ ngày 9/4.

Đối với Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã công bố mức áp thuế mới đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 46%. Mức thuế mới này khiến Việt Nam rơi vào top những quốc gia có mức thuế cao hàng đầu thế giới và thực trạng trên đang kiến nhiều DN trong nước trải qua thời điểm căng thẳng, hoang mang.

Chia sẻ tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM và các hiệp hội ngành nghề, DN lớn trên địa bàn mới đây, PGS. TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, việc Mỹ ban hành mức thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam đã tạo nên nhiều ẩn số đối với nền kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam là quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, điều này sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào ngành sản xuất, vốn đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam.

Theo TS. Khánh, mức thuế 46% có thể tác động đa chiều đến nhu cầu mở rộng sản xuất và làm suy yếu động lực đầu tư, đặc biệt là đối với các ngành xuất khẩu sang Mỹ. Ông cũng nhận định rằng dòng FDI mới có thể tạm dừng hoặc chuyển hướng, nhưng trong năm nay, dòng vốn FDI sẽ khó giảm quá sâu. Mặt khác, một số ngành thay thế hàng nhập khẩu và nguyên phụ liệu có thể tăng trưởng nếu Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nội địa hóa nguồn cung cho DN.

san-xuat-kinh-doanh.jpg

Đặc biệt, khi lệnh áp thuế mới được ban hành, các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp, logistics sẽ là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất. Riêng các nhóm ngành cao su, giấy, dây cáp điện… chịu tác động trung bình do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp. Trong khi đó nhóm sản phẩm sắt thép không chịu tác động do không nằm trong danh sách sản phẩm chịu thuế đối ứng.

Mặc dù mức áp thuế 46% được ban hành sẽ tác động đa tầng đến kinh tế Việt Nam nhưng theo TS. Khánh, Việt Nam hoàn toàn có thể ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị - xã hội, thông qua kiểm soát lạm phát ở mức thấp, tỉ giá ổn định và nợ công an toàn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần linh hoạt, hiệu quả và sát cánh cùng DN để tận dụng xu thế mới của thế giới thông qua chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế số, chuỗi cung ứng ngắn hơn...

Trong đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ tình trạng hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu. Riêng Ngân hàng Nhà nước cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt để ứng phó với dòng vốn đảo chiều trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn hiện nay.

TS. Khánh cũng nhấn mạnh, về định hướng lâu dài, Việt Nam cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt là cho ngành dệt may.

"Chúng ta cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và tự chủ nguồn nguyên liệu, từ đó thúc đẩy sự phát triển thông qua các cụm công nghiệp hỗ trợ trong nước. Trong bối cảnh thế giới hiện nay đầy bất ổn, một xu hướng mới đang hình thành, buộc chúng ta phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, phát triển công nghiệp dịch vụ, đẩy mạnh chuỗi cung ứng mới và tăng cường chuyển đổi số. Những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh", TS. Khánh đánh giá.

Doanh nghiệp TP.HCM cần bình tĩnh đối mặt với bối cảnh mới

Hiện nay, do mức áp thuế mới được Tổng thống Trump công bố đã khiến DN rơi vào tình trạng căng thẳng. Trước đó, nhiều DN và hiệp hội đã đồng loạt kiến nghị với Chính phủ đàm phán với phía Mỹ để có thể trì hoãn thời gian áp thuế từ 45 đến 90 ngày.

Các DN cho rằng đây là khoảng thời gian tối thiểu để họ có thể chuẩn bị phương án ứng phó và đề xuất Chính phủ xem xét chính sách hỗ trợ tín dụng trong khoảng 3 đến 6 tháng, tương tự như giai đoạn dịch bệnh Covid-19, nhằm giúp họ giải quyết những đơn hàng đang tồn đọng, nếu việc đàm phán không mang lại kết quả tích cực.

z6487802683578_e05529c0db97965f016be35da9b65ff6.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa phát biểu tại buổi họp

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCMNguyễn Ngọc Hòa, cho biết sẽ kiến nghị Sở Công Thương TP.HCM và Bộ Công Thương về phương án giúp các hiệp hội ngành nghề và DN trong nước theo dõi sát sao diễn biến từ cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Chính phủ Mỹ.

Theo ông Hòa, khi hiểu rõ nhu cầu của đối tác, DN sẽ có cơ sở để đưa ra nhận định, đánh giá và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, Chủ tịch HUBA cũng cho rằng phía Việt Nam cần tìm cách thương lượng để đạt được mức thuế phù hợp, tránh áp dụng mức thuế cao cho tất cả các nhóm hàng. Ông lấy ví dụ ngành thủy sản, một ngành rất thuần Việt, cần nỗ lực để giảm mức thuế xuống mức hợp lý.

Chủ tịch HUBA cũng đánh giá, để DN vượt khó, trụ vững và phát triển, nỗ lực đàm phán thuế chỉ là một phần, DN cần được tiếp sức ở nhiều phương diện khác. Cụ thể, cần có chính sách lãi suất phù hợp, giảm thủ tục hành chính, và giải quyết triệt để vấn đề xuất xứ, một mối quan tâm lớn từ phía Mỹ. Những yếu tố này sẽ giúp DN duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

DN TP.HCM kiến nghị

Nhiều DN, hiệp hội DN đã có những kiến nghị cấp thiết để ứng phó với những khó khăn khi Mỹ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TP.HCM (HaWa) cho biết, ngành chế biến gỗ của thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi có đến 52% DN có thị trường chủ lực là Mỹ, chiếm hơn 50% tổng doanh số xuất khẩu.

Trước đó, Hiệp hội đã có khảo sát đối với các DN về tác động của mức thuế 46%. Kết quả khảo sát gần đây của Hiệp hội cho thấy mức thuế 46% là quá cao và hầu như không thể đáp ứng, ngay cả khi DN đã nỗ lực giảm chi phí sản xuất. Vì vậy, Hiệp hội cho rằng việc đàm phán hoãn thuế là vô cùng quan trọng, giúp DN có thời gian thích ứng và dần chuyển hướng sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Úc, Trung Đông và Canada.

Về dài hạn, ông Phương cho rằng cần phải cơ cấu lại sự phát triển ngành và gia tăng xúc tiến thương mại đa dạng. Song song đó, cần áp dụng các ưu đãi thuế hấp dẫn cho đồ gỗ xuất xứ Việt Nam nhưng nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ. Cách làm này có thể được áp dụng cho các ngành khác nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và mở rộng thị trường.

base64-1744110902733357329472.jpeg
Doanh nghiệp nêu kiến nghị để Sở Công Thương nắm bắt tình hình, kịp thời tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM và Trung ương

Phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM Nguyễn Văn Khánh, đã có kiến nghị gửi đến Sở Công Thương TP.HCM, yêu cầu cơ quan này vào cuộc đàm phán với phía Mỹ để từ đó đưa ra mức thuế hợp lý và có thể chịu được, giúp DN trong ngành duy trì hoạt động và phát triển.

“Các DN phải gánh thuế chống phá giá 10% đã rất khó khăn. Nếu bị áp thuế 46%, kể cả đối tác (bên mua hàng) chia sẻ một nửa, DN Việt cũng không chịu nổi. Hiện đã có những đối tác đề nghị dừng lại các đơn hàng giao vào tháng 5 tới”, đại diện Hội Da giày TP.HCM cho biết.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM đã đề xuất các cơ quan chức năng và Thành phố tạo điều kiện để DN cơ khí, điện tham gia đầu tư công, tiếp cận thông tin và có sự chuẩn bị ngay từ đầu.

Theo ông Tống, các DN trong ngành cơ khí, điện có thể chuyển hướng thị trường từ Mỹ sang thị trường đầu tư công. Điều này vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa giúp DN làm chủ công nghệ và nhiều yếu tố tích cực khác, việc này mình triển khai được thì làm được.

Sáng 9/4, UBND TP.HCM chủ trì tổ chức Hội thảo “Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ". Trọng tâm thảo luận xoay quanh mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng với hàng hóa Việt Nam.

Từ góc độ giải pháp, các chuyên gia tại hội thảo đã đề xuất TP.HCM cần có cách tiếp cận chủ động thay vì chỉ phản ứng thụ động với tình hình. Trước mắt, cần đẩy mạnh đàm phán song phương với Mỹ để giảm thuế, đồng thời kiểm soát nghiêm gian lận xuất xứ - vấn đề có thể làm xói mòn uy tín quốc gia nếu không xử lý triệt để. Song song đó, thành phố cần mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia có FTA như châu Âu, Canada, Mexico, UAE... nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Các chuyên gia cũng nhất trí rằng, trong nguy cơ luôn tiềm ẩn cơ hội. Nếu TP.HCM biết tận dụng thời điểm này để tái cơ cấu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh nội lực, thành phố không chỉ vượt qua rào cản thuế quan mà còn định hình được vị thế mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hơn, vững vàng hơn và ít phụ thuộc hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh ứng phó với áp lực thuế mới từ Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO