Trong nước

Chính sách thuế mới của Mỹ tạo sức ép tái cấu trúc xuất khẩu Việt Nam

Quang Chiến (tổng hợp) 08/04/2025 17:30

Chính sách thuế nhập khẩu 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam là cú sốc thương mại và là bước ngoặt buộc nền kinh tế Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu đã duy trì trong hơn hai thập kỷ. Mặc dù đây là thách thức lớn nhưng cũng cơ hội Việt Nam để chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh.

ct22-1743685675369.png
Bên cạnh những khó khăn tức thời thì đây là cơ hội vàng để tái cấu trúc chuỗi giá trị xuất khẩu

Ngày 2/4/2025, chính quyền Tổng thống Donald Trump gây chấn động khi công bố áp mức thuế suất lên đến 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước rơi vào tình thế bị động, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ, thủy sản và linh kiện điện tử.

Ngay sau thông báo, nhiều DN cho biết đã ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Tác động không chỉ là doanh thu giảm mà còn kéo theo chi phí kiểm định và logistics tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng, buộc DN phải cắt giảm lao động hoặc tạm ngừng hoạt động.

DN vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề

Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (BSA), nhiều DN đã buộc phải thu hẹp quy mô hoặc tạm thời rút khỏi thị trường Mỹ do chi phí kiểm định và logistics tăng gấp đôi. Nhóm DN nhỏ, thiếu năng lực truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng là đối tượng tổn thương lớn nhất trong bối cảnh siết chặt quy định thương mại.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận định: “Nhiều DN trong ngành gỗ đã bị khách Mỹ yêu cầu tạm dừng hoặc hủy đơn hàng”.

Rủi ro từ “trạm trung chuyển” và bài toán truy xuất nguồn gốc

Một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa Việt bị áp thuế cao là do nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều DN Trung Quốc dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để né thuế Mỹ vô tình biến Việt Nam thành “trạm trung chuyển”.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cảnh báo: “Việc bị áp mức thuế cao là hậu quả của những tồn tại kéo dài trong kiểm soát xuất xứ. Việt Nam bị xem là điểm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ”.

Tờ South China Morning Post cũng từng cảnh báo Việt Nam có nguy cơ trở thành “trạm trung chuyển bất đắc dĩ” nếu không kiểm soát tốt xuất xứ nguyên liệu. Điều này càng làm tăng mức độ giám sát từ phía Mỹ, bất kể DN có hành vi gian lận hay không.

Bà Wendy Cutler - nguyên quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, nhấn mạnh: “Mỹ đang phát đi thông điệp rằng mọi hành vi né thuế qua bên thứ ba đều sẽ bị xử lý, bất kể giấy tờ ghi gì”.

Cơ hội chuyển mình

Bên cạnh những khó khăn tức thời, nhiều chuyên gia nhận định đây là cơ hội vàng để tái cấu trúc chuỗi giá trị xuất khẩu. TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - nhận định: “Đây không chỉ là biến cố thương mại mà còn là phép thử chiến lược dài hạn cho năng lực thích ứng của nền kinh tế Việt Nam”.

Ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng lưu ý: “DN Việt cần xây dựng năng lực tuân thủ chuẩn mực quốc tế, minh bạch chuỗi cung ứng và đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường”.

Để đối mặt với cú sốc thuế quan này, Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào một vài thị trường lớn như Mỹ; tận dụng hiệu quả các FTA như EVFTA, CPTPP để mở rộng thị phần tại châu Âu, Trung Đông, châu Phi; nâng cấp tiêu chuẩn sản xuất, thúc đẩy nội địa hóa, minh bạch chuỗi cung ứng và phát triển theo hướng bền vững.

Theo các chuyên gia, chính sách thuế mới của Mỹ, xét về bản chất, không chỉ để bảo hộ thị trường nội địa mà còn nhằm tái định hình trật tự chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một mắt xích trọng yếu tại châu Á. Mức thuế 46% là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là đòn bẩy buộc DN Việt Nam thay đổi mô hình cạnh tranh từ chi phí thấp sang chất lượng, đổi mới và giá trị gia tăng.

Dưới tác động từ chính sách của Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam cần khẩn trương tái cơ cấu chiến lược thương mại để thích ứng linh hoạt, giảm thiểu rủi ro và duy trì đà tăng trưởng.

Ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ: “Chúng ta không chỉ nên phản đối hay kêu gọi từ phía Mỹ, mà cần tự nhìn lại mình để có những điều chỉnh phù hợp. Một biện pháp hiệu quả là tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, qua đó tạo sự cân bằng trong cán cân thương mại và làm cho các cuộc đàm phán với Mỹ trở nên dễ dàng hơn”.

Bên cạnh đó, chuyên gia từ VPBank Securities đề xuất, Việt Nam nên theo đuổi chiến lược đàm phán linh hoạt, trong đó có thể xem xét việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng từ Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và tránh gia tăng căng thẳng. Về mặt kinh tế nội địa, việc đẩy mạnh đầu tư công và kích thích tiêu dùng trong nước tiếp tục được coi là giải pháp trọng yếu để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu và duy trì động lực tăng trưởng.

Chính phủ cũng đã có động thái quan trọng khi chính thức đề xuất với Mỹ hoãn thực thi chính sách thuế trong vòng 45 ngày, mở ra cơ hội cho đối thoại và tìm kiếm một giải pháp cân bằng lợi ích, ổn định quan hệ kinh tế song phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách thuế mới của Mỹ tạo sức ép tái cấu trúc xuất khẩu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO