Vẫn còn hạn chế
Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận doanh nhân Việt Nam thiếu kinh nghiệm thương trường, tầm nhìn dài hạn, tính hợp tác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, không ít doanh nhân thiếu kiến thức về pháp luật, nhất là pháp luật kinh doanh quốc tế, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, bị động trong cạnh tranh và hội nhập. Thực tế là Việt Nam chưa có nhiều doanh nhân đủ bản lĩnh để tự tin đàm phán, ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh, gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng và xã hội, thiếu trách nhiệm với người lao động, hoặc không chú ý đến an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm và sử dụng lãng phí, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại đến môi trường...
Không ít doanh nhân còn yếu kém về trình độ, năng lực quản lý kinh tế; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng... dẫn đến suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước.
Điều cần làm
Để phát huy vai trò của doanh nhân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu trong bối cảnh mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất: Nhà nước cần hoàn thiện thể chế và quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên là đất, nước và khoáng sản; xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, có cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo thiên tai và thảm họa môi trường, dịch bệnh; ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Nhà nước cũng phải chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng; tiếp tục cải cách hành chính, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân.
Thứ hai: Phát triển đội ngũ doanh nhân phải được đào tạo bài bản, có tri thức, được trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, thích ứng với sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhà nước cần xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở giáo dục, đào tạo quốc gia với đào tạo, bồi dưỡng tại các tập đoàn doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Thứ ba: Xây dựng những chuẩn mực mới về văn hóa doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực xã hội và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó xây dựng văn hóa doanh nhân là hạt nhân, đề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân.
Thứ tư: Nhà nước cần công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân. Hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân với những người hoạch định chính sách; xử lý nghiêm minh những doanh nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ năm: Thực hiện tốt chính sách tôn vinh những doanh nhân giỏi, có nhiều đóng góp, tạo ra động lực cống hiến của doanh nhân cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ sáu: Phát huy tính tích cực, chủ động, tự phát triển của doanh nhân. Mỗi doanh nhân cần tự học tập, tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ học vấn, pháp luật, văn hóa, chuyên môn... để ứng dụng vào quản lý, kinh doanh; trau dồi những kỹ năng cần thiết.
(*) Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh TP.HCM