Larry Ellison, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Oracle |
Dheeraj Pandey đã từng là nhân viên tại Oracle. Chỉ sau vài năm làm việc tại đây, Pandey đã thu được những kinh nghiệm điều hành bổ ích từ Ellison. Sau khi trở thành CEO kiêm nhà đồng sáng lập của Nutanix - công ty dẫn đầu trong việc tạo ra dòng sản phẩm “siêu hội tụ” giúp đưa các dịch vụ lưu trữ, máy chủ và ảo hóa vào một thiết bị tích hợp, người nhân viên Oracle ngày nào đã nghiêm túc áp dụng những bài học đó vào công việc.
Pandey cho biết: “Cách mà Larry Ellison xây dựng công ty luôn mang tầm chiến lược, và tôi đã học hỏi được rất nhiều không chỉ ở cách điều hành mà còn ở cách xây dựng văn hóa với một tính cách mạnh mẽ”.
Dưới đây là những chia sẻ của Pandey về những điều ông đã học được từ Ellison và lãnh đạo công ty gặt hái thành công:
1. Không nhân nhượng với đối thủ
Larry Ellison được xem là thủ lĩnh “máu lạnh” của Oracle, bởi ông thường không ngần ngại đe dọa, chê bai đối thủ công khai trên các phương tiện truyền thông, thậm chí kiện đối thủ ra tòa.
Nhờ những bài học từ Larry Ellison, Dheeraj Pandey - CEO, đồng sáng lập Nutanix đã kiếm được 2 tỷ USD sau 6 năm kinh doanh |
Oracle dưới thời Larry đã khởi xướng một vụ kiện lớn với Google, cáo buộc bộ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới này sử dụng trái phép Java khi phát triển và xây dựng Android. Vào năm 2013, trong cuộc đối thoại với các nhà phân tích của Wall Street, Larry Ellison tự tin khẳng định rằng Oracle đang làm tốt hơn đối thủ SAP và Workday rất nhiều, đồng thời cho biết mảng điện toán đám mây của Oracle trị giá tầm 1 tỷ đô, lớn hơn cả SAP và Workday cộng lại.
Trong năm 2015, tại hội thảo công nghệ của hãng tại San Francisco, Larry lại tự tin phát biểu: “IBM và SAP là hai đối thủ nặng ký nhất, nhưng giờ chúng tôi không còn để ý đến họ nữa”.
2. Có “niềm tin không nao núng” vào chiến lược của mình
Oracle dưới sự quản lý của Larry Ellison từng thực hiện một trong những vụ thâu tóm lớn nhất lịch sử công nghệ khi chi 10,3 tỷ USD cho PeopleSoft. Bộ Tư pháp ở Mỹ đã gửi đơn kiện dân sự theo Luật Chống độc quyền nhằm ngăn cản Oracle mua lại đối thủ kinh doanh, 7 bang ở Mỹ đã tham gia vụ kiện và khẳng định vụ sáp nhập này sẽ phá vỡ thế cạnh tranh giữa 2 nhà cung cấp phần mềm quản lý tài chính doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Lary Ellison đã đứng lên chống lại những cáo buộc trên, trải qua 18 tháng đàm phán gay go, cuối cùng đã giành chiến thắng, giúp Oracle mua lại thành công Peoplesoft với giá 26,5 USD/cổ phiếu, tương đương 10,3 tỷ USD.
3. Không sợ nuôi dưỡng các phần tử “nổi loạn”
Theo Pandey, Ellison không bao giờ muốn ở xung quanh những người chỉ biết nói “đồng ý”. Những nhà điều hành kỳ cựu trước đây của công ty bao gồm Marc Benioff của Salesforce, Tom Siebel của Siebel Systems, Craig Conway của PeopleSoft và cựu Chủ tịch HP Ray Lane.
“Tất cả những nhân sự này cuối cùng đều cạnh tranh với Oracle, nhưng nếu không có họ, Oracle sẽ không thể trở thành một Oracle mà chúng ta biết ngày hôm nay”, Pandey khẳng định.
4. Để mình bị “ám ảnh” bởi sản phẩm của công ty
Lần đầu tiên vào 30 năm trước, Ellison đã đưa ra ý tưởng về hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu Oracle, và cho tới ngày nay, ông vẫn giữ vai trò giám đốc công nghệ của công ty, tham gia vào quá trình phát triển phần mềm quản trị dữ liệu của Oracle cùng nhiều sản phẩm khác.
Ellison luôn hướng tầm nhìn của mình về tương lai của ngành công nghệ nói chung và của Oracle nói riêng vào các sản phẩm của Oracle, ví dụ như thiết kế phần mềm dữ liệu thân thiện với internet vào những năm 1990, và thiết kế lại để tương thích với công nghệ điện toán đám mây vào những năm sau đó.
5. Làm việc chặt chẽ với những người trực tiếp “sản xuất”
“Khi công ty lớn mạnh, thật dễ dàng để ủy thác việc xây dựng mối quan hệ cho những người quản lý, rồi quản lý của quản lý, như vậy là 4 cấp độ. Điều này khiến cho rất nhiều kỹ sư chuyên gia, người xây dựng và sáng tạo sản phẩm cảm thấy mất đi tiếng nói”, Pandey nói.
Oracle đã từng có một đội ngũ với tên gọi “Oracle Red”, bao gồm các kỹ sư đã gắn bó hàng thập kỷ với công ty, Ellison biết cách gạt bỏ khoảng cách về cấp bậc để tiếp cận với những nhân tài trong công ty, đặc biệt là đội ngũ xây dựng và sáng tạo sản phẩm.
6. Hứng thú với những thị trường lớn và khó
Trong những thị trường đã được Oracle “chinh phạt”, Larry Ellison thấu hiểu thị trường Nhật Bản và Trung Quốc tốt hơn bất kể một công ty nào khác, kể cả Microsoft.
Nhật Bản là một thị trường thành công của Oracle, và đây cũng là một đất nước được Larry Ellison đặc biệt yêu thích. Vào năm 2000, ngay sau sự cố internet toàn cầu và khó khăn về tài chính tại Mỹ, chi nhánh Nhật Bản của Oracle vẫn huy động được 7,5 tỷ đô trên sàn chứng khoán Tokyo.
7. Sẵn sàng nhún nhường và thay đổi chiến lược
Ellison từng thay đổi quan điểm rất nhiều lần, và lần gần đây nhất ông đã đưa sản phẩm của Oracle vào thị trường điện toán đám mây trong khi trước đó đã chê bai và gạt ý tưởng này đi.
Ông từng chuyển từ quan điểm “only built here” (tạm dịch là “chỉ có ở đây”) sang những thương vụ M&A đầy tham vọng, chuyển từ việc hỗ trợ hệ điều hành Unix sang Linux. Ông thậm chí còn hợp tác với Microsoft, đối thủ cạnh tranh lâu năm và củng cố lại mối quan hệ với CEO của Salesforce - Marc Benioff, khách hàng đồng thời là đối thủ lớn của Oracle.